Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho rằng Washington và Moscow cần xoa dịu căng thẳng thay vì gây thêm rắc rối
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov hôm 24-12 nhận định quan hệ Nga - Mỹ đang bị đe dọa sau khi hai nước bắt đầu “một cuộc chiến tranh tâm lý” bắt nguồn từ cái gọi là đạo luật Magnitsky.
Trẻ mồ côi Nga đang trở thành “con tin” của chính trị, theo Ủy ban Sáng kiến công dân. Ảnh: REUTERS
Ăn miếng trả miếng
Đạo luật Magnitsky được Mỹ ban hành gần đây, áp đặt lệnh cấm nhập cảnh và phong tỏa tài sản đối với những quan chức Nga nào bị xem là chịu trách nhiệm về cái chết của luật sư chống tham nhũng Sergei Magnitsky tại nhà tù ở Moscow năm 2009. Nhà chức trách Nga ngay lập tức chỉ trích Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ của nước này, đồng thời có những biện pháp trả đũa.
Hôm 21-12 vừa qua, Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga đã thông qua Dự luật Dima Yakovlev, cấm công dân Mỹ nhận con nuôi Nga, đồng thời trừng phạt những quan chức Mỹ nào bị cáo buộc xâm phạm quyền của công dân Nga.
Kể từ đó, đã có hàng chục ngàn người Mỹ ký tên vào một kiến nghị trực tuyến, trong đó thúc giục Nhà Trắng trừng phạt những nghị sĩ Nga nào ủng hộ dự luật nói trên. Đáp lại, ông Dmitry Vyatkin, thành viên Duma Quốc gia, cảnh báo: “Nếu Mỹ ngăn cản nghị sĩ Nga đến nước này, biện pháp trả đũa sẽ là cấm nghị sĩ Mỹ vào Nga”.
Những động thái “ăn miếng trả miếng” nói trên đang đe dọa làm xấu thêm quan hệ song phương Nga - Mỹ vốn vẫn đang tồn tại không ít bất đồng. Vì thế, ông Ryabkov bày tỏ hy vọng Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ không xem xét bản kiến nghị nói trên, đồng thời cho rằng Washington và Moscow cần xoa dịu căng thẳng thay vì gây thêm rắc rối. Ông cho biết: “Tôi muốn tin rằng chúng ta sẽ không bước vào một cuộc đối đầu mới hoàn toàn vô nghĩa và tai hại vì một vấn đề không đáng có”.
Nỗi lo trẻ em trở thành “con tin”
Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga dự kiến sẽ xem xét Dự luật Dima Yakovlev hay còn được gọi là dự luật “chống Magnitsky” vào ngày 26-12. Nếu được thông qua, dự luật sẽ được chuyển lên cho Tổng thống Vladimir Putin. Một khi được ông Putin ký ban hành, luật sẽ có hiệu lực từ đầu tháng 1-2013.
Theo hãng tin RIA Novosti, ông Putin mới đây đã lên tiếng ủng hộ đề xuất cấm người Mỹ nhận con nuôi Nga, đồng thời phàn nàn rằng Washington không cho phép các quan chức nước này giám sát tình trạng những trẻ em Nga được nhận nuôi ở Mỹ. Theo thống kê, 19 con nuôi Nga đã tử vong trong các gia đình Mỹ trong thập niên vừa qua. Trong năm vừa rồi, người Mỹ đã nhận nuôi 956 trẻ em Nga.
Tuy nhiên, không phải người Nga nào cũng ủng hộ dự luật nói trên. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 24-12 đã bày tỏ quan ngại về biện pháp cấm người Mỹ nhận con nuôi nước này. Phát biểu với kênh Today TV của Nga, ông nói rằng nếu được thông qua, dự luật này có thể gây ra những hậu quả tiêu cực đối với những trẻ em Nga đã được nhận làm con nuôi ở Mỹ. Ông khẳng định Moscow cần duy trì thỏa thuận về nhận con nuôi giữa Nga và Mỹ vốn có hiệu lực trong tháng 11 vừa qua.
