Má tôi nói: “Thuyền theo lái, gái theo chồng. Nó biểu về thì về đi con”. Tôi nhìn mâm cơm vừa dọn lên, có món cá chốt kho tiêu mà tôi rất thích, má phải dặn người ta để dành từ mấy hôm trước khi biết tôi về. “Để con ăn cơm cái đã”. Tôi ngồi xuống bộ ván, cầm chén xới cơm.
Trong suốt bữa cơm, điện thoại cứ réo liên tục khiến má tôi sốt ruột. “Có chuyện gì mà nó gọi hoài vậy? Con nghe đi không thôi nó bực mình”- má tôi giục. Tôi tắt luôn điện thoại: “Để con ăn cơm đã”.
Mấy lần trước Quân không cho tôi về thăm nhà là vì sợ tôi về trường cũ xin đi dạy lại rồi “trở chứng”. Còn lần này, anh biết tôi đang nung nấu trong lòng một quyết định…
Lúc chưa cưới, Quân hứa cưới xong sẽ xin cho tôi chuyển về Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh nhưng chờ mãi vẫn không thấy nói năng gì, tôi hỏi thì Quân nói trớ đi: “Cứ nghỉ ngơi đã, đi làm là chuyện cả đời, có gì đâu mà gấp gáp?”. Nhiều lần như vậy thì tôi cũng hiểu ra, anh chỉ muốn tôi ở nhà chăm sóc mẹ anh bị tai biến nằm một chỗ mấy năm nay.
Thật lòng, tôi rất thương mẹ anh nhưng bị nhốt trong nhà mãi tôi không chịu nổi. Tôi bàn với Quân thuê người chăm sóc bà nhưng anh gạt đi: “Không có ai chăm sóc tốt hơn người trong nhà. Em cứ ở nhà đi, muốn đòi tiền lương bao nhiêu, anh trả cho”. Vậy là cứ lần lựa mãi, tôi vẫn không được đi làm. Điều đó khiến tôi luôn có cảm giác mình bị cầm tù.
Ba Quân là giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường tỉnh V. Tôi biết Quân khi anh được gởi đến trường tôi để hợp thức hóa trình độ chuyên môn, bổ sung hồ sơ tuyển dụng công chức. Khi ấy, tôi không nhận ra tính gia trưởng, cũng không biết Quân là kẻ đào hoa.
Cưới nhau được 1 tháng thì có người gởi thư đến nhà, trong đó kèm cả mấy tấm hình Quân chụp với một cô gái trẻ. Lần đó anh thề thốt là có người hại mình: “Chắc lại là mấy thằng trong cơ quan. Tụi nó không được bổ nhiệm trưởng phòng nên quậy anh”. Tôi cho qua.
Đúng 6 tháng sau lại có người phụ nữ gọi điện thoại khóc lóc. Mà lạ là tại sao họ biết cả số di động của tôi để gọi. Cô ta xin gặp tôi để “vạch trần bộ mặt sở khanh” của… chồng tôi! Đó là một cô gái còn khá trẻ, chừng ngoài hai mươi. Cô ta ở tận trên Biên Hòa, vốn trước đây là phục vụ trong một quán ăn ở Sài Gòn. Quân đã thuê nhà ở với cô ta gần 1 năm, sau đó sắm nhà, sắm xe và hứa hẹn sẽ về xin phép gia đình làm đám cưới. “Vậy mà ảnh đi luôn. Em dò hỏi mãi mới biết ảnh đã bỏ em đi cưới vợ”. Cô ta vừa kể, vừa khóc nức nở.
Lần đó,Quân lại chối: “Mấy con nhỏ bán bia ôm đó mà, hơi sức đâu em để ý? Cứ thấy đàn ông có tiền là nhào vô”. Tôi bảo: “Anh tính sao đó thì tính, đừng có để mấy cô bồ của anh làm phiền em, làm phiền ba mẹ”. Ngoài mặt, tôi vẫn không tỏ vẻ gì nhưng trong lòng tôi, mọi thứ đã bắt đầu đổ vỡ. Rất nhiều lần tôi nhìn nhận lại cuộc hôn nhân của mình. Tôi quen Quân gần 1 năm trước khi cưới. Nhà cửa, cha mẹ anh tôi biết rõ. Duy chỉ có con người anh là tôi mù mờ.
