Nếu không mạnh tay trừng trị, cái ác sẽ nhanh chóng lan rộng, đến một lúc nào đó, để bảo vệ mình, người dân sẽ hành động theo phương châm “lấy ác trị ác”
Những vụ giết người, cướp tài sản một cách táo tợn, dã man xảy ra liên tiếp đang gây nhiều bức xúc trong dư luận. Rất nhiều người đã lên tiếng cho rằng luật là do con người đặt ra, vì vậy trong một giai đoạn nào đó, rất cần thiết phải thay đổi luật, áp dụng biện pháp trừng trị quyết liệt, không khoan nhượng cái ác thì mới nhanh chóng ổn định trật tự xã hội, bảo đảm an toàn cho người lương thiện.
Lực lượng Công an tỉnh Đồng Nai đang khám nghiệm hiện trường vụ xác một người đàn ông bị chặt nhiều khúc được phát hiện sáng 25-12 tại khu phố 2, phường Bình Đa - TP Biên Hòa. Ảnh: XUÂN HOÀNG
Sửa luật, rút ngắn thời gian điều tra
Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy, nguyên phó Tòa Hình sự TAND TPHCM, các ngành chức năng cần kiến nghị Thường vụ Quốc hội sửa luật, rút ngắn thời gian điều tra, đưa ra xét xử càng nhanh càng tốt đối với những loại tội phạm máu lạnh, giết người man rợ.
“Một khi bắt được tội phạm, kẻ thủ ác đã khai nhận, nhân chứng, vật chứng đầy đủ thì xử luôn. Cần tăng cường xử lưu động để răn đe, giáo dục những người chưa tốt. Ngoài ra, việc giảm án tha tù trước thời hạn đối với loại tội phạm nguy hiểm, dã man cũng cần phải cân nhắc hết sức cẩn thận”.
Thẩm phán Vũ Phi Long, Phó Tòa Hình sự TAND TPHCM, cho rằng tội phạm ngày càng trẻ hóa, không ít vụ giết người dã man do người chưa đủ 18 tuổi gây ra. Có ý kiến cho rằng nên hạ độ tuổi tử hình xuống nhưng công tác truy tố, xử án phải tuân thủ theo những quy định của pháp luật. Ngoài ra, chúng ta còn bị ràng buộc bởi Công ước quốc tế về quyền trẻ em, những người chưa thành niên phạm tội phải được xử lý theo những điều khoản mà công ước quy định.
Không để tội phạm lờn thuốc
Bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cho rằng theo quy định về tố tụng có thủ tục rút gọn để xử nhanh nhưng không phải là áp dụng cho tất cả những vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Luật pháp cũng phải bảo đảm quyền bào chữa cho bị cáo. Tuy nhiên, đúng là nếu kết thúc điều tra sớm và đưa ra xét xử nghiêm minh thì sẽ có tác dụng răn đe lớn, góp phần ngăn ngừa hành vi phạm tội.
Thực tế hiện nay những vụ án hình sự, nhất là các vụ án nghiêm trọng thì việc đưa ra xét xử đúng thời hạn đã là quá tốt. Thậm chí một số ý kiến từ phía cơ quan tư pháp còn đề nghị thời hạn tố tụng hiện nay là ngắn chứ không phải quá dài. Do vậy, trước tình hình cấp bách hiện nay, việc sửa luật không dễ dàng như việc tăng cường lực lượng, biện pháp đấu tranh mạnh.
Bà Nguyễn Thị Khá, Ủy viên Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cũng cho rằng việc khẩn trương kết thúc điều tra và đưa ra xét xử sớm sẽ có tác dụng răn đe, giáo dục nhiều người. Bên cạnh đó, cần tăng cường việc xét xử lưu động, công khai, phạm tội ở đâu xét xử ngay tại đó. “Nếu để kéo dài và hình phạt chưa đủ sức nặng thì làm cho tội phạm lờn thuốc, thậm chí là có tác dụng ngược” - bà Khá lo ngại.
Nên làm và làm được nếu quyết tâm
Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết hiện nay đối với tội cướp tài sản đã được quy định trong Bộ Luật Hình sự với khung hình phạt từ 3 năm đến 20 năm tù, chung thân hoặc tử hình.
