Vẫn dáng người gầy yếu, vẫn cung cách mộc mạc, chân tình, bà Nguyễn Thị Kim Nga (mẹ cố nhà báo Hoàng Hùng) ra tận cửa đón chúng tôi đến dự 2 năm ngày mất của Hoàng Hùng. Ngày 6-1 cũng là ngày bà cúng xả tang cho anh.
Chớp mắt đã 2 năm. Nỗi đau theo thời
gian cũng nguôi ngoai phần nào, vậy mà gặp lại bà, lòng chúng tôi day
dứt không yên bởi cảm giác có lỗi với anh - người đồng nghiệp kề vai sát
cánh nhiều năm trong sự nghiệp báo chí, với mẹ Nga - người mẹ suốt một
đời chỉ biết hy sinh và với bạn đọc - những người hết lòng quan tâm đến
anh và Báo Người Lao Động. Từ khi xảy ra vụ án đến nay, bằng những chứng
cứ còn chưa thuyết phục, lời khai còn nhiều mâu thuẫn của hung thủ lẫn
nhân chứng, chúng tôi đã nhiều lần cố gắng lật lại vụ án mong tìm ra sự
thật một cách thuyết phục nhất. Nhưng rồi lực bất tòng tâm, bất chấp
những điều phi lý một cách khó có thể chấp nhận, bản án phúc thẩm với
mức án tù chung thân dành cho Trần Thúy Liễu (vợ cố nhà báo Hoàng Hùng)
đã tạm khép lại vụ án nhà báo Hoàng Hùng bị sát hại...
Ban Biên tập Báo Người Lao Động chia sẻ với mẹ nhà báo Hoàng Hùng trong ngày giỗ của anh. Ảnh: TRẦN THẮNG
“Hôm qua, già ra mộ Hoàng Hùng quét dọn, thắp nhang. Nhìn hình con
mà bỗng dưng già bật khóc. Dẫu bây giờ có nói gì thì tòa án cũng đã xử
xong nhưng quả thật, già không cam lòng...” - bà nghẹn ngào nói khiến
lòng chúng tôi càng chua xót. Với trách nhiệm của mình, chúng tôi đã nhờ
luật sư Nguyễn Văn Đức (Công ty Luật TNHH MTV Biển Đông) hướng dẫn bà
viết lá đơn xin giám đốc thẩm vụ án của Hoàng Hùng. Việc còn lại đành
phải trông chờ và hy vọng vào sự sáng suốt của cơ quan có thẩm quyền,
dẫu biết rằng điều đó không dễ.
Mẹ và anh nuôi của nhà báo Hoàng Hùng chưa nguôi nỗi đau mất người thân. Ảnh: QUỐC THẮNG
Trong ngày giỗ lần 2 của Hoàng Hùng, 2 con của anh là cháu Lê Hồng
Châu được nhà trường cho phép đi cùng chúng tôi. Châu lặng lẽ, ít nói
về mẹ nhưng lại khá cởi mở khi nhắc đến việc học hành. Cháu cho biết rất
thích học môn Anh văn và mong muốn được học nâng cao. Theo nhà trường,
cháu Châu hiện học lớp chọn (lớp 9), giỏi đều các môn, ngoan, tham gia
tích cực các phong trào của trường.
Riêng cháu Lê Hồng Nhung sau một khóa học làm tóc đã được nhận vào
làm việc ở một nơi uy tín. Nghe kể về cuộc sống ổn định của các cháu, bà
rưng rưng: “Già đã già yếu lại quá nghèo, không nuôi được cháu nội,
phải cậy nhờ đồng nghiệp của ba nó...”, rồi quay qua cháu Châu, bà dặn
dò: “Nội nghèo, không có gì cho con, chỉ biết khuyên con ráng học. Vài
năm nữa nội mất, mấy cô chú đốt cây nhang cho nội thông báo con đã vào
đại học là nội mãn nguyện rồi”. Những lời khuyên chất chứa yêu thương
của người bà nghèo khiến mắt chúng tôi cay cay.
