Bị cáo buộc trốn thuế gần 1 tỉ euro, hai nhà thiết kế thời trang Dolce và Gabbana sẽ phải hầu tòa từ ngày 30-1-2013 trong một “vụ trốn thuế của thế kỷ”
Theo nhà báo Mỹ Robin Givhan, chuyên gia về văn hóa và thời trang viết trên báo mạng Daily Beast, việc các công ty thời trang Ý trốn thuế là “chuyện thường tình”, chẳng có gì lạ. Nếu có lạ chăng là những người trốn thuế trong giới thiết kế thời trang hiếm khi vào tù nhờ một chiêu thức phổ biến: “thỏa thuận bên lề” với các nhà điều tra và thẩm phán tòa án, trả một món tiền thấp hơn gấp nhiều lần so với số tiền trốn thuế.
Lập công ty bình phong
Bà Givhan đơn cử vào giữa thập niên 1990, những tên tuổi hàng đầu của giới thiết kế thời trang Ý như Giorgio Armani, Santo Versace, Gianfranco Ferre, Gerolamo Etro và Mariuccia Mandelli đã không phải hầu tòa nhờ chiêu này. Riêng trường hợp ông Aldo Gucci đi tù gần như là ngoại lệ vì ông cũng giở chiêu thức đó với các thẩm phán Mỹ nhưng không đạt được mục đích.
Nhưng đó là nước Ý của những năm trước. Ngày nay, Ý đang lâm vào cảnh mắc nợ (công) nghiêm trọng và thủ tướng Mario Monti - người vừa phải tuyên bố từ chức hôm 8-12 sau 13 tháng cầm quyền vì không thể ngăn chặn nợ công tiếp tục gia tăng - muốn những kẻ trốn thuế phải làm tròn nghĩa vụ với đất nước. Và ông đã làm rất gắt chuyện này.
Cặp bài trùng Dolce (trái) và Gabbana. Ảnh: REUTERS
Vụ án trốn thuế gần 1 tỉ euro ( 1 euro = 27.551 đồng) của hai ông Domenico Dolce (54 tuổi) và Stefano Gabbana (50 tuổi), chủ Công ty Dolce & Gabbana, đã bị cảnh sát tài chính thuộc Bộ Kinh tế và Tài chính Ý điều tra từ năm 2008. Họ nghi ngờ hai ông này lẩn tránh nghĩa vụ thuế bằng cách bán thương hiệu Dolce &Gabbana và D&G cho Công ty TNHH Gado ở Đại công quốc Luxembourg năm 2004 và 2006.
Theo kết quả điều tra, Gado là tên viết tắt của Gabbana và Dolce. Công ty này do Dolce và Gabbana thành lập ở Luxembourg, nơi được xem là “thiên đàng thuế”. Lúc còn sở hữu hai thương hiệu Dolce & Gabbana và D&G, Công ty Dolce và Gabbana hưởng tiền bản quyền của tất cả sản phẩm mang hai thương hiệu vừa kể trên toàn cầu. Tại Ý, nguồn thu này bị đánh thuế 45%, theo luật thuế doanh nghiệp. Ở Luxembourg chỉ có 4%. Công ty Gado có nghĩa vụ hằng năm trả cho hai nhà thiết kế 54 triệu euro. Theo các nhà điều tra Ý, Gado chính là công ty bình phong mà hai nhà thiết kế Ý dùng để trốn thuế.
Nếu có tội, sẽ phạt tù và gần 1 tỉ euro
Năm 2010, cảnh sát tài chính Ý chính thức khởi tố vụ án. Theo cáo trạng, Công ty Dolce & Gabbana trốn thuế 200 triệu euro và hai ông Dolce và Gabbana mỗi người bị cáo buộc trốn thuế 416 triệu euro. Hai ông này lập tức kêu oan.
Năm 2009, hai ông từng tuyên bố đã trả đầy đủ thuế và sẽ không trả thêm lira (nội tệ Ý) nào cho cảnh sát tài chính mà ông gọi là “Ladri” (“quân ăn cướp” theo tiếng Ý) bởi vì “họ tính toán hoàn toàn phi thực tế trên những số tiền mà chúng tôi chưa bao giờ nhận được”.
Nhãn hiệu D&G nổi tiếng một phần nhờ hình ảnh của Madonna. Ảnh: D.G
Ngày 19-11-2010, Viện Công tố ở Milan khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với hai ông Dolce và Gabbana về tội trốn thuế rất lớn, có thể là “lớn nhất thế kỷ”. Nếu xét thấy có tội, hai nhà thiết kế thần tượng của những nghệ sĩ nổi tiếng như Victoria Beckham và Madonna, có thể lãnh 3 năm tù ở và bị phạt gần 1 tỉ euro.
Bình thường tin tức những vụ xì-căng-đan lớn như vậy được đăng trên trang nhất các báo. Thế nhưng Corriere della Sera, nhật báo hàng đầu của Ý, chỉ đăng một mẩu tin vỏn vẹn có 126 từ. Tờ La Stampa cũng đăng tin 87 từ. La Repubblica, tờ báo lớn thứ ba, dứt khoát không đăng gì cả. Chỉ có hai tờ báo nhỏ cánh tả và một vài người viết blog đề cập vụ án nói trên. Một blogger hỏi: “Phải chăng vì G&B đã bỏ tiền quảng cáo hoành tráng trên các tờ báo đó?”.
Từng được trắng án
Tháng 4-2011, tòa án sơ thẩm Milan tuyên bố hai ông Dolce và Gabbana trắng án với lý do không đủ căn cứ để buộc tội. Bảy tháng sau, khi ông Monti bắt đầu lãnh đạo chính phủ mới, Tòa án Tối cao Ý bác bỏ phán quyết của tòa sơ thẩm với lý do “trốn thuế thu nhập là tội hình sự” và chỉ định bà Antonella Brambilla, một thẩm phán mới xử vụ này.
Phiên tòa đầu tiên khởi sự ngày 3-12-2012 tại Bắc Milan. Hai bị cáo Dolce và Gabbana vắng mặt. Massimo Dinola, luật sư của bị cáo, đã yêu cầu hủy bỏ vụ án vì quá trình tố tụng có nhiều thiếu sót. Phiên tòa bị hoãn đến thứ sáu tuần rồi (14-12). Hôm đó, bà Brambilla tuyên bố sẽ chính thức xét xử vụ án vào ngày 30-1-2013. Tháng 2 sẽ có thêm 2 phiên thẩm vấn vào ngày 6 và 20-2. Và lần này, hai bị cáo bắt buộc phải có mặt tại tòa.
Tuy nhiên, trong bối cảnh ông Monti không còn tại chức và có thể cựu thủ tướng Silvio Berlusconi - người từng tuyên bố rằng “trốn thuế không có tội nếu bị đánh thuế quá cao” - sẽ quay trở lại, không biết vụ án này sẽ đi đến đâu.
THẢO HƯƠNG
Theo NLĐ
0 nhận xét