Kỷ lục đầu năm
Sáng ngày 2/1, TTCK mở cửa trở lại đón chào phiên giao dịch đầu tiên của năm 2013 bắt đầu bằng Lễ đánh cồng khai trương với sự có mặt của diện lãnh đạo Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán nhà nước
Cả hai sàn TP.HCM và Hà Nội đón phiên đầu năm mới khá bất ngờ với một dòng tiền rất lớn đổ vào ngay trong buổi sáng. Tính tới cuối buổi, VN-Index tăng hơn 1%, HXN-Index tăng hơn 2% với khối lượng giao dịch chưa tính thỏa thuận đạt gần 110 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 1.000 tỷ đồng - mức giao dịch mạnh nhất trong hơn 4 tháng qua và cao hơn cả mức giao dịch trong những phiên bùng nổ thanh khoản trong tuần cuối tháng 12/2012.
Đa số các cổ phiếu bất động sản (BĐS), dầu khí, chứng khoán đều bùng nổ tăng trần. Trên sàn có tổng cộng gần 170 cổ phiếu tăng hết biên độ cho phép. Trạng thái hưng phấn trở nên cao độ hơn trong phiên buổi chiều và thị trường dường như đang phản ánh kỳ vọng từ hàng loạt các giải pháp hỗ trợ đang được các cơ quan chức năng tính đến.
Sự hưng phấn có lẽ bắt đầu sau một tháng 12 giao dịch sôi động với chỉ số HNX-Index tăng gần 12% trong khi VN-Index cũng tăng được gần 10% sau khi Chính phủ có động thái giảm lãi suất xuống trần 8%/năm, cộng với việc tín dụng cho chứng khoán đã được cởi trói, không bị ràng buộc bởi các quy định về lĩnh vực không khuyến khích.
Chủ tịch UNCK Vũ Bằng khai sàn HNX ngày 2/11. |
Tại buổi khai trương phiên giao dịch đầu năm 2013 của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), ông Vũ Bằng, Chủ tịch UBCK cho biết sẽ trình lên Bộ Tài chính đề án hỗ trợ thị trường, bao gồm 6 nhóm giải pháp chính, trong đó bao gồm nhóm đề án tăng cường hàng hóa cho thị trường, nhóm đề án hỗ trợ DN niêm yết, thu hút dòng vốn nước ngoài (liên quan đến tỉ lệ sở hữu), các giải pháp kỹ thuật như tăng tỷ lệ ký quỹ - margin, tăng biên độ giao dịch...
Về nhóm giải pháp hỗ trợ DN niêm yết, trọng tâm được cho là liên quan đến vấn đề thuế. Trong khi đó, giải pháp kỹ thuật có thể sẽ chủ yếu là nhằm làm tăng thanh khoản cho thị trường với điểm nhấn là nâng tỷ lệ margin (có thể lên 50:50) và biên độ hai sàn lên 10% với HNX và 7% với HSX, thậm chí có thể cùng nâng lên 10%.
Về sở hữu nước ngoài, nhiều khả năng đây sẽ được coi là giải pháp nhằm tăng sức hấp dẫn của DN niêm yết, nhằm tăng tính thanh khoản cho các cổ phiếu.
Về sở hữu nước ngoài, nhiều khả năng đây sẽ được coi là giải pháp nhằm tăng sức hấp dẫn của DN niêm yết, nhằm tăng tính thanh khoản cho các cổ phiếu.
Trước đó, giới đầu tư cũng đã tỏ ra quan tâm nhiều hơn tới TTCK sau khi Chính phủ đưa ra kế hoạch tăng trưởng tín dụng 12% cho cả năm 2013; lạm phát và tăng trưởng mục tiêu đều theo hướng tích cực hơn.
Thông điệp phát triển kinh tế ổn định, song hành với kích thích kinh tế phát triển cùng với nhiều giải pháp phá băng thị trường BĐS... đang khiến dòng tiền có xu hướng dịch chuyển dần về TTCK, về các cổ phiếu BĐS, chứng khoán...
Thông điệp phát triển kinh tế ổn định, song hành với kích thích kinh tế phát triển cùng với nhiều giải pháp phá băng thị trường BĐS... đang khiến dòng tiền có xu hướng dịch chuyển dần về TTCK, về các cổ phiếu BĐS, chứng khoán...
Bên cạnh đó, TTCK trong năm mới theo lộ trình sẽ đón thêm nhiều loại hàng hóa mới, phong phú hơn như quỹ mở, quỹ bảo hiểm, quỹ ETF.
