Khi buộc phải quyết định chọn trường cho
con, bà Hong Sung-ok, 47 tuổi, nhân viên kinh doanh bảo hiểm, cho biết
bà không có nhiều sự lựa chọn: “Tôi không có đủ khả năng để gửi con vào
trường tư như những người khác. Tôi đã phải dành hơn một nửa tháng lương
của mình để đóng học phí và chi thêm các khoản khác cho con. Thật sự
rất tốn kém và đó cũng là lý do tôi quyết định chỉ có một con”.
Gánh nặng tài chính
Quyết định của bà Hong Sung-ok phản ánh một xu hướng mới ở Hàn Quốc
hiện nay, nơi tỉ lệ sinh đang giảm xuống mức thấp nhất trong các nước
phát triển. Báo cáo mới nhất của chính phủ cho biết Hàn Quốc sẽ phải
chứng kiến dân số trẻ (từ 9 đến 24 tuổi) giảm hơn 50% vào năm 2060 so
với mức 10,2 triệu người hiện nay nếu tỉ lệ sinh vẫn tiếp tục ở mức
thấp. Ngược lại, dân số già của Hàn Quốc được dự đoán sẽ tăng nhanh
trong 40 năm tới hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Đến năm 2050, dự kiến 39%
dân số Hàn Quốc sẽ hơn 60 tuổi so với mức hiện nay chỉ có 17%, theo
Cục Điều tra dân số. Điều này có thể gây tổn hại đến năng suất lao động
và sự ổn định tài chính.
Nhiều gia ðình Hàn Quốc chỉ sinh một con bởi chi phí giáo dục ở ðây khá cao
“Hàn Quốc đang nhanh chóng trở thành một quốc gia có tỉ lệ dân số già
cao” - ông Kwon Young-sun, nhà phân tích làm việc tại Tập đoàn Nomura,
nói với báo Financial Times (Anh). Ông Kwon cho biết tỉ lệ sinh thấp cho
thấy rõ sự thay đổi lớn trong văn hóa giáo dục. Các bậc phụ huynh
thường quan tâm đến con cái họ sẽ phải phấn đấu như thế nào để tìm được
một công việc tốt. Chi phí học hành quá cao khiến nhiều cặp vợ chồng
không muốn có thêm con.
Cần thay đổi quan niệm
Bà Park Geun-hye, tân Tổng thống Hàn Quốc, đã cam kết giải quyết vấn
đề bằng cách tăng cường sự hỗ trợ của chính phủ về chăm sóc trẻ em và
giảm một nửa học phí. Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng biện
pháp trên sẽ chỉ tăng tỉ lệ người đi học đại học chứ không thúc đẩy tỉ
lệ sinh.
Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc đang cố gắng thay đổi quan niệm của
người dân về việc học đại học không phải là điều kiện tiên quyết cho sự
thành công. Vì vậy, 21 trường trung cấp nghề đã được mở ra nhằm đào tạo
về kỹ thuật chuyên môn cho từng lĩnh vực cụ thể như đóng tàu và sản
xuất chất bán dẫn. Tuy nhiên, điều này lại đặt áp lực lên các công ty
lớn trong việc thuê nhân viên không có bằng tốt nghiệp đại học.
Bất chấp những nỗ lực trên, sẽ mất không ít thời gian để thay đổi
được nhận thức của người Hàn Quốc về chuyện sinh con và học hành. Một
nghiên cứu của chính phủ 2 năm trước cho thấy 93% bậc cha mẹ muốn con
cái của họ phải đạt được ít nhất 1 tấm bằng đại học. “Đây là một xã hội
đầy tính cạnh tranh. Đôi khi sự cạnh tranh diễn ra rất khốc liệt” - ông
Lee Jong-wha, cố vấn kinh tế của Tổng thống Lee Myung-bak, nói. Bởi
thế, các bậc phụ huynh ở đây luôn cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho con
cái ăn học đến khi tốt nghiệp đại học. Một gánh nặng như thế khiến hầu
hết các gia đình rất đắn đo khi muốn sinh thêm con.
Theo NLĐ
0 nhận xét