Tương tự, Ủy ban Sáng kiến công dân (CIC), một tổ chức phi đảng phái do cựu bộ trưởng tài chính Nga Alexei Kudrin đứng đầu, nhận định rằng biện pháp cấm người Mỹ nhận con nuôi Nga chỉ mang động cơ chính trị thuần túy và nhằm gây sao nhãng sự chú ý của dư luận đối với những vấn đề khác trong nước. Theo CIC, người Mỹ sẽ không “mất gì” nếu dự luật trên được ban hành vì họ sẽ chuyển sang tìm kiếm con nuôi của những nước khác.
Tổ chức này nói: “Dự luật không chỉ vi phạm quyền của những người Mỹ muốn xin con nuôi mà còn vi phạm quyền của trẻ mồ côi và những trẻ em bị bệnh mà nước Nga không thể cung cấp đủ sự hỗ trợ, chăm sóc cần thiết hiện nay”. CIC cho rằng trẻ em Nga đã trở thành “con tin” trong các trò chơi chính trị.
Mỹ nên học tập luật súng của Úc?
Hai tuần sau vụ xả súng làm choáng váng nước Úc năm 1996, để lại 35 người chết tại điểm du lịch cảng Arthur của bang Tasmania, chính phủ nước này đã đưa ra những cải cách sâu rộng về luật súng. Và không có vụ xả súng điên loạn nào kể từ đó.
Hiện nay, sau vụ xả súng mới đây tại một trường tiểu học ở bang Connecticut làm 26 người chết, Hiệp định về súng cầm tay Quốc gia của Úc (NFA), vốn đã ghi nhận hàng trăm ngàn vũ khí tự động và bán tự động được mua lại rồi phá hủy, đang được xem xét như một lối ra khả thi đối với Mỹ.
Người Úc theo dõi sát thảm kịch Connecticut và nhiều người nói giải pháp cho Mỹ nằm ở chỗ Mỹ nên đi theo con đường của Úc hoặc ít nhất là sửa đổi các luật hiện hành. Nhưng số người ủng hộ dùng súng ở Úc, tuy ít song có thế lực, lại đang thúc giục chính quyền thận trọng.
Chỉ 12 ngày sau vụ thảm sát ở cảng Arthur, thủ tướng lúc đó là John Howard - một người bảo thủ đã được bầu với sự giúp đỡ của những người sở hữu súng - thúc đẩy đến cùng không chỉ các luật kiểm soát súng mới mà còn cả chương trình mua lại súng. Khoảng 650.000 khẩu súng trường tự động và bán tự động đã được chuyển giao và bị hủy theo chương trình này. Mặc dù những cái chết liên quan đến súng không chấm dứt tức thì ở Úc nhưng hành động giết người bằng súng đã giảm 59% trong khoảng thời gian từ năm 1995 đến 2006.
Ngoài ra, những vụ tự tử bằng súng đã giảm khoảng 65%, các vụ cướp có súng cũng giảm đáng kể. Nhiều người cho rằng có mối liên hệ nhân quả giữa chương trình mua lại súng và sự giảm thiểu các hành động giết cướp nói trên.
Có lẽ con số thống kê thuyết phục nhất đối với nhiều người là vào thập niên trước vụ tàn sát ở cảng Arthur, có 11 vụ xả súng trong nước. Từ khi có luật mới, không có vụ nào đáng tiếc xảy ra. Ngay sau vụ bắn giết ở Arthur, các cuộc thăm dò cho thấy có đến 85% người dân Úc ủng hộ các giải pháp của chính phủ.
Sau vụ thảm sát ở thành phố Newtown, bang Connecticut, một số chính khách Úc đề nghị Mỹ chấp nhận luật súng của Úc. “Tôi khẩn thiết đề nghị các ngài nhìn vào kinh nghiệm của chúng tôi. Khi số lượng súng ở Úc giảm xuống, bạo lực từ súng cũng giảm. Hoàn toàn không phải khi cho rằng sở hữu một khẩu súng làm cho các ngài an toàn hơn” - nghị sĩ Công Đảng Kelvin Thomson viết trong bức thư ngỏ gửi Quốc hội Mỹ, đồng thời công khai nó trên website chính thức của ông.
Liệu Mỹ, đất nước hiện có 270 triệu khẩu súng, có tìm đến luật súng của Úc? Câu hỏi không dễ trả lời cho dù Tổng thống Barack Obama đã lên tiếng ủng hộ dự luật kiểm soát vũ khí tấn công.
Cao Tuấn
|
HOÀNG PHƯƠNG
Theo NLĐ
0 nhận xét