3 năm, 40 cán bộ, chiến sĩ bị xử lý. Tính trung bình, mỗi tỉnh thành một năm có hơn 0,2 cán bộ chiến sĩ bị kỷ luật. Nhìn vào con số này, có thể nói rằng việc xử lý trong ngành đã rất nghiêm?
Ngày 24/4, tại phiên giải trình được truyền hình trực tiếp, Thiếu tướng Nguyễn Đình Nghị, Bộ Công an cho biết, với lực lượng công an, các sai phạm bị xử lý rất nghiêm. Từ năm 2009 đến nay, đã xử lý tới 40 trường hợp cảnh sát, công an tiêu cực.
Phản hồi thông tin này, một số độc giả đồng tình cho rằng, việc xử lý các cán bộ tiêu cực là rất cần thiết để tỏ sự nghiêm minh của pháp luật và đem lại lòng tin cho người dân.
Phản hồi thông tin này, một số độc giả đồng tình cho rằng, việc xử lý các cán bộ tiêu cực là rất cần thiết để tỏ sự nghiêm minh của pháp luật và đem lại lòng tin cho người dân.
“Chúng tôi rất hoan nghênh Bộ Công an đã mạnh tay xử lý nghiêm những cán bộ sai phạm. Không phải ngành nào cũng làm được việc này mặc dù sai phạm ngành nào cũng có” – độc giả có tên Hoàng Hải (Ba Đình – Hà Nội) viết.
Tuy nhiên, đa số độc giả đánh giá, với tình trạng vi phạm nhiều trong một ngành được cho là “nhạy cảm” như ngành công an, đặc biệt là đối với lực lượng cảnh sát giao thông thì con số này là quá ít.
“Hãy thử làm phép tính hết sức đơn giản. Cả nước có 64 tỉnh thành mà trong 3 năm xử lý 40 cán bộ, chiến sĩ. Như vậy, tính trung bình một tỉnh thành, mỗi năm, có tới… 0,2 cán bộ chiến sĩ bị xử lý. Với những gì đang diễn ra, nhất là trong lực lượng cảnh sát giao thông, điều này nghe có vẻ không thuyết phục cho lắm” - độc giả Nguyễn Thanh Bình phân tích.
CSGT ăn mãi lộ trắng trợn - ảnh: Tuổi trẻ |
Đồng quan điểm như độc giả Nguyễn Thanh Bình, độc giả Nguyễn Tấn Thành ở Bà Rịa - Vũng tàu “thốt” lên: Mới xử lý 40 trường hợp - sao ít thế! Tôi nghĩ số này mới chỉ là của một địa phương. Vì thực tế cảnh sát có tiêu cực ở các cấp trong cả nước có lẽ đã lên tới con số hàng ngàn rồi. Ai cũng biết mà!”.
Trong khi đó, độc giả Anh Minh (Hà Nội) còn “vặn” lại: Nếu ngành CA thực sự cầu thị, sao không kêu gọi mọi người gửi ảnh chụp cảnh CA ăn hối lộ và cho đăng công khai, xử lý công khai. Tôi bảo đảm chỉ sau 1 tháng, CA không còn sức, còn người đâu mà xử lý!
Để “thuyết phục” hơn, một độc giả còn gửi “tặng” VnMedia đường link dẫn đến trang youtube, trong đó có đăng một clip quay cảnh công an “mãi lộ” một cách công khai tại một tỉnh miền Trung.
Ngoài ra, có khá nhiều độc giả là lái xe tự kể về những “trải nghiệm” với cảnh sát giao thông trong những lần lưu thông trên đường mà theo đó, họ đã phải chung chi những khoản tiền không ít để tránh bị phiền hà. Tuy nhiên, những độc giả này cho biết, họ không muốn đưa ra bằng chứng cụ thể vì vẫn còn phải “làm ăn” trên các tuyến đường đó. “Chúng tôi không thể tố cáo, bởi cứ nhìn thực tế tình trạng xử lý cán bộ vi phạm thì sẽ thấy, chỉ có chúng tôi là bị thiệt. Sau mỗi lần có ai đó không chịu được bất công mà tố cáo, y như rằng sau đó mỗi khi đi qua cung đường đó, chúng tôi bị lãnh đủ, còn các cán bộ đó thì vẫn như vậy, chẳng thấy “bị” làm sao cả.” – một độc giả giấu tên viết.
