Tội đồ ô tô: Suýt cõng 60 triệu đồng/năm
Ầm ĩ nhất dư luận về "ma trận" phí năm nay là phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ. Đầu năm, Bộ trưởng Thăng nói đề xuất thu từ 20- 50 triệu đồng/năm cho xe ô tô cá nhân dưới 9 chỗ, thu 500.000- 1 triệu đồng/năm cho xe máy ở 5 thành phố Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng và Hải Phòng. Thêm nữa là loại phí dành riêng ôtô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm là 30.000 đồng/lượt đối với xe 7 chỗ ngồi và 50.000 đồng/lượt đối với các loại ôtô còn lại.
Ước tính, 1 chiếc xe ô tô ở Việt Nam phải gánh tất cả 12 loại thuế và phí và nếu thu thêm các phí trên, một năm "cõng" khoảng 60 triệu đồng thuế phí. Sau 5 năm, tiền phí, thuế đã "ăn" hết cả giá trị một chiếc xe matiz cũ.
Những tranh cãi, bàn luận nỗ ra trên khắp các diễn đàn, trong dư luận và tại nhiều cuộc hội thảo khiến cho các loại phí giao thông như "một trận chiến". Thật may, những ngày cuối cùng của năm 2012, chính sách này đã bị Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ không duyệt.
Phí sử dụng đường bộ: ván đã đóng thuyền
Một loại phí khác đổ đầu ô tô, xe máy sẽ áp dụng từ 1/1/2013 là phí sử dụng đường bộ (Thông tư 197 của Bộ Tài chính và Nghị định 18 của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ).
Một chiếc xe ô tô con cá nhân sẽ phải nộp 1,56 triệu đồng/năm (130.000 đồng/tháng), xe máy cá nhân sẽ phải nộp từ 50- 150.000 đồng/năm.
Xe tải sẽ có mức phí nộp từ 2,16 triệu đồng/năm đến 12,48 triệu đồng/năm tùy trọng tải xe. Với loại xe chở người trung bình như từ trên 10 chỗ- dưới 40 chỗ ngồi, xe tải, chuyên dùng trọng lượng từ 8-13 tấn ... phải nộp mức phí khoảng 4,7- 6,8 triệu/năm.
Với các cá nhân tiêu dùng thì xem ra, mức phí này không lớn, dễ chấp nhận. Nhưng với các DN vận tải năm nay thì đây quả là gánh nặng.
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội ngậm ngùi nói, "ván đã đóng thuyền" thì Hiệp hội vận tải TP. HCM vẫn cố "vớt vát" gửi kiến nghị nêu 4 điểm bất hợp lý tới Chính phủ. Hi vọng biết đâu 6 tháng tới, liên bộ Tài chính- Giao thông vận tải "nghĩ lại" mà giảm chút ít?
Thuế thu nhập cá nhân: 7 hay 9 triệu, mức nào đủ sống?
Hết nâng lên lại hạ xuống mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân khiến cho dư luận một phen hồi hộp, thấp thỏm âu lo. Theo luật hiện hành, mức khởi điểm chịu thuế là 4 triệu đồng/người/tháng, mức giảm trừ gia cảnh là 1,6 triệu đồng/người/tháng.
DN nhỏ và vừa sẽ được giảm thuế TNDN từ 1/7/2013? (ảnh: P.H) |
Tháng 3, lần đầu tiên công bố sửa luật Thuế thu nhập cá nhân, Bộ Tài chính đã dự kiến sẽ chỉ nâng mức khởi điểm chịu thuế này lên 6 triệu đồng/người/tháng và mức giảm trừ cho người phụ thuộc là 2,4 triệu đồng/tháng/người.
Đến tháng 7, khi trình chính thức tới Ủy ban thường vụ Quốc hội lên mức 9 triệu đồng/tháng khởi điểm chịu thuế và 3,6 triệu đồng/tháng/người phụ thuộc. Người dân hoan hỉ vui mừng vì thuế có vẻ đã "khoan sức dân" như thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai quả quyết.
Oái oăm thay, hơn 1 tháng sau, Ủy ban Tài chính- ngân sách đã dội một gáo nước lạnh vào người dân khi "đòi" hạ các mức trên xuống còn 7 triệu đồng/tháng khởi điểm chịu thuế và 2,8 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc. Lý do được đưa ra cũng rất cảm tính rằng, mức trên là quá cao, ngân sách sẽ giảm thu.
Rất khó nói, 6 triệu, 7 triệu hay 9 triệu đồng thì mức nào là đủ sống, vì mức sống đô thị hay nông thôn là khác nhau. Nhưng thật bất thường khi một cơ quan của Quốc hội - nơi đại diện lợi ích của nhân dân bỗng dưng lại đi lo việc của Chính phủ là hao hụt ngân sách thay vì cất tiếng nói phản ánh thực trạng, mức nào là đủ sống cho dân?. Sau cùng, Quốc hội cũng đã thông qua dự luật sửa đổi Luật thuế thu nhập cá nhân với các mức như Bộ Tài chính đề xuất và áp dụng từ 1/7/2013.