Tất cả những thông tin nói trên là cơ sở để nhiều nhà đầu tư nắm giữ tiền trong cả năm qua tính toán đưa tiền trở lại TTCK. Sóng tăng chứng khoán được kỳ vọng sẽ còn tiếp tục kéo dài. Nhiều người kỳ vọng kịch bản sóng tăng đầu năm sẽ lặp lại giống như năm trước.
Ngập ngừng và thận trọng
Phiên giao dịch đầu năm mới 2013 đóng cửa thành công mỹ mãn với gần 150 triệu cổ phiếu giao dịch trên cả hai sàn, chỉ số HNX-Index tăng hơn 3,5% (mức tăng mạnh nhất trong hơn 7 tháng qua)... cho thấy giới đầu tư đang thực sự quan tâm tới chứng khoán - một trong những kênh đầu tư hấp dẫn hiếm hoi trong thời điểm hiện nay.
Ông Vũ Bằng, cho biết, dòng vốn dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài đang có xu hướng tăng, các sản mới đang được phát triển để đa dạng hàng hóa trên thị trường. Năm 2013, mục tiêu quan trọng mà UBCK đặt ra là "Vượt qua khó khăn, tiếp tục ổn định thị trường và chuẩn bị tiền đề cho sự phát triển TTCK trong giai đoạn tới".
"UBCK tiếp tục thúc đẩy quá trình tái cấu trúc TTCK, triển khai các giải pháp dài hạn phát triển thị trường, hoàn thành các văn bản pháp lý liên quan đến sản phẩm ETF, và chuẩn bị các điều kiện cho việc phát triển TTCK phái sinh".
Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêmTổng Giám đốc HNX tin tưởng rằng, TTCK sẽ có những bước khởi sắc, từng bước phát triển trong những năm tiếp theo.
Ở chiều ngược lại, không ít nhà đầu tư lo ngại về sự tăng trưởng bền vững của thị trường trong bối cảnh đa số các DN vẫn còn đang rất khó khăn. Ngay cả các DN BĐS - đối tượng của gói giải cứu BĐS đang được xem xét cũng khó lòng bứt phá trở lại nếu nền kinh tế vẫn trì trệ, người dân thu nhập thấp không mua được nhà.
Theo một số chuyên gia, gói giải pháp phá băng BĐS mang tính chất hành chính nhiều hơn, như bơm tiền, hỗ trợ lãi suất cho người mua nhà, đề xuất cho phép UBND mua lại nhà thương mại... Trong khi đó, giải pháp hỗ trợ TTCK cũng phần nhiều mang tính kỹ thuật nhằm tăng tính thanh khoản và nỗ lực xây dựng cơ chế chính sách cho thị trường phát triển.
Các DN niêm yêt trong khi đó vẫn khá yếu ớt với đa số đang chật vật với tồn kho, tiền mặt ít, nợ nhiều và thua lỗ... Quá trình tái cấu trúc TTCK nói chung và các DN nói riêng là dài hơi. Do vậy, năm 2013, nhiều DN có lẽ vẫn chưa thể thoát ra khỏi vòng xoáy khó khăn, vẫn tiếp tục trong giai đoạn tái cơ cấu.
Nhiều nhà đầu tư lo ngại, giống như năm ngoái, TTCK có thể chỉ tăng mạnh mẽ được trong thời gian đầu năm nhờ hàng loạt các chính sách hỗ trợ nhưng sau đó quay trở lại giảm mạnh mẽ trong các tháng còn lại nếu các DN không tự mình vượt qua được khó khăn, nền kinh tế có thể gặp lại cú sốc nợ xấu tăng (do ảnh hưởng lớn của các DNNN, BĐS không khởi sắc như kỳ vọng) và lạm phát cao...
Thực tế số liệu của nhiều tổ chức cũng như của Nhà nước cho thấy khối doanh nghiệp FDI, tư nhân hoạt động khá hiệu quả. Trong khi đó, khối DNNN hoạt động yếu kém, gây ra nhiều hậu quả to lớn cho nền kinh tế. Chính sự yếu kém của khối này đã và đang khiến cho các chính sách kinh tế trở nên méo mó, ảnh hưởng tới hoạt động chung của các DN khác, của người dân...
TTCK có khởi sắc thực sự trở lại hay không, ở góc độ nào đó, đang phụ thuộc vào tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế, mà rất quan trọng là tái cấu trúc khối DNNN, mà trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty.
Mạnh Hà
Mạnh Hà
Theo Vef.vn
0 nhận xét