Bằng kỹ thuật mới, các nhà thiên văn học đã bất ngờ phát hiện một hệ mặt trời mới gần với hành tinh chúng ta nhất.
Hệ mặt trời mới được phát hiện gồm 5 hành tinh, trong đó có một hành tinh quay quanh ngôi sao Tau Ceti, nằm cách chúng ta 12 năm ánh sáng, trong vùng có khả năng tồn tại sự sống.
Các nhà khoa học đã sử dụng kỹ thuật vận tốc xuyên tâm (radial velocity) – phương pháp mới đo dao động của một ngôi sao gây ra từ lực kéo trọng trường của một hành tinh xoay quanh nó. Phương pháp này cũng giúp các nhà khoa học dễ tìm ra hơn những hành tinh nhỏ đang quay quanh quỹ đạo của các ngôi sao khác.
Ảnh minh họa từ space.com
Phát hiện nói trên mới được công bố trên tạp chí Astronomy and Astrophysics. Một trong những tác giả của công trình này, nhà thiên văn Jointi Horner thuộc Đại học New South Wales (Úc), cho biết đây là hệ mặt trời được tìm thấy một cách bất ngờ.
Tau Ceti được chọn để khảo sát theo phương pháp mới vì nó là ngôi sao ổn định và từ 14 năm qua vẫn không thấy dấu hiệu có một hệ hành tinh kèm theo. Ông Horner nói: “Vì nó ở gần, sáng và giống mặt trời nên nó trở thành mục tiêu đặc biệt”.
Ông Horner nói rằng nhà khoa học Mikko Tuomi thuộc Đại học Hertfordshire (Anh) đang tìm kiếm cách thức mới sắp xếp dữ liệu nhằm loại bỏ những tiếng động do các tín hiệu giả tạo ra trong thiết bị đang được sử dụng. Tiếng động này có thể tạo ra từ dao động của ngôi sao hoặc từ sự bất ổn của thiết bị.
Nhưng sau khi mọi tiếng động đều được tính đến theo kỹ thuật sắp xếp mới, các nhà thiên văn khám phá có tín hiệu cho thấy sự hiện diện của một hệ hành tinh.
Giáo sư Chris Tinny thuộc Đại học New South Wales nói rằng sử dụng phương pháp tốc độ xuyên tâm làm tăng gấp đôi độ nhạy cảm để khám phá các hành tinh. Nhóm nghiên cứu tin rằng sự gần gũi và độ sáng của TauCeti sẽ cho phép họ tiếp tục nghiên cứu về khí quyển của các hành tinh nói trên.
L. Nguyễn (Theo ABC News)
Theo NLĐ
0 nhận xét