Do không áp trần lãi suất cho vay nên doanh nghiệp chưa được hưởng lợi nhiều từ các lần điều chỉnh giảm lãi suất huy động
Theo quy định của Ngân hàng (NH) Nhà nước, từ ngày 24-12, trần lãi suất huy động kỳ hạn ngắn dưới 12 tháng giảm từ 9% xuống 8%/năm. Ở kỳ hạn dài, các NH thương mại được quyền thỏa thuận lãi suất.
Người gửi tiền “tính trước”
Ngày 24-12, các NH thương mại tại TPHCM đã đồng loạt thay biểu lãi suất huy động mới kỳ hạn dưới 12 tháng còn 8%/năm. Ở các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên, nhiều NH cũng điều chỉnh biểu lãi suất về mức phổ biến 10%-11%/năm, mức lãi suất cao nhất kỳ hạn 12 tháng hiện là 12%/năm, giảm khoảng 1,5 điểm % so với trước. Nhân viên một số NH thương mại cho biết dù lãi suất tiền gửi giảm về 8%/năm nhưng hiện tượng người dân đến rút tiền, chuyển qua các kênh đầu tư khác không xảy ra.
Lãnh đạo nhiều NH cho rằng trong bối cảnh các kênh đầu tư như vàng, bất động sản, chứng khoán… vẫn tiềm ẩn rủi ro, việc người dân rút tiền khỏi NH rất khó xảy ra. Phó Tổng Giám đốc NH TMCP Phương Đông (OCB) Trương Đình Long nhận xét: Từ khoảng 1-2 tháng nay, người dân đã có động thái gửi tiết kiệm kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên để hưởng lãi suất cao khi dự đoán nhiều khả năng lãi suất huy động giảm. Tại OCB, tiền gửi kỳ hạn dài trong tháng qua đã bất ngờ tăng mạnh. Chưa kể, từ ngày 21-12, NH Nhà nước công bố hạ lãi suất huy động, nhiều người sau đó tranh thủ ngày cuối tuần đến NH đáo hạn sổ tiết kiệm, chọn gửi kỳ hạn dài hưởng lãi suất cao...
Từ ngày 24-12 các ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất huy động kỳ hạn ngắn xuống 8%/năm
Ảnh: HỒNG THÚY
Ảnh: HỒNG THÚY
Theo ghi nhận của chúng tôi, nhân viên nhiều NH khẳng định không có chuyện xé rào, lách trần lãi suất lúc này, kể cả với các khoản tiền gửi lớn. “Lần này, khách gửi bao nhiêu thì NH cũng chỉ trả đúng lãi suất niêm yết chứ không có thưởng thêm” - nhân viên một chi nhánh NH trên đường Nguyễn Thị Định, quận 2 - TPHCM cho biết. Trong khi đó, lãnh đạo một NH thương mại nhìn nhận việc xé rào có thể vẫn xảy ra ở vài NH nhỏ vốn yếu thanh khoản nhưng không phổ biến. Mức lách trần nếu có cũng chỉ thêm khoảng 1-1,5 điểm %/năm so với trần huy động 8%/năm bởi đầu vào cao, cho vay cũng cao thì sẽ không ai dám vay!
Cần áp trần lãi suất cho vay
Thay vì cần chờ độ trễ chính sách như những lần hạ lãi suất trước, lần này, nhiều NH thương mại đã “đón đầu” hạ lãi suất cho vay nhiều gói ưu đãi còn khoảng 12%-13,5%/năm để kích tín dụng cuối năm.
Lãnh đạo NH TMCP Á Châu (ACB), OCB cho rằng thị trường buộc NH phải điều chỉnh lãi suất cho vay để đẩy mạnh dư nợ tín dụng. Ông Trương Đình Long cho biết lãi suất cho vay khách hàng cá nhân tại OCB hiện chỉ còn 13,5%/năm và có thể giảm thêm thời gian tới. Lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ xuất nhập khẩu hiện cũng chỉ còn 12%/năm.
Ông Phạm Thiện Long, Phó Tổng Giám đốc NH TMCP Phát triển TPHCM (HDBank), cho biết tại HDBank, chỉ cần DN có tài chính ổn định, có khả năng trả nợ thì NH sẵn sàng cho vay lãi suất 12%-13%/năm để kích tín dụng cuối năm. “NH chấp nhận lời ít để dư nợ tín dụng tăng, làm bàn đạp cho hoạt động năm sau nhưng quan trọng là DN không muốn vay, không dám vay. Lãi suất chỉ là một phần, sức mua của thị trường, đầu ra cho sản phẩm mới là mấu chốt với DN lúc này” - ông Phạm Thiện Long nhấn mạnh.
Ở đợt điều chỉnh lãi suất này, NH Nhà nước một lần nữa không đề cập việc áp trần lãi suất cho vay. Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong cho rằng thời gian qua, lãi suất huy động giảm nhiều nhưng lãi suất cho vay chưa giảm tương xứng. Lẽ ra, NH Nhà nước phải áp trần cho vay, tổng rà soát hoạt động cho vay của các NH thương mại nhưng lại “bỏ lửng” việc này. Vì vậy, DN chưa được lợi nhiều từ các lần điều chỉnh lãi suất.
Theo chuyên gia kinh tế - TS Bùi Kiến Thành, hạ lãi suất huy động thêm 1 điểm %/năm không giải quyết được vấn đề gì cho DN khi lãi suất cho vay chưa được khống chế, vẫn như “gươm chém xuống nước”… Trong khi đó, luật dân sự quy định các NH thương mại không được cho vay quá 150% lãi suất cơ bản của NH Nhà nước công bố đối với kỳ hạn tương ứng nhưng không thấy NH nào áp dụng.
Hạ lãi suất là cần thiết nhưng quan trọng là NH Nhà nước
phải xử lý hài hòa lợi ích giữa người gửi tiền - NH thương mại - DN. Tuy nhiên, đến giờ, lợi ích vẫn đang nghiêng về phía các NH thương mại (Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong) |
THÁI PHƯƠNG
Theo NLĐ
0 nhận xét