Sở GTVT TPHCM phải bồi thường cho nguyên đơn 50 triệu đồng l Nguyên đơn cho biết sẽ kháng cáo
Ngày 26-12, TAND TPHCM đã đưa vụ kiện “Đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” ra xét xử sơ thẩm giữa nguyên đơn dân sự là bà Nguyễn Thị Thu Bình (ngụ phường 26, quận Bình Thạnh) cùng ông Nguyễn Trí Dũng (ngụ phường 15, quận 10) và bị đơn là Sở GTVT TPHCM. Bà Bình và ông Dũng đã ủy quyền cho cha ruột là ông Nguyễn Văn Lang (SN 1932, ngụ quận 1) làm đại diện nguyên đơn.
Ông Nguyễn Văn Lang trình bày yêu cầu khởi kiện tại phiên tòa sơ thẩm ngày 26-12
Bị “lô cốt” án ngữ suốt 42 tháng
Theo đơn khởi kiện, ông Lang yêu cầu Sở GTVT TPHCM bồi thường 460 triệu đồng bao gồm chi phí sửa nhà, tiền mất thu nhập trong 42 tháng (mỗi tháng 6 triệu đồng) và tiền lãi do chậm thanh toán cho gia đình ông.
Tại tòa, ông Lang trình bày: Ngôi nhà 12/7 Nguyễn Huy Tự (quận 1) của ông sau khi được giải tỏa đã trở thành mặt tiền đường Hoàng Sa (quận 1). Tuy nhiên, được Sở GTVT cấp phép, trong quá trình thi công cống tuyến bao giếng S27 kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, hai nhà thầu Trung Quốc là TMEC và CHEC.3 đã cho dựng “lô cốt” trước nhà ông suốt 42 tháng. Trong khoảng thời gian này, gia đình ông không thể buôn bán, làm ăn. Ngoài ra, công trình còn gây sụt lún, nứt nhà khiến ông phải tốn tiền sửa chữa nhà.
“Ban đầu, hai nhà thầu Trung Quốc không đồng ý bồi thường thiệt hại, nhưng sau khi chính quyền địa phương và các ban, ngành tiến hành hòa giải, họ đồng ý bồi thường 8 triệu đồng. Theo kết quả kiểm định hư hại của Công ty Kiểm định Sài Gòn, giá trị sửa chữa thiệt hại ngôi nhà của tôi hơn 31 triệu đồng. Họ cò kè bớt một thêm hai, chỉ chấp nhận bồi thường một nửa thiệt hại từ kết quả kiểm định. Tôi không đồng ý nên đâm đơn kiện chủ đầu tư luôn” - ông Lang nói.
Chỉ chấp nhận một phần đơn kiện
Đại diện phía bị đơn dân sự - Sở GTVT TPHCM trình bày chỉ chấp nhận bồi thường số tiền hơn 31 triệu đồng như kết quả kiểm định hư hại. Ngoài ra, việc dựng “lô cốt” là để phục vụ công trình công cộng và dựng dưới lề đường, không ảnh hưởng đến gia đình ông Lang. Việc thi công chậm trễ là do công trình mang tính phức tạp và điều này cũng không ai mong muốn. Mặt khác, gia đình ông Lang kinh doanh có phần lấn chiếm lề đường nên không thể đổ tại “lô cốt” làm ảnh hưởng vấn đề kinh doanh.
Tranh luận với đại diện bị đơn, ông Lang phủ nhận việc lấn chiếm lề đường để kinh doanh và cho biết: “Công trình này đi ngang qua nhà của 36 hộ dân khác nhưng không ai kiện vì họ không muốn đụng chạm đến cơ quan công quyền. Riêng tôi, tôi khởi kiện nhằm mục đích chấn chỉnh tình trạng cửa quyền của một số cơ quan Nhà nước. Nhiều cán bộ cứ nghĩ thi công công trình công cộng rồi muốn làm gì thì làm, ảnh hưởng người dân ra sao mặc kệ”.
HĐXX nhận định việc công trình thi công gây lún, nứt căn nhà của ông Lang là có thật, số tiền thiệt hại theo gia đình ông Lang đề nghị là 120 triệu đồng nhưng tòa căn cứ vào kết quả kiểm định của cơ quan chức năng để buộc Sở GTVT bồi thường cho ông Lang hơn 31 triệu đồng. Ngoài ra, tòa ghi nhận sự tự nguyện của Sở GTVT tại phiên tòa, bồi thường thêm cho ông Lang hơn 18 triệu đồng, tổng cộng Sở GTVT bồi thường cho ông Lang 50 triệu đồng. Riêng việc ông Lang cho rằng công trình gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh của gia đình là không có căn cứ nên tòa không chấp nhận yêu cầu này.
Sau khi TAND TPHCM tuyên án, ông Nguyễn Văn Lang cho biết sẽ tiếp tục kháng cáo để yêu cầu Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM xem xét những tổn thất khác mà gia đình ông phải gánh chịu |
Bài và ảnh: PHẠM DŨNG
Theo NLĐ
0 nhận xét