Theo quy định vừa được Chính phủ ban hành, người đến viếng đám tang cán bộ, công chức sẽ không được mang vòng hoa; linh cữu không được để 48 giờ...
Nghị định về tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức vừa được ban hành quy định các đoàn đến viếng không mang vòng hoa, chỉ mang băng vải đen ghi dòng chữ trắng “Kính viếng”, dưới có dòng chữ nhỏ ghi tên cơ quan, tổ chức, cá nhân để gắn vào vòng hoa do ban tổ chức lễ tang chuẩn bị.
Vòng hoa không là thước đo lòng tôn kính
Cũng theo nghị định này, trường hợp tổ chức lễ viếng tại gia đình thì linh cữu được để không quá 48 giờ kể từ khi khâm liệm. Một nội dung quan trọng nữa cũng được quy định là không rắc vàng mã và các loại tiền do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành hay ngoại tệ trong quá trình đưa tang từ nhà tang lễ hoặc gia đình đến nơi an táng...
Minh họa: NGUYỄN TÀI
Quy định mới vừa ban hành đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều người. Thực tế, trước khi nghị định này được ban hành, TPHCM, Hà Nội, Bình Dương… cũng đã ban hành quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Tuy nhiên, dường như quy định này không được áp dụng triệt để, một số trường hợp tổ chức rình rang, nhiều vòng hoa.
Chị Phương Hà, trú tại quận Hoàn Kiếm - Hà Nội, cho rằng quan niệm “nghĩa tử là nghĩa tận” đã ăn sâu trong suy nghĩ của rất nhiều người Việt Nam. Vì thế, việc không mang vòng hoa đến viếng là điều “thật khó”. Tuy nhiên, ông Vương Duy Bảo, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), lại cho rằng không nên đặt vấn đề ít vòng hoa là ít tỏ lòng tôn kính với người đã khuất. Sự tôn kính thể hiện ở thái độ họ đến tiễn đưa người quá cố. “Ăn mặc lịch sự, nghiêm túc, kính cẩn nghiêng mình thắp một nén hương cho người quá cố là thành kính. Vòng hoa không phải là thước đo của sự tôn kính, đừng nên bị ảnh hưởng bởi cơ chế thị trường” - ông Bảo nhấn mạnh.
Cán bộ phải làm gương
Ông Lê Quang Vinh, Trưởng Phòng Văn hóa Gia đình - Sở VH-TT-DL TPHCM, cho biết gần 15 năm kêu gọi người dân thực hiện quy ước của TP về vấn đề thực hiện nếp sống văn hóa đô thị, thói quen tổ chức đám tang lãng phí vẫn chưa thể triệt tiêu. “Tôi tin rằng khi nghị định đi vào đời sống, có thông tư hướng dẫn cụ thể thì thói quen này sẽ dần dần loại bỏ. Vấn đề là cán bộ, công chức phải làm gương. Nếu không, người dân sẽ thắc mắc vì sao họ chấp hành thực hiện việc tang nghiêm túc còn công chức thì tổ chức tang lễ rình rang. Các cơ quan công luận, các cơ quan địa phương, khu phố có thể theo dõi, quán xuyến để nhắc nhở, tố giác nếu cán bộ, công chức cố tình vi phạm nghị định này” - ông Lê Quang Vinh nói.
Lý giải về việc tuy có quy định nhưng thực tế nhiều gia đình vẫn không thực hiện dù là công chức, một quan chức của Bộ VH-TT-DL cho biết đó là do không có chế tài xử phạt. “Thực hiện nếp sống mới cũng là một cuộc cách mạng trong văn hóa. Quy định của Bộ Y tế là người mất trong vòng 48 giờ phải chôn nhưng nhiều gia đình cán bộ, công chức để người thân trong nhà lạnh tới cả tuần liền chưa phát tang thì khó giải thích với dân lắm. Không có chế tài xử phạt, e rằng quy định này cũng chỉ là một cuộc vận động mà thôi” - quan chức này nói.
Dùng tiền phúng điếu giúp người nghèo
Theo ông Lê Quang Vinh, tại TPHCM có những đơn vị góp công sức trong việc giúp đỡ người nghèo thực hiện nghiêm túc những quy định về tang lễ. Công ty Vạn Thịnh Phát đang triển khai việc xây dựng một quần thể điện táng hiện đại, sẵn sàng giúp đỡ người nghèo điện táng miễn phí. Bên cạnh đó, phong trào từ thiện “một người nhắm mắt cho ngàn người sáng mắt” do Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo và Trẻ em mồ côi TPHCM phát động đã quyên góp tiền phúng điếu để giúp đỡ những gia đình khó khăn. Ông Vinh cho rằng khi người dân đồng lòng thực hiện nghị định này thì không lý do gì cán bộ, công chức lại đứng ngoài cuộc.
|
DUNG NHI - THANH HIỆP
Theo NLĐ
0 nhận xét