Chính phủ sẽ ban hành 2 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, phá băng bất động sản
Ngày 26-12 tiếp tục diễn ra hội nghị trực tuyến triển khai nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 giữa Chính phủ với các địa phương trong cả nước.
Lúng túng xử lý nợ xấu
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng năm 2012, mặc dù gặp nhiều khó khăn hơn so với dự báo nhưng Việt Nam vẫn có tăng trưởng GDP 5,03%, lạm phát kiềm chế ở mức 6,81% là một thành tích đáng kể. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Cụ thể, lạm phát kiềm chế ở mức thấp nhưng chủ yếu nhờ vào giảm giá lương thực, thực phẩm; sức ép lạm phát cao quay trở lại còn rất lớn; kinh tế vĩ mô tiềm ẩn nhiều yếu tố chưa vững chắc; tái cơ cấu kinh tế gắn với 3 khâu đột phá là đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và hệ thống ngân hàng triển khai còn chậm.
Chính phủ chỉ đạo kiểm soát giá cả, lạm phát ngay từ tháng 1, quý I/2013. Trong ảnh: Mua sắm tại một siêu thị ở TPHCM
Ảnh: HỒNG THÚY
Ảnh: HỒNG THÚY
Riêng tái cơ cấu đầu tư công làm rất quyết liệt, có kết quả tích cực nhưng tái cơ cấu DNNN còn chậm. Đặc biệt, tái cơ cấu hệ thống tài chính ngân hàng gắn với xử lý tồn kho nợ xấu có phần lúng túng, phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, xây dựng thể chế. “Năm nào nhân dân cũng phê bình đầu tư dàn trải, lãng phí, nay phải làm quyết liệt để thực sự có chuyển biến vào năm 2015” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Về mặt xã hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhìn nhận nhiều vấn đề xã hội bức xúc chưa giải quyết được, vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu dân. “Các bộ, ngành, địa phương phải bắt tay giải quyết ngay tình trạng này, đồng thời quyết tâm kiềm chế tội phạm, đặc biệt là tại Hà Nội và TPHCM” - Thủ tướng chỉ đạo.
Đề cập nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu ưu tiên tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, giữ lạm phát khoảng 6%, đồng thời duy trì tăng trưởng ở mức cao hơn năm ngoái.
Theo Thủ tướng, thông thường, giá cả tăng cao chủ yếu tập trung vào những tháng đầu năm nên các bộ, ngành, địa phương phải kiểm soát giá cả, lạm phát ngay từ tháng 1, quý I/2013; không để tình trạng thiếu hàng, sốt giá, găm hàng, đẩy giá lên cao, phát huy tốt hơn nữa cơ chế về bình ổn giá.
“Các địa phương phải xác định đúng lợi thế của từng sản phẩm, từng ngành, từ đó có cơ chế chính sách ưu đãi từ đất đai, vay vốn để đẩy mạnh thành sản phẩm vượt trội mang tính chất quốc gia như cá tra của ĐBSCL; đẩy mạnh cải cách để tranh thủ thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có chọn lọc về chất lượng, coi đó là nguồn lực để chuyển dịch cơ cấu kinh tế” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Lập đề án phát hành trái phiếu
Đối với kiến nghị của các địa phương liên quan đến cơ chế chính sách chung, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Văn phòng Chính phủ tiếp thu để đưa vào nghị quyết. Trước nhiều kiến nghị của địa phương liên quan đến phát hành trái phiếu để tăng đầu tư, vay vốn ODA, tạm ứng ngân sách, bố trí vốn đầu tư xây dựng cơ bản…, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đề nghị các địa phương lập đề án gửi bộ xem xét, thẩm định. Riêng đề xuất cơ chế được để lại nguồn thu ngân sách từ địa phương để đầu tư bệnh viện, trường học phục vụ công nhân trong các KCN, KCX, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết vấn đề này phải xin ý kiến Quốc hội.
Trong thẩm quyền của mình, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát hứa sớm xây dựng cơ chế mua tạm trữ lúa gạo và phối hợp với Bộ Nội vụ thành lập Hiệp hội Xuất khẩu cá tra ngay từ đầu năm 2013. Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng đề nghị các địa phương chú ý tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát triển thế mạnh của mình, không làm theo kiểu “đưa cây xoài ra trồng ở miền Bắc, đưa cây vải trồng ở miền Nam”. Đặc biệt, tập trung quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo tiền đề nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp.
Hai nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, phá băng bất động sản sẽ được Chính phủ ban hành ngay sau hội nghị này. n
Bảo đảm đón Xuân no ấm
Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 đang đến gần, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải bảo đảm đủ cung cầu hàng hóa, không để tình trạng đầu cơ, tăng giá; tạo các điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, về quê ăn Tết; thực hiện quyết liệt các biện pháp giữ gìn trật tự và giảm thiểu tai nạn giao thông; phòng chống buôn bán, vận chuyển và đốt pháo nổ… “Phải bảo đảm cho nhân dân đón Xuân mới vui tươi, an toàn, đầm ấm, lành mạnh” - Thủ tướng nhấn mạnh.
|
CHỦ TỊCH UBND TP HẢI PHÒNG DƯƠNG ANH ĐIỀN:
Xin cơ chế thu hồi đất
Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh là vấn đề rất lớn của năm 2013 nên chúng tôi đề nghị Chính phủ bổ sung 9 chữ vào nghị quyết là “Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp” để nhấn mạnh tầm quan trọng của nhiệm vụ này, từ đó có trách nhiệm thực hiện.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp ở Hải Phòng gặp khó khăn trong thu hồi đất. Mặc dù vấn đề này đã được luật cho phép nhưng chưa rõ quy trình thu hồi nên đề nghị Chính phủ có hướng dẫn cụ thể về quy trình cưỡng chế, thu hồi đất. Đối với tái cơ cấu DNNN, cần phân loại các doanh nghiệp theo quy mô khác nhau để có cơ chế xử lý đặc thù, nếu bình quân dàn đều sẽ rất khó thực hiện.
PHÓ CHỦ TỊCH UBND TP HÀ NỘI NGUYỄN HUY TƯỞNG:
Kéo dài thời hạn dãn, giảm thuế
Hà Nội đề nghị được phát hành thêm 5.000 tỉ đồng trái phiếu từ nay đến năm 2015 để đáp ứng nhu cầu xây dựng thủ đô gắn với đột phá đầu tư hạ tầng, đồng thời Chính phủ sớm cụ thể hóa cơ chế chính sách liên quan đến Luật Thủ đô.
Về nhiệm vụ phát triển kinh tế, nghị quyết về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cần kéo dài thêm đến hết năm 2014 để tạo nguồn lực cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất. Nếu sức khỏe doanh nghiệp không được hồi phục, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế năm 2013.
|
PHƯƠNG ANH
Theo NLĐ
0 nhận xét