Sự bùng nổ kinh tế của Trung Quốc làm cho các rặng san hô trên biển Đông suy giảm dữ dội, theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Conservation Biology (Bảo tồn Sinh học) của Úc số ra ngày 27-12.
Nghiên cứu trên do Trung tâm Nghiên cứu san hô Úc và Viện Hải dương học Úc thực hiện dựa trên khảo sát các rặng san hô bao quanh Trung Quốc và trên biển Đông.
“San hô trải rộng trên diện tích 30.000 km² trong khu vực này đang bị suy giảm đáng báo động. Các rặng san hô ven bờ biển Trung Quốc và đảo Hải Nam đã giảm ít nhất 80% trong 30 năm qua. Còn tại các đảo san hô vòng và quần đảo trên biển Đông, diện tích san hô giảm từ 60% xuống còn khoảng 20% chỉ trong vòng 10 – 15 năm qua” – nghiên cứu viết.
Sự bùng nổ kinh tế của Trung Quốc đã gây thiệt hại nặng nề cho san hô trên biển Đông. Ảnh: Reuters
Nguyên nhân gây nên tình trạng đáng buồn này, theo nghiên cứu, là quá trình phát triển ở khu vực duyên hải, ô nhiễm môi trường và nạn đánh bắt cá bừa bãi – tất cả đều bắt nguồn từ sự bùng nổ kinh tế quá nóng của Trung Quốc.
Ngoài ra, các tranh chấp trên biển Đông cũng gây trở ngại cho việc quản lý và bảo tồn san hô. Dù đã có một số công viên đại dương được xây dựng nhằm bảo tồn sinh vật biển trong khu vực song chúng quá nhỏ và nằm cách xa nhau nên không cứu nổi các rặng san hô.
Các nhà khoa học cảnh báo khả năng phục hồi san hô tại biển Đông ngày càng "mong manh" do các hoạt động tàn phá môi trường của con người không dừng lại.
Được coi là lá chắn cho hệ sinh thái ven biển, san hô biến mất đồng nghĩa với sự cạn kiệt các nguồn lợi thủy sản. San hô cũng là nguồn tài nguyên quý báu nuôi sống ngư dân và là lá chắn bảo vệ họ trước các cơn bão.
Hải Ngọc (Theo Herald Sun, ANI)
Theo NLĐ
0 nhận xét