Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường nói như vậy về “tác dụng” của việc thu phí bảo trì đường bộ, dự kiến bắt đầu từ ngày 1-1-2013
Sáng 19-12 tại TPHCM, Bộ GTVT tổ chức tập huấn, triển khai thực hiện thu phí bảo trì đường bộ cho các cơ quan, đơn vị từ Đà Nẵng trở vào.
Phí bảo trì đường bộ thu từ xe máy sẽ để lại cho địa phương sửa chữa đường sá. Ảnh: TẤN THẠNH
Mỗi địa phương một mức thu
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường khẳng định: Phí bảo trì đường bộ thu từ ngày 1-1-2013 với mức thấp nhất, sau đó HĐND các tỉnh quyết định mức phí tùy theo tình hình kinh tế - xã hội của từng địa phương.
“Chắc chắn sẽ có sự so sánh tại sao tỉnh này thu thấp, tỉnh kia thu cao nhưng chúng tôi tin rằng việc thu phí sẽ ổn định vào đầu năm 2014” - ông Trường nói. Ông Trường cho biết thêm toàn bộ phí thu từ xe máy sẽ để lại cho địa phương sửa chữa đường sá. Sau 3-6 tháng thu phí, Bộ GTVT sẽ có đề xuất sửa đổi theo tình hình thực tế.
Theo Thông tư 197 của Bộ Tài chính về hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện, UBND cấp xã, phường, thị trấn là cơ quan thu phí đối với mô tô trên địa bàn. Tờ khai phí sử dụng đường bộ sẽ được cơ quan chức năng gửi đến chủ phương tiện, nếu tăng hoặc giảm phương tiện thì chủ phương tiện phải kê khai lại.
Đối với phương tiện được mua trước ngày 1-1-2013, chủ phương tiện kê khai trong tháng 1-2013 và nộp phí cả năm 2013. Phương tiện mua sau ngày 1-1-2013, nếu xuất hiện từ ngày 1-1 đến 1-6 hằng năm, chủ phương tiện đóng mức phí bằng 1/2 mức thu của năm; trường hợp phương tiện được mua từ ngày 1-7 đến 31-12 hằng năm, chủ phương tiện nộp phí vào tháng 1 năm sau và không phải nộp phí của năm vừa mua phương tiện. Đối với ô tô, chủ sở hữu đóng phí tại cơ quan đăng kiểm sau khi đăng kiểm phương tiện.
Nhiều nơi so đo
Về việc nhiều doanh nghiệp lo lắng hoạt động của họ sẽ bị ảnh hưởng khi không kịp trở về địa phương để đăng kiểm và đóng phí bảo trì đường bộ đúng hạn, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Trịnh Ngọc Giao trấn an: “Chúng tôi sẽ lập một tài khoản cho phí bảo trì đường bộ.
Doanh nghiệp có thể nộp phí vào tài khoản này mà không cần phải quay về địa phương để nộp”. Ông Trường cũng khẳng định các loại phương tiện chỉ chạy ở nội bộ cảng, KCN sẽ được miễn đóng phí bảo trì đường bộ.
Một số cơ quan đăng kiểm và địa phương kêu rằng phần phí để lại quá ít (1%), không đủ trang trải cho công tác thu phí. Ông Giao cho biết đơn vị nào thiếu tiền chi cho công tác này có thể báo cáo lên trên để xin điều chỉnh.
Theo ông Trường, ngày 25-12, Bộ GTVT sẽ công bố danh sách các trạm thu phí bị dừng thu để tránh tình trạng phí chồng phí, dự kiến có khoảng 14/56 trạm bị dừng thu. Riêng các trạm thu phí BOT sẽ vẫn hoạt động vì các trạm này làm nhiệm vụ hoàn tiền cho các doanh nghiệp tư nhân đã đầu tư làm đường.
“Chắc chắn phí bảo trì đường bộ sẽ chỉ được sử dụng để sửa chữa đường bộ. Tin chắc rằng đường sá của ta nếu 1 năm chưa tốt thì 10 năm nữa cũng sẽ tốt. Tiền phí bảo trì đường bộ tuy không nhiều nhưng cũng góp phần giảm đáng kể gánh nặng cho ngân sách Nhà nước” - ông Trường nói.
Nhiều mức phí
Đối với ô tô: từ 130.000 đồng - 1.040.000 đồng/tháng tùy theo tải trọng xe.
Đối với xe của quốc phòng, an ninh: từ 1.000.000 đồng - 1.500.000 đồng/năm.
Đối với mô tô: từ 50.000 đồng - 150.000 đồng/năm tùy vào quy định của địa phương.
Các đối tượng chịu phí: ô tô, máy kéo, rơ moóc, sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô, mô tô 2 bánh, mô tô 3 bánh và xe máy.
Các đối tượng không phải chịu phí: xe bị hủy hoại do tai nạn hoặc thiên tai; xe bị tịch thu; xe bị tai nạn phải sửa chữa từ 30 ngày trở lên.
Các trường hợp miễn phí: xe cứu thương, cứu hỏa; xe chuyên dùng phục vụ tang lễ; xe chuyên dùng phục vụ an ninh, quốc phòng; mô tô của công an; xe máy của các hộ nghèo.
|
ÁNH NGUYỆT
Theo NLĐ
0 nhận xét