Tết năm đó, cái Tết đầu tiên kể từ khi tôi lấy chồng, ba anh nhắc: “Hai vợ chồng sắp xếp để về Trà Vinh thăm chị sui nghen. Con Hương nhớ chuẩn bị chu đáo dùm ba nghe con”. Tôi lo sắm sửa mọi thứ, nôn nóng được về ăn Tết với mẹ. Thế nhưng, đến trưa mùng Một thì anh kêu “kẹt” và bảo tôi về một mình. “Hay là anh kẹt đi với cô nào?”- tôi bực bội vì bị cụt hứng. Anh cười giả lả: “Làm gì có cô nào? Em nhớ anh Tuấn không? Tuấn phó giám đốc của ba đó, ổng mời họp mặt tối nay, anh không đi thì kỳ quá”.
Vậy là tôi giận dỗi về một mình. Định ở ăn Tết với má mấy ngày cho bỏ tức nhưng đến hôm sau thì má tôi bảo: “Thôi, về lo cho chị sui đi con. Trên đó đơn chiếc, nhà lại có người bệnh”. Vậy là tôi phải về.
Mấy hôm sau tôi biết, Quân không về quê với tôi được là vì có mấy cô bạn ở Sài Gòn xuống, trong đó có một người là bồ mới của anh. Tôi phát hiện điều này là vì tối mùng Sáu, Quân nhậu xỉn về ngủ vùi. Nửa đêm có cuộc gọi. Rồi tin nhắn liên tục. Tôi nhất quyết mở ra xem. Lúc đó tôi chỉ muốn cấu xé, băm vằm Quân ra thành từng mảnh.
Sáng hôm sau, tôi chìa chứng cớ ra. Mặt Quân hầm hầm rồi bất thần anh vung tay lên tát như trời giáng vào mặt tôi: “Từ nay tôi cấm em không được xen vào chuyện riêng của tôi”. Tôi khóc như một đứa trẻ bị đòn oan. Má tôi nuôi tôi đến từng tuổi này mà chưa bao giờ đánh tôi một roi nào, vậy thì can cớ gì mà anh lại đánh tôi? Khóc đã rồi tôi dọn quần áo, xin phép ba mẹ chồng về quê: “Ảnh bồ bịch lung tung, đã không biết lỗi lại còn đánh con”- tôi vừa nói vừa khóc.
Ba mẹ chồng tôi hết lời năn nỉ. Mẹ chồng tôi khóc đến ngất đi. Vậy là tôi lại cho qua.
Yên ổn được một thời gian rồi lại có chuyện. Lần này, không có người phụ nữ nào gọi điện thoại tố khổ hay xin gặp mặt tôi để “thương lượng” chia đôi chồng mà họ mang đến hẳn… một đứa con nít vừa đầy tháng. “Giá” họ đưa ra là một ngôi nhà ở thị xã và cấp dưỡng cho tới khi đứa bé 18 tuổi; nếu không thì họ bỏ đứa nhỏ lại. Xót tình máu mủ, ba mẹ chồng tôi chọn giải pháp thứ hai.
Và đó là lý do vì sau tôi đang ngồi ăn cơm với cá chốt kho tiêu ở nhà má tôi và tắt điện thoại.
Tôi đang cần yên tĩnh để suy nghĩ và quyết định. 2 năm qua, tôi đã chịu đựng, tôi đã muốn yên thân và vì tôi cũng quý ba mẹ anh. Thế nhưng giờ đây trong tôi đang có một tiếng nói phản kháng. “Con muốn thôi chồng má ơi!”- tôi nghẹn lời khi nói điều này.
Má tôi lặng người đi, rất lâu sau má mới lên tiếng: “Đàn ông nào mà không bồ bịch hả con? Ráng chịu đựng một thời gian nữa, chừng nào nó hết kiếp nạn thì sẽ tu tâm dưỡng tánh, chí thú với vợ con…”.
Nhưng tôi biết chờ đợi đến bao giờ? Mà chắc gì anh ta sẽ hết kiếp nạn với đàn bà?
Quỳnh Hương
Theo NLĐ
0 nhận xét