Trong báo cáo thường niên năm 2012 của mình, Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc (CASS) tuyên bố xung đột quân sự Trung - Nhật quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là “không thể tránh khỏi”.
Bản báo cáo có tên “Tình hình phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương” chỉ ra tốc độ phát triển quá nhanh của Trung Quốc đang gây lo ngại cho các nước xung quanh, buộc họ phải dè chừng cũng như phải “chấp nhận sự tái điều chỉnh về cân bằng quyền lực”.
Đặc biệt, theo CASS, quan hệ Trung - Nhật sẽ bước vào thời kỳ bất ổn cao độ với căng thẳng kéo dài quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. “Việc Nhật Bản quốc hữu hóa Điếu Ngư đã phá hủy thế cân bằng. Trung Quốc không có giải pháp chính trị nào để quay về tình thế trước khi quốc hữu hóa, nên không còn cách nào khác ngoại trừ chờ đợi một trật tự mới” - một nguồn tin ngoại giao Trung Quốc nhận định.
Tàu hải giám Trung Quốc và tàu tuần duyên Nhật Bản so kè gần Senkaku hồi tháng 9-2012. Ảnh: Asahi
Hệ quả, theo CASS, cho đến khi thế cân bằng sức mạnh mới được thiết lập trong địa hạt chính trị và kinh tế, xung đột kéo dài giữa hai cường quốc hàng đầu châu Á là không thể tránh khỏi.
Đặc biệt, chiến lược quay lại châu Á của Mỹ được xem là tác nhân chính cho mối xung đột này. Theo CASS, sự can thiệp của Mỹ vào khu vực đã kích động các chính trị gia theo đường lối dân tộc cực đoan của cả Trung Quốc và Nhật.
“Vai trò của Mỹ trong vụ Điếu Ngư cũng như các tranh chấp lãnh thổ khác ở châu Á không hề trung tính. Mỹ không ngừng mở rộng ảnh hưởng quân sự trong khu vực và liên minh với các đối thủ có tranh chấp với Trung Quốc để khống chế sự trỗi dậy thành siêu cường của Bắc Kinh” - báo cáo viết.
Hiện thời, Bắc Kinh đang chú ý quan sát hành động của chính phủ mới tại Nhật, từ những tuyên bố cứng rắn của tân Thủ tướng Shinzo Abe như cho lực lượng công vụ đồn trú tại Senkaku hay ý định thăm đền Yasukuni. “Thủ tướng Abe không nên có những hành động làm căng thẳng leo thang. Nếu không, Trung Quốc sẽ sẵn sàng đáp trả” - báo Asahi của Nhật dẫn lời một quan chức cấp cao Trung Quốc cho hay.
Hải Ngọc (Theo Asahi, Antiwar)
Theo NLĐ
0 nhận xét