Nhưng có lẽ, đây cũng chính là lý do khiến nhiều người dù biết rất rõ tình trạng vi phạm của cảnh sát giao thông nhưng không dám hoặc không muốn lên tiếng tố cáo, gây khó khăn cho công tác điều tra và khiến cho số trường hợp vi phạm bị xử lý càng ít hơn.
Trong khi đó, có những độc giả “kỹ tính” còn cho biết, họ luôn theo dõi những vụ việc tiêu cực được báo chí phanh phui, hoặc người dân tố cáo. Tuy nhiên, đến khâu “xử lý cán bộ” thì rất ít vụ có thông tin cho đến tận cùng. “Tôi là người luôn hoan nghênh báo chí và các cơ quan chức năng khi họ vào cuộc để làm rõ những vụ việc tiêu cực, đặc biệt là những vụ liên quan đến ngành công an. Tuy nhiên, tôi thấy nhiều vụ được báo chí đưa cả hình ảnh, clip lên mạng nhưng sau đó thì không thấy nói gì đến việc xử lý người vi phạm, hoặc có thì cũng xử lý rất nhẹ hoặc hình thức rất chung chung. Tình trạng mãi lộ tại các tuyến đường được báo chí nêu cũng chỉ yên ắng được một thời gian rồi sau đó đâu lại vào đấy. Như Trung tướng nói rằng có 40 người bị xử lý, nhưng ngay cả con số ít ỏi này cũng không biết là xử lý như thế nào, có phải là đuổi khỏi ngành hay bị xử lý hình sự hay không? liệu có chuyện chỉ “phê bình nghiêm khắc” không?” – độc giả giấu tên hoài nghi và cũng dẫn chứng ra vụ “Cảnh sát giao thông mãi lộ trắng trợn tại Nghệ An” hồi cuối năm 2011 mà báo chí tin phanh phui, đăng cả bài và clip nhưng sau đó không thấy nói đến việc xử lý.
Cũng liên quan đến việc xử lý cán bộ trong ngành công an, một số độc giả cho rằng, hầu hết những vụ được “đưa ra ánh sáng” đều từ báo chí hoặc người dân phản ánh. “Người dân chúng tôi theo dõi thấy rằng hầu như không có vụ nào mà các cơ quan thanh tra của ngành công an chủ động theo dõi, kiểm tra và phát hiện vi phạm đồng thời thông tin cho dư luận biết. Trong khi đó, tình trạng cảnh sát ăn mãi lộ, hành dân không phải quá hiếm và quá khó để phát hiện, đặc biệt là với nghiệp vụ của chính ngành công an” – độc giả Lê Minh viết.
Tuy nhiên, một độc giả khác công tâm viết: Nói có sách, mách có chứng. Chúng ta không thể bằng cảm tính mà kêu ca chuyện nhiều hay ít cán bộ vi phạm. Để làm trong sạch đội ngũ cán bộ, chiến sĩ công an, mỗi người dân chúng ta trước hết cần tuân thủ pháp luật và sẵn sàng lên tiếng tố cáo những hành động sai trái của những "con sâu". Vả lại, không thể chỉ nhìn vào CSGT để đánh giá ngành công an. Trên hết, những chiến sĩ công an vẫn là những người bảo vệ nhân dân" - bạn đọc Phùng Tuấn Thủy ở Phú Xuyên (Hà Nội) viết.
Tuy nhiên, một độc giả khác công tâm viết: Nói có sách, mách có chứng. Chúng ta không thể bằng cảm tính mà kêu ca chuyện nhiều hay ít cán bộ vi phạm. Để làm trong sạch đội ngũ cán bộ, chiến sĩ công an, mỗi người dân chúng ta trước hết cần tuân thủ pháp luật và sẵn sàng lên tiếng tố cáo những hành động sai trái của những "con sâu". Vả lại, không thể chỉ nhìn vào CSGT để đánh giá ngành công an. Trên hết, những chiến sĩ công an vẫn là những người bảo vệ nhân dân" - bạn đọc Phùng Tuấn Thủy ở Phú Xuyên (Hà Nội) viết.
Theo VnMedia
0 nhận xét