Giới phân tích cho rằng chiến dịch không kích của Pháp đã làm xáo trộn kế hoạch can thiệp quân sự vào Mali được Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn.
Quân
đội Pháp hôm 13-1 đã mở rộng chiến dịch tấn công lực lượng nổi dậy được
cho là có liên hệ đến mạng lưới Al-Qaeda ở Mali, thể hiện quyết tâm
diệt trừ tận gốc chủ nghĩa khủng bố ở nước này.
Binh sĩ Pháp hôm 11-1 chuẩn bị lên đường đến thủ đô Bamako của Mali. Ảnh: AP
Mỹ, châu Âu hỗ trợ
Bộ
Quốc phòng Pháp cho biết máy bay chiến đấu nước này đã không kích các
trại huấn luyện và những mục tiêu khác của phiến quân Hồi giáo ở miền
Bắc. Theo tuyên bố của bộ này, mục tiêu của Pháp là đi đầu trong nỗ lực
không ngơi nghỉ nhằm chống lại các nhóm khủng bố và ngăn chặn bất kỳ
cuộc tấn công nào của những nhóm này vào miền Nam Mali. Ngoại trưởng
Pháp Laurent Fabius nhận định rằng đà tiến quân của lực lượng nổi dậy đã
bị chặn lại sau khi có sự can thiệp quân sự của Paris.
Không
dừng lại ở các cuộc không kích, Pháp còn triển khai 550 quân đến thủ đô
Bamako, đồng thời chờ đợi sự tham gia của lực lượng Tây Phi trong chiến
dịch truy quét các phần tử nổi dậy khỏi miền Bắc Mali.
Ngoài
ra, Anh đã điều 2 máy bay vận tải quân sự C17 để giúp vận chuyển binh
lính trong chiến dịch quân sự của Pháp ở Mali. Trong khi đó, Mỹ cho biết
sẽ gửi máy bay không người lái, đồng thời hỗ trợ về mặt tình báo, hậu
cần và tiếp liệu cho chiến dịch này. Theo ông Fabius, một số nước châu Âu khác cũng đang hỗ trợ trong cuộc chiến ở Mali.
Giới
phân tích cho rằng chiến dịch quân sự hiện nay của Pháp ở Mali đã làm
xáo trộn kế hoạch can thiệp quân sự được Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn. Theo
kế hoạch ban đầu, một lực lượng 3.300 lính của các nước Tây Phi sẽ chỉ
được triển khai ở Mali vào tháng 9 năm nay do cần có nhiều thời gian
chuẩn bị về mặt hậu cần, tài chính và tình báo.
Tuy
nhiên, sau khi Pháp không kích, Cộng đồng Kinh tế các nước Tây Phi
(ECOWAS) giờ đây phải chạy đua với thời gian để tập hợp và triển khai
quân đến Mali. Sự vội vã này đã làm dấy lên những câu hỏi về một sứ mệnh
lâu dài ở đó.
Martin
van Vliet, một chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu châu Phi ở Hà Lan,
nhận định với hãng tin Reuters: “Một sự can thiệp quân sự vội vã vào lúc
này không mang lại nền tảng vững chắc cho sứ mệnh nhưng việc không làm
gì cả cũng là một lựa chọn tồi”.
Thách thức không nhỏ về quân sự
Hầu
hết nhà phân tích cho rằng việc đánh đuổi vài ngàn tay súng ra khỏi
miền Bắc Mali, một vùng đất có diện tích tương đương nước Pháp, là một
thách thức không nhỏ về mặt quân sự. Trong khi đó, cựu thủ tướng Pháp
Dominique de Villepin thậm chí còn bi quan hơn khi cho rằng ở Mali không
hội đủ các điều kiện thành công đối với chiến dịch quân sự của Pháp.
Trong
bài viết đăng trên báo Le Journal du Dimanche hôm 13-1, ông cho rằng
Pháp đang tiến hành một cuộc chiến “dò dẫm” do thiếu những mục đích cụ
thể ở Mali, nơi có một quân đội chia rẽ và một thể chế nhà nước rất yếu.
Ông nhận định: “Việc ngăn chặn đà tiến quân của các tay súng Hồi giáo,
tái chiếm miền Bắc Mali và xóa sạch các căn cứ Al-Qaeda ở vùng Maghreb
là những cuộc chiến khác nhau”.
Bên
cạnh đó, đã xuất hiện nỗi lo về những mối đe dọa gia tăng nhằm vào 8
con tin Pháp đang nằm trong tay các đồng minh Al-Qaeda ở vùng Sahara
cùng hàng chục ngàn người Pháp đang sống ở Mali và những nước lân cận.
Theo yêu cầu của Pháp, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trong ngày 14-1 đã tiến hành cuộc họp bàn về tình hình Mali. Cả
Liên Hiệp Quốc và Mỹ từng nhấn mạnh rằng một sứ mệnh được quốc tế hậu
thuẫn ở Mali nên do lực lượng ECOWAS đảm nhận, đồng thời đi cùng với nó
là một tiến trình chính trị nhằm mang lại hòa bình cho đất nước này.
Tuy nhiên, những diễn biến mới nhất ở Mali cho thấy sứ mệnh này hiện là “sô diễn” của
người Pháp, ngay cả khi Tổng thống François Hollande tuyên bố nước này
chỉ hành động trong khuôn khổ một nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên Hiệp
Quốc được thông qua vào tháng rồi.
Theo NLĐ
0 nhận xét