Khi xét xử, tòa án phải đánh giá một cách khách quan, toàn diện vụ án. Khi quyết định hình phạt, tòa án phải căn cứ vào các quy định của Bộ Luật Hình sự, căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự... Đó cũng chính là tính nhân văn trong chính sách pháp luật cũng như trong khoa học xét xử.
Việc tăng hình phạt đối với một loại tội phạm nào đó không thể dựa vào dư luận. Đó là một quá trình làm luật theo quy định của pháp luật. Hơn nữa, việc tăng mức hình phạt thật cao, thật nặng, không áp dụng tình tiết giảm nhẹ… không phải là cách hay, hiệu quả, đôi khi lại phản tác dụng và một mặt nào đó còn thể hiện sự bất lực của Nhà nước trong công tác quản lý.
Trong khi đó, theo luật sư Trịnh Thanh (Văn phòng Luật sư Người nghèo TPHCM), kinh tế, văn hóa, giáo dục… hiện nay có nhiều bất ổn chính là nguyên nhân tạo ra những hiện tượng bất ổn trong xã hội. Cần tìm hiểu nguyên nhân sâu xa dẫn đến tỉ lệ tội phạm gia tăng từ đó có hướng giải quyết đồng bộ. Nếu sửa luật theo hướng tăng nặng hình phạt, giảm độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự… liên quan đến nhiều ngành và cần phải có công trình nghiên cứu kỹ để xem xét, đánh giá.
Trước mắt phải có những giải pháp tức thời như tuyên truyền, phổ biến cho người dân biện pháp phòng ngừa trộm cướp, không để mình trở thành nạn nhân của trộm cướp, giết người. Chính quyền phải quyết liệt hơn trong việc phòng chống tội phạm: lập các đội cảnh sát đặc nhiệm; cảnh sát khu vực, dân phòng thường xuyên tuần tra… Ngoài ra, đối với hành vi phạm tội quá dã man, tàn ác, mất tính người cần rút gọn thời gian tố tụng, đưa ra xét xử ngay. Việc này nên làm và làm được nếu chúng ta quyết tâm.
Lại một vụ giết người dã man
Sáng 25-12, Công an tỉnh Đồng Nai tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, điều tra làm rõ vụ án giết người, chặt xác phi tang bên lề đường tại một con hẻm thuộc khu phố 2, phường Bình Đa, TP Biên Hòa - Đồng Nai.
Theo thông tin ban đầu, khoảng 5 giờ ngày 25-12, người dân khu phố 2, phường Bình Đa đi tập thể dục vô tình phát hiện 2 bao tải buộc túm, đến xem thì nhận thấy xác người đã bị chặt khúc nằm bên trong. Bước đầu, cơ quan chức năng xác định nạn nhân là một người đàn ông, độ tuổi trung niên, có vẻ vừa bị giết. Một bao tải chứa phần đầu, ngực, bụng, trên ngực có 2 vết đâm; bao còn lại đựng phần bụng dưới và tứ chi. Xung quanh hiện trường có nhiều vết máu. Một người dân cho hay khoảng 3 giờ sáng có nghe tiếng động, người này ra xem và trông thấy 2 người đàn ông đi trên một xe máy vứt những bao tải bên đường nhưng không nghi ngờ gì.
X.Hoàng
|
Đề xuất sửa đổi toàn diện Bộ Luật Hình sự
Trong hai ngày 24 và 25-12, tại TPHCM, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã tổ chức hội thảo sửa đổi Bộ Luật Hình sự. Theo đó, dù Bộ Luật Hình sự vừa được sửa đổi bổ sung năm 2009 nhưng nhiều đại biểu cho rằng một số tội không còn phù hợp và cần thiết phải sửa đổi toàn diện bộ luật này. Ngoài ra, các đại biểu cũng bàn thảo chuyện hạ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự từ 14 tuổi xuống 12 tuổi để đáp ứng tình hình tội phạm ngày càng trẻ hóa, các băng nhóm tội phạm nhí ngày càng manh động và giảm tối đa các quy định liên quan đến định lượng truy tố.
P.Dũng
|
TỐ TRÂM - THẾ DŨNG - PHẠM DŨNG
Theo NLĐ
0 nhận xét