DN muốn giảm, Chính phủ chỉ cho giãn
Năm 2012 là năm mà Chính phủ liên tục ban hành các gói "cứu trợ" DN. Giải pháp phổ biến nhất vẫn là giảm sức ép tài chính thông qua thuế, phí. Nhưng với các DN lại không mặn mà với các gói này. Họ chỉ được giãn, gia hạn là chủ yếu chứ không được giảm. Nói cách khác, gói cứu trợ chỉ mang tính "động viên" chứ không phải là gói kích cầu bằng tiền tươi, thóc thật như năm 2009.
Từ 1/1/2012, phí trước bạ ô tô ở Hà Nội đã tăng kịch trần lên 20%, tại TP HCM tăng 15%. Nhưng chỉ sau 5 tháng, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam đã đệ trình cần giảm phí trước bạ xuống 5%. Khi đó, thị trường ô tô đã giảm sút tới 41%, nhiều DN ô tô đã phải tạm ngừng sản xuất. Cho đến nay, vẫn có hàng nghìn chiếc ô tô của các hãng bị tồn đọng.
Hiệp hội Thép Việt Nam liên tục kiến nghị, Bộ Tài chính phải giảm thuế VAT, từ 10% xuống 5% thì may chăng, mới kích cầu đầu ra cho thép xây dựng. Các giải pháp gia hạn VAT trong 6 tháng chỉ có tác dụng nhất thời và sẽ là một gánh nặng lớn cho DN vào năm tiếp theo. Nếu tính trung bình, mỗi DN chỉ được gia hạn có hơn 40 triệu đồng tiền thuế, một quy mô quá nhỏ.
Thuế thu nhập DN đã được nhiều hiệp hội kiến nghị phải giảm mạnh mà không cần chờ sửa luật. Ông Vũ Vinh Phú, Hiệp hội siêu thị Hà Nội kiến nghị phải giảm từ mức thuế 25% hiện hành xuống mức 15-18% trong 3-5 năm cho các tổ chức sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, mọi kiến nghị trên đã không thể áp dụng trong năm 2012.
Những ngày cuối năm, Bộ Tài chính xin Chính phủ giảm thuế thu nhập DN xuống 20% cho DN vừa và nhỏ, xuống 10% cho DN kinh doanh nhà ở xã hội. Đồng thời, Bộ cũng đề xuất giảm từ 30-50% thuế VAT cho DN bất động sản áp dụng từ 1/7/2013 đến 30/6/2014. Riêng phí trước bạ, Bộ đã đề nghị sẽ giảm xuống 10% cho lần đầu đăng ký đối với ô tô dưới 10 chỗ và 2% cho lần đăng ký thứ hai.
Chưa hưởng hỗ trợ, giá đã tăng vù vù
Năm 2012, giá xăng đã có 6 lần tăng, 6 lần giảm. Tuy nhiên, tổng mức giảm giá chỉ được 3.700 đồng/lít, bằng 61% so với tổng mức tăng (6.050 đồng/lít). Hiện, dù giá xăng thành phẩm đã về mức thấp nhất kể từ đầu năm đến nay thì mức giá bán lẻ mặt hàng xăng vẫn ngang bằng với thời kỳ tháng 6.
Cùng đó, ảnh hưởng lớn nhất tới các DN sản xuất là dầu diezen, hiện đang giữ mức giá cao nhất trong năm, sau khi có 6 lần tăng và 4 lần giảm. Trong đó, tổng mức giảm cũng chỉ bằng 1.800 đồng/lít, bằng 51% so với tổng mức tăng là 3.450 đồng/lít.
Có một vấn đề phải lưu ý là, thuế nhập khẩu các mặt hàng này đã điều tiết giá rất mạnh và là lý do "neo" giá bán lẻ. Khi có cơ hội giảm giá, Bộ Tài chính ưu tiên tăng thuế trước. Hiện, thuế đang ở mức 12% cho xăng và 8% dầu.
Nghịch lý tiếp theo là giá điện. Đúng như dự đoán của nhiều giới, giá điện năm 2012 đã tăng 2 lần với tổng mức tăng hơn 10%. Mặc dù năm nay, Tập đoàn điện lực Việt Nam có lãi tới 3.500-4.000 tỷ nhưng vì lý do tồn đọng lỗ lớn kinh doanh điện tới 11.000 tỷ đồng 2 năm trước, cộng khoản lỗ chênh lệch tỷ giá nên việc tăng giá điện vẫn cứ diễn ra.
Với các DN sản xuất, trong bối cảnh kinh doanh thua lỗ, phá sản gia tăng thì những cú tăng giá trên được ví như một cú "knock out", đẩy DN ngày càng khốn khó thêm. Trong khi đó, các gói cứu trợ "thấm" được đến DN lại chẳng được là bao. Một bên Chính phủ vẫn "cứu" DN khi khó khăn, một bên, thuế phí và giá vẫn cứ đè đầu DN theo... lộ trình.
Phạm Huyền
Phạm Huyền
Theo Vef.vn
0 nhận xét