Cơ quan điều tra Công an TP Hải Phòng đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố 2 anh em ông Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý và các thành viên khác trong gia đình về tội Giết người và Chống người thi hành công vụ.
Ngày 28-12, tin từ Cơ quan Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hải Phòng cho biết, cơ quan này đã hoàn thành kết luận điều tra vụ án giết người, chống người thi hành công vụ tại khu vực đầm nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, xảy ra vào sáng ngày 5-1-2012.
Ông Đoàn Văn Vươn (trái) và Đoàn Văn Quý (phải)
Theo đó, các bị can Đoàn Văn Vươn (SN 1963), Đoàn Văn Quý (SN 1966), Đoàn Văn Sịnh (SN 1957) và Đoàn Văn Vệ (SN 1974) đều đồng phạm tội Giết người, vi phạm tại Điểm d, Khoản 1, Điều 93 Bộ Luật Hình sự. Hai bị can Phạm Thị Báu (tức Phạm Thị Hiền, SN 1982, vợ ông Đoàn Văn Quý) và Nguyễn Thị Thương (SN 1970, vợ ông Đoàn Văn Vươn) đồng can tội Chống người thi hành công vụ, vi phạm quy định tại Điểm a, Điểm d, Khoản 2, Điều 257 Bộ luật Hình sự.
Theo kết luận điều tra, do không chấp hành Quyết định của UBND huyện Tiên Lãng nên từ tháng 12-2011 đến ngày 4-1-2012, Đoàn Văn Vươn tập hợp anh em ruột gồm Đoàn Văn Quý, Đoàn Văn Sịnh, Đoàn Văn Thoại và Phạm Thái (là anh vợ ông Quý) đã bàn bạc thống nhất lên kế hoạch chuẩn bị thực hiện việc chống lại lực lượng cưỡng chế như dựng hàng rào bằng tre, dóc rào để ngăn cản không cho người làm nhiệm vụ vào khu đất, đầm thu hồi cưỡng chế, rải rơm rạ ra lối đi vào và phủ lên nơi đặt mìn tự tạo, tưới xăng đốt, kích điện gây nổ mìn, nổ bình ga bắn đạn hoa cải vào người đến cưỡng chế.
Để thực hiện kế hoạch, ông Vươn chỉ đạo Vệ đi mua súng còn Quý, Sịnh, Thoại, Thái cùng Báu, Thương, Đoàn Xuân Quỳnh (SN 1995, là con trai ông Vươn) cùng một số người khác làm 5 hàng rào tre dóc kín, chắn ngang đường vào khu cưỡng chế, rải kín rơm rạ từ hàng rào đến nhà hai ông Quý, Vươn.
Lực lượng cưỡng chế tiến vào căn nhà 2 tầng của gia đình ông Đoàn Văn Vươn
Sau đó, các thành viên gia đình ông Vươn làm 2 quả mìn tự tạo cùng 4 kíp nổ điện, đào 2 hố tren lối đi để chôn mìn xuống dưới, trên đặt bình gas, nối kíp nổ đặt dưới bình gas bằng dây điện đến nhà Quý nơi đặt bình ắc quy. Để không bị phát hiện, anh em ông Vươn rải rơm ngụy trang lên trên…
Theo phân công, Quý, Thoại, Thái ở lại nhà Quý để thực hiện gây nổ mìn để kích nổ bình gas, đổ xăng đốt rơm rạ, bắn hoa cải đến những người bị cưỡng chế. Ngày 5-1, Vươn, Sịnh ở ngoài chỉ đạo, hỗ trợ khi cần…
Đến 7 giờ 30 phút ngày 5-1, đoàn hơn 10 người, gồm của các lực lượng công an và bộ đội quân sự huyện Tiên Lãng, được phân công đi đầu để rà phá vật liệu gây nổ và thực hiện việc vật động thuyết phục lần cuối trước khi cưỡng chế. Khi tiếp cận hàng rào thứ nhất chắn đường vào nhà Đoàn Văn Quý (cách nhà 40m), thì Quý chập điện cho mìn và bình gas gây nổ nhưng không ai bị thương.
Đoàn công tác tiếp cận hàng rào thứ 2 (cách nhà Quý 15m) thì Quý, Thái, Thoại nấp ở trong nhà dùng 2 khẩu súng bắn đạn hoa cải bắn 4 phát vào đoàn công tác làm 7 người bị thương. Tiếp đó, Quý chạy về phía đoàn công tác đổ can xăng vào rơm rạ và châm lửa đốt nhưng do thời tiết ẩm ướt nên không cháy. Hành sự xong, Quý, Thái và Thoại bỏ trốn qua đường rừng phòng hộ, thoát ra biển.
Theo kết luận pháp y, 7 người trong đoàn công tác bị mất từ 1%-43% sức lao động.
Bà Nguyễn Thị Thương (phải) và Phạm Thị Báu (trái) cùng xem kết luận điều tra
Sáng 28-12, trao đổi với Báo Người Lao động, bà Phạm Thị Báu nói: “Tôi không bất ngờ trước kết luận điều tra của cơ quan Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hải Phòng vì chúng tôi đã xác định từ trước nếu để Công an TP Hải Phòng điều tra thì không mong chờ gì sự công tâm, công bằng".
Theo 2 bà Thương và Báu, hành động của thân nhân họ không phạm tội Giết người, Chống người thi hành công vụ mà chỉ là để bảo vệ tài sản bị UBND huyện thu hồi trái luật.
Điều 93. Tội giết người
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết nhiều người;
b) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
c) Giết trẻ em;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.
|
Điều 257. Tội chống người thi hành công vụ
1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm :
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội nhiều lần;
c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
|
Tin-ảnh: Trọng Đức
Theo NLĐ
0 nhận xét