Sau 3 năm thực hiện Nghị định 84, nhiều bất cập đã bộc lộ, song để sửa đổi nghị định này và hoàn thành mục tiêu thị trường hóa xăng dầu vẫn là bài toán chưa có lời giải
Tọa đàm trực tuyến “Minh bạch hóa giá xăng dầu theo cơ chế thị trường” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 20-12, vẫn chưa đưa ra được phương án tháo “nút thắt” về cách tính giá bán lẻ xăng dầu sao cho hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp (DN) và Nhà nước.
Định giá theo chu kỳ 15 ngày?
Nghị định 84 quy định chu kỳ tính giá cơ sở bình quân xăng dầu là 30 ngày đã bộc lộ nhiều bất cập khiến giá xăng dầu trong nước tăng giảm trái ngược với xu hướng thế giới. “Nghị định 84 quy định tối thiểu 10 ngày các DN mới được tăng giá và tối đa 10 ngày phải giảm giá theo tín hiệu thị trường. Tuy nhiên, áp dụng chu kỳ 10 ngày là hơi ngắn, phải cân nhắc kỹ về vấn đề dự trữ lưu thông vì nó liên quan đến an ninh năng lượng.
Chúng tôi đang nghiên cứu để có hướng báo cáo cơ quan chức năng và có lẽ sẽ giảm chu kỳ tính giá xuống khoảng 15 ngày” - ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính, đặt vấn đề.
Mục tiêu thị trường hóa xăng dầu theo Nghị định 84 của
Chính phủ sau 3 năm thực hiện đã bộc lộ nhiều bất cập. Ảnh: TẤN THẠNH
Phân tích rõ hơn về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho rằng chúng ta phải bảo đảm nguồn cung dự trữ nhất định khi thị trường bất ổn, mà nguồn cung này hoặc do Nhà nước bỏ tiền ra hoặc do DN kinh doanh phải dự trữ. Trong tình hình hiện nay, nguồn lực dự trữ của Nhà nước không nhiều nên phải giao nhiệm vụ dự trữ cho DN trong 30 ngày.
Với yêu cầu dự trữ lưu thông trong 30 ngày thì không thể điều hành giá theo chu kỳ 10 ngày được. “Chúng ta chỉ có cách giảm dự trữ lưu thông xuống 15 ngày và điều hành giá trong 15 ngày thì mới giải quyết được bài toán xăng dầu” - ông Tú đề xuất.
Cũng theo ông Tú, Nghị định 84 chưa phải là bước cuối cùng để kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường mà chỉ là bước tiếp nối các Quyết định 187 và Nghị định 55. “Muốn xác lập hoàn toàn cơ chế thị trường trong kinh doanh xăng dầu cần thời gian dài và thực hiện có lộ trình vì xuất phát điểm của chúng ta theo cơ chế bao cấp, không thể ngày một ngày hai chuyển đổi hoàn toàn được” - ông Tú nhấn mạnh.
DN muốn áp thuế lợi mình, thiệt dân
Về thuế đối với xăng dầu, nhiều nước đã áp dụng cách tính thuế theo giá tính thuế cố định, thuế suất tính thuế cũng rất ổn định, rất ít khi thay đổi để chủ động trong thu ngân sách và DN cũng chủ động trong tính giá xăng dầu. Tuy nhiên, cách tính thuế này sẽ gây xung đột về lợi ích giữa DN và người tiêu dùng.
Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), bày tỏ mong muốn áp dụng thuế cố định theo từng năm, từng giai đoạn và áp dụng theo tỉ lệ % tùy theo yêu cầu ngân sách. “Đối với DN chúng tôi, vài năm gần đây không thể xây dựng được kế hoạch lợi nhuận và chỉ tiêu ngân sách do giá không ổn định” - ông Bảo phân trần.
Theo ông Bảo, nếu vẫn tiếp tục dùng thuế để bình ổn thị trường xăng dầu thì giá xăng dầu sẽ vẫn chưa được xác lập theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài chính và Bộ Công Thương đều khẳng định nếu áp mức thuế từng năm một thì chỉ có lợi cho DN và các cơ quan quản lý nhưng người dân lại bị thiệt khi tăng giá bất thường.
Thực tế là khi gia nhập WTO, Việt Nam đã cam kết khung thuế từ 0%-40% và Chính phủ cũng đã trình Quốc hội duyệt khung thuế này. Bởi vậy, trong nhiều thời điểm, thuế được áp dụng linh hoạt nhằm bình ổn giá bán lẻ xăng dầu tới tay người tiêu dùng. Khi giá xăng dầu thị trường thế giới tăng cao thì điều chỉnh hạ thuế để giá bán thấp, khi giá xăng dầu thị trường thế giới giảm thì thuế được điều chỉnh tăng để bù vào phần thuế phải trả Nhà nước.
Mặc dù cách tính thuế này làm mất cơ hội giảm giá xăng dầu trong nước khi giá thế giới giảm song lại bảo đảm bình ổn giá xăng dầu luôn bán ra cho người dân thấp hơn giá cơ sở. “Nếu chúng ta giữ mức thuế cố định hoặc thu thuế tuyệt đối thì không có chuyện duy trì giá xăng dầu thấp như 2 năm vừa qua” - Thứ trưởng Tú khẳng định.
Chưa thể áp dụng cơ chế thị trường
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Anh Tuấn, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, vẫn cần sử dụng thuế làm công cụ bình ổn giá. Khi kinh tế mạnh, có khả năng hội nhập sâu hơn, chúng ta mới có điều kiện áp dụng cơ chế thị trường và lúc đó sẽ tính toán lại giá sao cho bám sát tín hiệu thị trường, theo giá thế giới và vẫn phải có sự điều tiết của Nhà nước.
|
PHƯƠNG NHUNG
Theo NLĐ
0 nhận xét