Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đặng Thanh Bình khẳng định không bắt buộc người dân phải chuyển đổi vàng miếng sang thương hiệu SJC l Về việc cấp CMND mới, lãnh đạo Bộ Tư pháp thừa nhận đã thẩm định một cách máy móc
Ngày 24-12, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (QH) đã tổ chức phiên giải trình về việc ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh có từ ngày 1-1-2009 (thời điểm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 có hiệu lực) đến 30-6-2012.
Tạo “thu nhập riêng” cho SJC?
Tại phiên giải trình, vấn đề kinh doanh vàng SJC theo Quyết định 1623 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cấp CMND mới, xe “chính chủ”, phí bảo trì đường bộ… nhận được nhiều ý kiến không ủng hộ của các đại biểu (ĐB) QH.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH Trần Thị Quốc Khánh hỏi thẳng: “Căn cứ theo Hiến pháp 1992, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Doanh nghiệp, tôi đã đề nghị Thống đốc giải thích Quyết định 1623 do NHNN phát hành quy định về kinh doanh vàng miếng SJC có bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, trình tự, thủ tục đánh giá tác động của văn bản trong ban hành văn bản không?”.
Bà Khánh cho biết công văn trả lời chất vấn của Thống đốc Nguyễn Văn Bình chỉ nói về Nghị định 24/CP (có hiệu lực thi hành từ ngày 25-5-2012) mà không nói gì về Quyết định 1623. “Nghị định 24/CP không quy định cụ thể về vàng SJC nhưng Quyết định 1623 của NHNN quy định cụ thể và tạo cơ hội tăng thu nhập riêng cho SJC, trong khi người dân và doanh nghiệp khác bị thiệt hại. Vì sao lãnh đạo NHNN không lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp trước khi ban hành?” - bà Khánh truy tiếp.
Đặt ra nghi vấn về mục tiêu của Quyết định 1623, bà Khánh nói: “Thống đốc cho biết đây là sự sơ suất hay là kiểu lách luật? Với những thiệt hại của người dân và doanh nghiệp do Quyết định 1623 gây ra thì trách nhiệm của lãnh đạo NHNN và Thống đốc như thế nào?”.
Có mặt tại phiên giải trình, Phó Thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình cho biết để ổn định thị trường vàng, Chính phủ đã ban hành Nghị định 24/CP (ngày 3-4-2012), trong đó quy định việc sản xuất vàng miếng không còn đại trà như trước mà thuộc độc quyền của NHNN. Cũng theo ông Bình, ngày 23-8-2012, NHNN đã ban hành Quyết định 1623, trong đó nói rõ phạm vi điều chỉnh là quy định việc tổ chức và sản xuất vàng miếng của NHNN. “Đây là quy định điều chỉnh quản lý, tổ chức sản xuất vàng miếng của riêng NHNN, không thuộc dạng văn bản quy phạm pháp luật. Quy định về trách nhiệm của NHNN trong Nghị định 24/CP là hợp hiến và hợp pháp” - ông Bình giải thích.
Phó Thống đốc NHNN cũng bảo lưu việc NHNN đã làm đúng trình tự thủ tục ban hành quy định, đã xin ý kiến của tất cả các cơ quan liên quan, làm việc với UBND TPHCM - chủ sở hữu Công ty SJC. Ông cho rằng Nghị định 24/CP và các quy định khác của NHNN không bắt buộc người dân phải chuyển đổi vàng miếng sang thương hiệu SJC. Song, ông Bình cũng thừa nhận thực tế, rất nhiều người dân có vàng miếng thương hiệu khác đã chuyển sang SJC. “Việc ban hành Quyết định 1623 không hề gây thiệt hại đối với người dân” - ông Bình phân bua.
Ba vấn đề “nóng”
Tại phiên giải trình, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Lê Minh Thông đi thẳng vào 3 vấn đề mà người dân đang hết sức quan tâm: “Nhiều quy định gần đây của Chính phủ chưa nhận được sự đồng thuận của xã hội như việc khai tên cha mẹ trong CMND, phạt xe không chính chủ và thu phí bảo trì đường bộ… Những văn bản này cần xử lý thế nào?”. ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) truy thêm: “Thông tư 33 của Bộ NN-PTNT quy định về bán thịt heo, Nghị định 71/CP về xe chính chủ, rồi cả việc cấp CMND mới... đều có vấn đề, vậy thì có xử lý những người tham mưu?”.
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam giải thích về vấn đề xe “chính chủ”
Giải thích về vấn đề xe “chính chủ”, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định Nghị định 71/CP không sai mà sai ở khâu thực hiện. “Tuy nhiên, trong khi chưa có thông tư hướng dẫn thì lực lượng chức năng không xử phạt người điều khiển phương tiện vì lý do này. Đồng thời, các bộ Tài chính, Công an phải tạo thuận lợi cho việc sang tên, đổi chủ” - ông Đam khẳng định. Về phí bảo trì đường bộ, theo ông Đam, đã được tiến hành trước đó trên giá xăng dầu; còn quy định thu trên đầu phương tiện đúng là có thể dẫn đến một bộ phận người dân thiệt thòi.
