Cả thế giới đều bất ngờ, không chỉ vì thông tin Triều Tiên gỡ tên lửa khỏi bệ phóng mà còn vì trước đó Bình Nhưỡng thông báo kéo dài thời gian phóng đến ngày 29-12.
Tờ Los Angles Times dẫn lời ông Daniel Pinkston, một chuyên gia của Nhóm nghiên cứu khủng hoảng quốc tế (ICG) tại Seoul, nói: “Mọi người đều tưởng vụ phóng sẽ bị hoãn lại”.
Thậm chí truyền thông Nhật Bản còn nghi ngờ Triều Tiên "giương đông kích tây", tháo lên lửa nơi này nhưng phóng từ một vị trí khác. Tờ Asahi dẫn lời ông Haruki Nagata, Giáo sư khoa Không gian và Kỹ thuật môi trường thuộc Đại học Hokkaido, nhận xét: “Nếu tin Triều Tiên tháo dỡ tên lửa ngày 11-12 là đúng thì việc nước này phóng tên lửa vào sáng nay là một hành động không tưởng”.
Trong khi đó, Giáo sư danh dự Đại học Công nghiệp Muroran, ông Nobuhiro Tanatsugu, phỏng đoán có thể trục trặc kỹ thuật của tên lửa Triều Tiên được thông báo trước đó chỉ là vấn đề nhỏ.
Một binh sĩ Hàn Quốc theo dõi tin tức vụ phóng tên lửa của Triều Tiên sáng 12-12. Ảnh: Reuters
Hiện tại, Nhật Bản và Mỹ đã yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc họp khẩn cấp và hội đồng này sẽ họp vào sáng 12-12. Theo truyền thông Nhật, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã thống nhất sẽ yêu cầu Hội đồng Bảo an tăng mức trừng phạt đối với Triều Tiên lên mức ngang bằng với Iran, bao gồm tăng danh sách của các thể chế tài chính, các tổ chức, cá nhân bị phong tỏa tài sản.
Tuy nhiên, Reuters dẫn lời giới ngoại giao cho rằng mức trừng phạt này khó nhận được sự đồng thuận do vướng phải Trung Quốc, đồng minh số một của Triều Tiên đồng thời giữ quyền phủ quyết. Trước đó, tuy bày tỏ “lo ngại sâu sắc” trước vụ phóng của Triều Tiên nhưng Tân Hoa Xã ngày 12-12 vẫn đăng bài bình luận khẳng định Bình Nhưỡng “có quyền tiến hành thám hiểm không gian một cách hòa bình”.
Đến lúc này, cả Bắc Kinh và Washington đều chưa có phản ứng chính thức về vụ phóng. Hãng tinYonhap dẫn lời một quan chức chính phủ Mỹ cho biết ngắn gọn: “Chúng tôi đã ghi nhận vụ phóng tên lửa Triều Tiên và vẫn đang giám sát tình hình”.
Một quan chức Bộ Quốc phòng nói cơ quan này sắp ra thông cáo về đường đi của tên lửa Triều Tiên. Còn các quan chức tại Bộ chỉ huy Phòng thủ không gian Bắc Mỹ (NORAD) và Bộ chỉ huy miền Nam của Mỹ (USNORTHCOM) đều không đưa ra bình luận.
Phản ứng của Mỹ lần này thận trọng hơn rất nhiều so với những tuyên bố lên án được đưa ra nhanh chóng sau vụ Triều Tiên phóng tên lửa thất bại hồi tháng 4.
Quan điểm cụ thể nhất từ phía giới chức Mỹ là của bà Ileana Ros-Lehtinen, chủ tịch Hội đồng Đối ngoại của Hạ viện Mỹ. Bà chỉ trích Triều Tiên đang thách thức thế giới với việc bất chấp lệnh cấm của Liên Hiệp Quốc để phóng tên lửa. "Rõ ràng Bình Nhưỡng đang tiến gần hơn đến mục tiêu sản xuất tên lửa đạn đạo, đe dọa an ninh của khu vực và của Mỹ" - bà Ros-Lehtinen nói.
Hải Ngọc (Theo Yonhap, Reuters, Los Angles Times)
Theo NLĐ
0 nhận xét