Nền kinh tế đã vượt qua thời kỳ khó khăn nhất nhưng vẫn còn thách thức. Nhiều chuyên gia cho rằng cần có những chính sách kịp thời để không tuột mất cơ hội phục hồi kinh tế
Kết thúc năm 2012, nền kinh tế dù còn nhiều thách thức nhưng đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất khi lạm phát được kiểm soát ở mức 1 con số 6,81%, tăng trưởng kinh tế đạt 5,03%, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,8%... Nền kinh tế xuất hiện một số điểm sáng như tăng trưởng xuất khẩu 18,3% với 114,6 tỉ USD - vượt kế hoạch đề ra, khách du lịch đến Việt Nam hơn 6,6 triệu lượt người, vốn đăng ký trực tiếp nước ngoài (FDI) tuy giảm mạnh về lượng với khoảng 13 tỉ USD nhưng vốn thực hiện chỉ giảm nhẹ so với năm trước…
Tín hiệu tích cực
Trong báo cáo phân tích cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam mới đây, Ngân hàng (NH) HSBC cho rằng năm 2012, cán cân thương mại của Việt Nam thặng dư dù năm ngoái thâm hụt đến 9,8 tỉ USD; VNĐ tăng 0,8% so với đồng USD thay vì mất giá 7,9% như năm trước… Đây là sự thay đổi lớn nếu nhìn lại năm ngoái, lạm phát tăng cao, VNĐ mất giá mạnh khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại.
Lãi suất cao luôn là nỗi lo của các doanh nghiệp. Trong ảnh: Doanh nghiệp làm thủ tục
vay vốn tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). Ảnh: HỒNG THÚY
Cũng theo HSBC, chỉ số PMI ngành sản xuất của Việt Nam đã tăng trên ngưỡng trung bình 50 điểm lần đầu tiên trong 14 tháng qua, đạt 50,5 điểm vào tháng 11-2012. Yêu cầu về sản xuất cao hơn, số lượng đơn đặt hàng mới tăng lên làm gia tăng hoạt động mua hàng hóa đầu vào kể từ tháng 3-2012 đến nay. Cùng lúc, hoạt động bán hàng được cải thiện góp phần giảm nhanh lượng hàng hóa tồn kho và chiến lược giảm giá giúp tăng số lượng đơn đặt hàng mới trong các lĩnh vực sản xuất. “Dù chỉ là mức cải thiện nhỏ về các điều kiện kinh doanh trong ngành sản xuất nhưng đây là mức cao nhất kể từ tháng 9-2011” - HSBC nhận xét.
Trước đó, báo cáo tình hình kinh tế Việt Nam 11 tháng đầu năm 2012 của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng cho thấy nền kinh tế nước ta đã thoát khỏi vùng đáy để vượt qua thời kỳ khó khăn nhất nhưng đà phục hồi chưa rõ ràng. Nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô về sản xuất công nghiệp, hàng tồn kho… có chuyển biến tích cực hơn so với các quý đầu năm. Tuy nhiên, xu hướng cải thiện còn yếu ớt và thiếu sự ổn định rõ nét. Lo ngại hơn, dù đã vào thời điểm cuối năm nhưng sức mua từ thị trường khá thận trọng khiến tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đang có dấu hiệu chậm dần… “Tổng cầu của nền kinh tế dù được cải thiện nhưng chưa có những động lực để bật lên mạnh mẽ” - Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhận xét.
Theo ủy ban này, nguyên nhân của sự suy giảm nêu trên, ngoài chính sách thắt chặt đầu tư công còn do sự tắc nghẽn của nguồn vốn tín dụng NH làm cầu đầu tư giảm mạnh.
Cần đột phá mạnh vào lãi suất, xử lý nợ xấu…
Theo các chuyên gia kinh tế, trong điều kiện hiện nay, chính sách tiền tệ cần đột phá bằng việc NH Nhà nước quyết liệt, mạnh tay hơn nữa trong việc hạ lãi suất cho vay, xử lý dứt điểm các NH thương mại yếu kém và giải quyết nợ xấu… mới giúp nền kinh tế hồi phục nhanh hơn.
Trong khuyến nghị về chính sách điều hành kinh tế năm 2013, Trung tâm Thông tin Dự báo và Kinh tế Xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) cho rằng Chính phủ nên chú trọng triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, nhất là khu vực kinh tế Nhà nước. Đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp (DN) Nhà nước nhằm giảm sự thất thoát, lãng phí trong sử dụng vốn...
TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhận xét nền kinh tế Việt Nam mới chỉ thoát đáy nhưng còn rất nhiều việc phải làm. Ngay Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khi nhận định về kinh tế Việt Nam cũng cho rằng chúng ta phải mất 10 năm để giải quyết hết những khó khăn hiện tại. Dù kinh tế hồi phục, đi lên nhưng cũng chưa thể trở lại mức bình thường. Đáng lo hơn, theo TS Thành, tâm lý bi quan, chưa tin tưởng để đầu tư của cộng đồng DN vẫn là rào cản lớn.
Nhiều ý kiến cho rằng cần khống chế trần lãi suất cho vay đối với DN sản xuất, kinh doanh không vượt qua 150% lãi suất cơ bản nhằm giảm chi phí tài chính. Việc phải chịu lãi suất trên 15%/năm trong suốt 30 tháng qua đã làm tăng thêm khó khăn cho DN. Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng thời gian tới, NH Nhà nước cần đột phá hơn nữa trong việc hạ lãi suất. “Có thể áp trần cho vay sẽ làm giảm lợi nhuận của các NH thương mại nhưng đã đến lúc các NH phải tăng cường trách nhiệm của mình đối với DN, xã hội thay vì “thả nổi” như thời gian qua” - TS Phong nhận xét.
Xử lý nợ xấu, tái cơ cấu các NH quá chậm
Các chuyên gia kinh tế đánh giá: Quá trình xử lý nợ xấu, tái cơ cấu các NH thương mại được tiến hành quá chậm, nếu không muốn nói là chưa thấy làm gì đáng kể! “Nền kinh tế trong nước chỉ thực sự hồi phục, tăng trưởng mạnh mẽ khi niềm tin của DN và nhà đầu tư đối với việc kiểm soát lạm phát, xử lý nợ xấu được giải quyết. Cần đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu các NH thương mại, xử lý nợ xấu và xem đây là một trong những khâu đột phá của công cuộc cải cách kinh tế” - Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia khuyến nghị.
|
THÁI PHƯƠNG
Theo NLĐ
0 nhận xét