Về quy định mẫu CMND mới, ông Đam cho biết Thông tư 27 hướng dẫn thi hành Nghị định 170/CP được Bộ Công an xây dựng nhằm quản lý xã hội tốt hơn. Tuy nhiên, do còn nhiều ý kiến nên Chính phủ chỉ giao làm thí điểm đồng thời lấy ý kiến các bên và có báo cáo cụ thể. Sau đó, Chính phủ sẽ xem xét và có quyết định cuối cùng.
Về việc cấp CMND mới, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường giải thích: “Việc quy định CMND phải ghi tên cha mẹ được quy định từ Nghị định 05/CP ban hành từ năm 1999. Ở thời kỳ này, đúng là việc thẩm định văn bản của bộ có chỗ chưa được nề nếp lắm. Đến năm 2007, Chính phủ ban hành Nghị định 170/CP và Bộ Tư pháp đồng tình với nghị định này. Sau khi dư luận lên tiếng, vừa qua, nội bộ Bộ Tư pháp có kiểm điểm về chuyện thẩm định một cách máy móc, không nhìn một cách cụ thể dưới tình hình mới, với quyền của người dân. Nhưng Thông tư 27 thì không trái với Nghị định 170/CP. Về tính hợp lý của quy định này, tới đây, Chính phủ sẽ có quyết định trên cơ sở báo cáo của Bộ Công an”.
Một vấn đề gây bức xúc trong xã hội cũng được ĐB Hoàng Thanh Tùng (Sóc Trăng) nêu ra là cách tính diện tích chung, riêng đối với nhà chung cư không thống nhất đã gây thiệt hại lớn cho người dân. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Cao Lại Quang cho hay theo quy định sở hữu chung hiện nay thì bao gồm cả tường bao căn hộ, trụ lực tính cả vào trong hợp đồng. Bộ Xây dựng đã giao cho cơ quan chức năng chỉnh sửa lại văn bản theo hướng bỏ trụ lực, bỏ tường bao trong hợp đồng.
Ai chịu trách nhiệm?
Bày tỏ sự chưa hài lòng về việc chậm ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Trần Đình Long bức xúc: “Cần xử lý nghiêm trách nhiệm cán bộ và các bộ ban hành văn bản chậm”. Tiếp lời, Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng Trần Ngọc Vinh hỏi: “Thiệt hại của xã hội phát sinh do hướng dẫn chi tiết chậm được ban hành thì ai chịu trách nhiệm?”.
Phó trưởng Đoàn ĐBQH Lâm Đồng Nguyễn Bá Thuyền nhấn mạnh: “Nhiều văn bản quy phạm hướng dẫn chậm, không sát thực tế, không phù hợp với lòng dân, thậm chí còn trái pháp luật. Nguyên nhân chính là do khâu tổ chức cán bộ. Người xưa có câu “trí khôn dân tộc không sợ thiếu, chỉ sợ người ta thích cái khác”. Đất nước không thiếu người tài, có phải do các bộ, ngành không bố trí được cán bộ có tâm, có tầm? Giải pháp của Chính phủ là gì và thời gian là bao lâu?”.
Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết nguyên nhân của tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh; văn bản có xu hướng mở rộng phạm vi quy định chi tiết cả những luật, pháp lệnh không ủy quyền… chưa sát thực tiễn hay càng triển khai càng dễ gây bức xúc, nhiều thông tư còn “cài” cả biện pháp thi hành, thậm chí cả bộ máy tổ chức thực hiện... chủ yếu là do công tác tổ chức cán bộ, trong đó có vai trò quan trọng của người đứng đầu. “Nhiều khi việc giao một cơ quan, một bộ phận thì thường nhanh hơn giao nhiều cơ quan, nhiều người” - ông Đam đánh giá.
Trước băn khoăn của các ĐBQH, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết tới đây sẽ phải công khai, minh bạch hơn quá trình xây dựng văn bản thì mới rõ được ai làm tròn trách nhiệm, ai không.
Thiếu kinh phí?
Tại phiên giải trình, khi nhiều ĐBQH “kêu” về chất lượng văn bản quy phạm pháp luật và cán bộ chịu trách nhiệm xây dựng, tham mưu, đại diện Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính “đổ tội” do thiếu kinh phí. Không hài lòng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH Bùi Sỹ Lợi bác bỏ: “Nhiều nghị định nội dung rất lớn nhưng tiền thì bé, có thông tư nhỏ thì tiền lớn, Bộ Tài chính phải giải thích rõ”.
Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho rằng không phải cứ nâng phụ cấp là trách nhiệm nâng lên. Việc chậm ban hành văn bản hay văn bản có vấn đề có phần trách nhiệm lớn của người đứng đầu.
|
“Sai gì đâu mà phải sửa” (?!)
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 24-12, Thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Tổng cục VII - Bộ Công an), cho biết Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép Bộ Công an thí điểm cấp CMND mới trong thời gian 1 năm.
Trong thời gian từ nay đến hết năm 2013, Tổng cục VII sẽ triển khai cấp CMND mới trên toàn TP Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc (Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình). “CMND mới có gì sai đâu mà phải sửa”- ông Vệ nói. Theo ông Vệ, việc CMND mới có 12 số thay vì 9 số hiện nay nhằm bảo đảm từ nay về sau, mỗi người sẽ chỉ được cấp một số cá nhân.
T.Kha
|
Bài và ảnh: THẾ DŨNG
Theo NLĐ
0 nhận xét