Việc người dân Trung Quốc gặp phiền toái khi sử dụng hộ chiếu điện tử in chìm bản đồ "lưỡi bò" trên biển Đông đã trở thành tâm điểm tranh luận tại các diễn đàn trực tuyến ở nước này thời gian qua.
Điều được các cư dân mạng lặp đi lặp lại là các nhà chức trách không hề cảnh báo người dân về những trở ngại khi dùng hộ chiếu mới để nhập cảnh vào một số nước láng giềng.
Cư dân mạng có nick Hbomb ta thán: “Dù sửa thế nào cũng không thể sửa được diện mạo vốn có của tấm hộ chiếu này. Giờ đây, dùng nó chỉ chuốc lấy phiền phức và bực dọc”. Một cư dân mạng khác châm biếm: “ Hộ chiếu Trung Quốc vốn đã không dễ dùng. Giờ tốt rồi, người ta lại có thêm lý do để gây khó khi mình nhập cảnh”.
Truyền thông Nhật Bản cho rằng chính phủ Trung Quốc
đang từng bước thúc đẩy “chiến lược bản đồ” (Ảnh: WEIBO)
Thậm chí, có một số người bi quan đến mức độ đòi đổi quốc tịch như nick Mumbojumbo: “Xem ra sẽ có nhiều người dân Trung Quốc muốn từ bỏ quốc tịch của mình và năm nay sẽ cao kỷ lục. Nếu ngày mai, Philippines, Việt Nam hay Ấn Độ cũng đổi hộ chiếu mới thì sao nhỉ?”.
Một phụ nữ ngao ngán:“Thật không may cho các công dân bình thường, cầm hộ chiếu Trung Quốc mà bị kỳ thị trên thế giới. Thế thì thà rằng đừng xuất ngoại nữa”.
Một số người tỏ ra khó chịu và hy vọng các nhà chức trách mau chóng đưa ra hướng giải quyết ổn thỏa. Một cư dân mạng viết: “Hộ chiếu liên quan lợi ích thiết thân của công dân Trung Quốc, việc in đường lưỡi bò vào hộ chiếu mới chẳng khác nào lấy công dân Trung Quốc để thăm dò, xem như một phép thử. Hành động này rất vô đạo đức”.
Trong khi người dân tỏ ý tẩy chay hộ chiếu mới, các chuyên gia, báo chí trong và ngoài Trung Quốc nhận định tình hình sẽ không mau chóng lắng dịu. Giáo sư Thời Ân Hoằng tại Học viện Quan hệ Quốc tế thuộc trường đại học Nhân dân Trung Quốc nói: “Việc in bản đồ lên hộ chiếu mới làm cho mọi việc càng trở lên khó khăn hơn, gây thêm nhiều phiền toái. Chỉ mỗi tranh cãi lãnh thổ không cũng đủ lắm rồi”.
Nhà nghiên cứu John Blaxland, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng của trường Đại học quốc gia Úc, cũng dự báo căng thẳng sẽ leo thang vì hiện tại không có dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh chịu “gác kiếm”. “Trung Quốc sẽ hành động từ từ hầu mong đạt được mục tiêu của mình. Khó có thể chuẩn bị kỹ càng để ứng phó trước các động thái khiêu khích như vậy” - ông Blaxland nói.
H.Bình (Theo Sina, Tianya)
Theo NLĐ
Theo NLĐ
0 nhận xét