Vậy là 2 năm sau ngày Hoàng Hùng ra đi mãi mãi, mẹ và các con anh
cũng đã vượt qua được nỗi đau, dần ổn định cuộc sống. Trong dịp này,
chúng tôi cũng đã vào thăm vợ anh, nghe chị tâm sự về những hối hận, nỗi
xấu hổ đã dằn vặt chị trong thời gian qua để tin rằng đến một lúc nào
đó, chị được giảm án hoặc chị sẽ làm một việc gì đó đúng lương tâm để
con cái không còn mang nặng mặc cảm về một người mẹ tội lỗi. Bởi dẫu thế
nào, chị vẫn là một người mẹ...
Em của tôi!
Từ chủ nhà máy xay xát lúa ở địa phương, sau này
tôi thành lập doanh nghiệp mua bán lúa gạo ở một xã của huyện Châu
Thành, tỉnh Long An. Việc đầu tiên của nghề kinh doanh là phải “biết
chuyện” với những người có trách nhiệm bởi việc nào cũng có liên quan và
phải nhờ đến họ. Thế nhưng, đã không ít lần gia đình tôi ngao ngán với
cách làm kiểu hoạnh họe, gây khó dễ của một vài cán bộ biến chất.
Ông Tư Hồng (bìa phải) - anh nuôi nhà báo Hoàng Hùng - đến thắp hương tại mộ.
Ảnh: TRẦN THẮNG
Tình cờ tôi quen với Hoàng Hùng, lúc này là phóng
viên Báo Long An. Với lòng nhiệt tình và muốn lên tiếng bênh vực người
dân, Hoàng Hùng đã thâm nhập 1 tháng để viết loạt bài điều tra về nạn
tiêu cực ở một xã của huyện Châu Thành. Bài báo đã tạo sức hút rất lớn
đối với nhân dân địa phương. Bởi từ loạt bài điều tra, cơ quan chức năng
phải vào cuộc. Sau đó, phiên tòa xét xử lưu động được tổ chức; chủ
tịch, phó chủ tịch UBND xã bị tuyên án nhiều năm tù.
Khi tôi muốn gửi chút tiền gọi là bồi dưỡng, Hoàng
Hùng cười và nói: “Nhiệm vụ của phóng viên là vậy anh à! Mình phải nói
thật khách quan, nói đúng sự thật, dù có trái ý quan chức nhưng dân tin,
anh tin, giúp cho tôi hoàn thành công việc của một nhà báo là tốt
rồi!”. Cách trả lời chân thật cùng nụ cười hiền lành dễ mến, tôi nắm
chặt tay Hoàng Hùng, rồi nói: “Mình kết nghĩa anh em nghen!”. Thời điểm
đó là năm 1987, nay đã hơn 20 năm trôi qua, tính đến ngày em nuôi tôi
bị sát hại.
Không riêng cá nhân tôi, có thể hàng trăm người đã
từng một lần đến nhờ Hoàng Hùng - sau khi đã về công tác tại Báo Người
Lao Động - lên tiếng đấu tranh, bảo vệ công lý cho họ. Từ việc tranh
chấp đất đai, bị mất đất, những bản án đáng ngờ đến những chuyện gia
đình nghèo cần giúp đỡ, anh công nhân với đồng lương “ba cọc ba đồng”...
đều nhờ Hoàng Hùng lên tiếng tư vấn, hỗ trợ qua các bài viết trung
thực.
Em đã giúp cho bao người trở lại cuộc sống bình
thường, có doanh nghiệp tháo gỡ được bao thủ tục phiền hà nhưng cuối
cùng em không cứu được chính cuộc đời em. Ngày xả tang của em mà tôi
không cầm được nước mắt. Hoàng Hùng em ơi!
Tư Hồng
|
TỐ TRÂM
Theo NLĐ
0 nhận xét