Với mức nộp phạt ít nhất 1,9 tỉ USD, đây là mức phạt lớn chưa từng có trong lịch sử ngành ngân hàng thế giới.
Hãng tin tài chính Bloomberg dẫn nguồn tin thân cận cho biết, HSBC và cơ quan công tố của Mỹ đã đạt được thỏa thuận nộp phạt nói trên vào ngày hôm qua (10-12).
Trước đó, một ủy ban thuộc Thượng viện Mỹ cáo buộc các quan chức hàng đầu của HSBC đã giám sát lỏng lẻo hoạt động của ngân hàng này, dẫn tới bị nghi dính líu vào hoạt động rửa tiền cho các băng đảng ma túy ở Mexico và chuyển tiền cho một số nhà băng ở các quốc gia bị cấm vận, bao gồm Iran và Sudan.
Cũng trong ngày 10-12, ngân hàng lớn thứ nhì của Anh là Standard Chartered nhất trí nộp phạt 327 triệu USD sau khi các nhà chức trách Mỹ cáo buộc ngân hàng này vi phạm lệnh trừng phạt của Washington đối với Iran khi bị tình nghi rửa tiền cho các cá nhân và tổ chức tại quốc gia này.
Thời gian qua, HSBC và Standard Chartered đã trở thành mục tiêu điều tra rửa tiền của một loạt cơ quan chức năng Mỹ. Các cơ quan này bao gồm Bộ Tư pháp Mỹ, Bộ Tài chính Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Văn phòng Kiểm soát tiền tệ, và các cơ quan công tố của thành phố New York.
Những nỗ lực của Giám đốc điều hành (CEO) HSBC, ông Stuart Gulliver, nhằm cắt giảm chi phí và gia tăng lợi nhuận đang chịu tác động bất lợi từ các cuộc điều tra rửa tiền ở Mỹ. Ủy ban của Thượng viện Mỹ cho rằng, việc HSBC không tuân thủ các biện pháp kiểm soát rửa tiền cho phép các tổ chức khủng bố và buôn lậu ma túy tiếp cận với hệ thống tài chính Mỹ.
Hiện HSBC chưa đưa ra thông tin chính thức nào về thông tin nộp phạt số tiền 1,9 tỷ USD cho nhà chức trách Mỹ.
Trong quý 3 vừa qua, HSBC đã dự phòng 800 triệu USD cho bồi thường nghi án rửa tiền, bổ sung thêm vào khoản dự phòng 700 triệu USD cho vụ này. Đầu tháng 11, HSBC cho biết, có thể phải nộp phạt nhiều hơn số tiền 1,5 tỉ USD đã dự phòng để giải quyết các cuộc điều tra chống rửa tiền tại Mỹ.
Là CEO của HSBC từ tháng 1-2011 tới nay, ông Gulliver đang tìm cách cắt giảm chi phí 2,5-3,5 tỉ USD và phục hồi lợi nhuận thông qua bán tài sản ở các thị trường mới nổi. Mới đây nhất, HSBC đạt thỏa thuận bán lại cổ phần 16% trong công ty bảo hiểm lớn nhất Trung Quốc Ping An cho đối tác Charoen Pokphand Group của Thái Lan với giá 9,4 tỉ USD.
Về phần mình, vào tháng 8 vừa qua, Starndard Charterd đã nộp phạt 340 triệu USD cho nhà chức trách bang New York cũng vì bị điều tra rửa tiền. Hôm 6-12, Standard Chartered đã tuyên bố với các nhà đầu tư rằng, ngân hàng này có thể phải nộp phạt thêm 330 triệu USD để khép lại các cuộc điều tra khác.
Theo giới phân tích, khoản nộp phạt công bố ngày 10-11 sẽ khép lại các cuộc điều tra rửa tiền ở Standard Chartered. Giá cổ phiếu của ngân hàng này đã tăng 0,8% trong phiên giao dịch tại London, nâng tổng mức tăng từ đầu năm lên 6,3%.
Phương Anh (Dân Trí)
Theo NLĐ
0 nhận xét