11-4, ngày cuối cùng nhận hồ sơ tuyển sinh ĐH-CĐ 2013, số lượng hồ sơ vẫn tập trung vào các trường công lập và trường tốp trên, trong khi các trường ngoài công lập và hệ CĐ rất thưa thớt.
Có mặt tại Sở GD-ĐT TPHCM, lúc 16 giờ
ngày 11-4, chúng tôi chứng kiến vẫn còn hàng trăm thí sinh (TS) và phụ
huynh chen nhau nộp hồ sơ. Nhân viên thu nhận hồ sơ ở đây cho biết riêng
trong ngày cuối, lượng hồ sơ nộp trực tiếp tại sở là 1.000 bộ, nâng
tổng số hồ sơ nộp trực tiếp tại đây gần 5.000 hồ sơ. Ngoài ra, Sở GD-ĐT
TPHCM còn nhận được 11.300 hồ sơ từ 97 trường THPT tại TPHCM.
Thí sinh nộp hồ sơ dự thi ĐH, CĐ năm 2013 tại Sở GD-ĐT TPHCM
Ảnh: TẤN THẠNH
Tập trung vào trường công lậpẢnh: TẤN THẠNH
Tại Cơ quan Đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM, dù vẫn còn nhận hồ sơ đến
ngày 22-4 nhưng trong ngày 11-4, số TS đến nộp hồ sơ tăng đột biến. Theo
đó, có trên 500 hồ sơ nộp vào, nâng tổng số hồ sơ TS tự do nộp trực
tiếp tại đây lên con số 3.000. Ngoài ra, cơ quan này còn nhận được trên
9.000 hồ sơ của TS tự do nộp tại các trung tâm GDTX, trung tâm luyện
thi…
Ông Nguyễn Quốc Cường, Phòng Tuyển sinh Cơ quan Đại diện Bộ GD-ĐT, cho biết những trường ĐH có số lượng TS nộp vào nhiều là: ĐH Sài Gòn, ĐH Kinh tế, ĐH Tài chính - Marketing; ĐH Nông Lâm TPHCM, ĐH Sư phạm, ĐH Y Dược TPHCM… Theo ông Cường, năm nay, lượng hồ sơ nộp vào trường ĐH ngoài công lập rất ít, ngoài Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM có trên 100 hồ sơ, còn lại các trường khác chỉ vài chục hồ sơ, như Trường ĐH Hồng Bàng: 13 bộ, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành: 44 bộ…
Chọn trường dễ đậu
Tại các trường THPT trên địa bàn TPHCM, trung bình mỗi học sinh nộp từ 2-3 bộ hồ sơ dự thi. Tùy khả năng, học sinh đã biết cân nhắc chọn nghề, chọn trường phù hợp. Nếu như các năm trước, học sinh nộp hồ sơ nhiều vào khối ngành kinh tế, ngân hàng thì năm nay đã giảm hẳn và cân bằng với nhiều ngành nghề khác - cô Nguyễn Thị Thúy Uyên, cán bộ học vụ của Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q. Thủ Đức - TPHCM), cho biết.
Tại Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3), học sinh cũng lưỡng lự hơn khi đăng ký dự thi vào khối ngành kinh tế - tài chính. Vì vậy, khi đăng ký dự thi, ngoài khối ngành kinh tế, các em còn đăng ký dự thi vào khối ngành khác.
Hiệu trưởng nhiều trường THPT ở TPHCM, cho rằng xu hướng chọn ngành của học sinh những năm trước đây không phản ánh đúng khả năng của các em mà phần lớn chịu ảnh hưởng bởi tâm lý, nhu cầu của thị trường, thu nhập. Năm nay các em được hướng nghiệp kỹ nên xu hướng chọn ngành đã thay đổi, biết dựa vào sức học.
Tại Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, chỉ những học sinh chuyên mới đăng
ký dự thi vào các trường thường có điểm chuẩn trúng tuyển cao như ĐH Y
Dược TPHCM và các trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM. Số còn lại
chọn những trường vừa sức. Một số trường như ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM,
ĐH Nông Lâm, CĐ Công Thương TPHCM, CĐ Công nghệ Thủ Đức… được nhiều em
lựa chọn để thi. Với học sinh của Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, sức
học của học sinh ở đây thuộc hạng khá, giỏi nên nhiều em dự thi vào ĐH Y
khoa Phạm Ngọc Thạch, ĐH Y Dược hay các trường thành viên của ĐH Quốc
gia TPHCM.
Tại Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, có 9 trường ĐH, CĐ nhận được từ 110
hồ sơ trở lên, trong đó ĐH Sài Gòn cao nhất với 338 hồ sơ; các trường
còn lại như: ĐH Tài chính - Marketing, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Sư phạm,
ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, ĐH Bách
khoa, ĐH Tôn Đức Thắng dao động từ 110-178 hồ sơ.
Cũng theo đại diện các trường, học sinh đăng ký dự thi vào khối A,
A1 và khối B nhiều. Trung bình mỗi học sinh nộp từ 2-3 bộ hồ sơ. Số
lượng như vậy là không nhiều bởi có 3 đợt thi ĐH, CĐ.
Ít hồ sơ vào cao đẳng
Số lượng hồ sơ vào các trường CĐ rất ít. Tại Sở GD-ĐT
TPHCM, ngoài Trường CĐ Kinh tế Đối ngoại có số lượng khá cao là 150 hồ
sơ, còn lại các trường khác chỉ nhận được vài chục hồ sơ như: CĐ Công
Thương: 19 bộ; CĐ Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn 18: bộ; CĐ Kinh
tế Kỹ thuật Miền Nam: 6 bộ, CĐ Công nghệ Thông tin TPHCM: 35 bộ... Tại
Cơ quan Đại diện Bộ GD-ĐT, số hồ sơ nộp vào hệ CĐ cũng rất thưa thớt.
|
THÙY VINH - HUY LÂN
Theo NLĐ
0 nhận xét