Chính phủ đang cân nhắc thời điểm và mức độ điều chỉnh giá điện
Trong khi giá thế giới giảm, giá xăng dầu trong nước vẫn chưa thể giảm. Ảnh: Tấn Thạnh
Ngày 1-12, Chính phủ tổ chức họp báo thường kỳ do Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì.
Chưa đủ điều kiện giảm giá xăng dầu
Trước đó, tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ khẳng định giá điện năm 2012 sẽ tăng trong biên độ trên 10% nhưng bảo đảm thấp hơn mức tăng 15,28%. Mức tăng này được Bộ trưởng Vương Đình Huệ đánh giá là “tăng có kiềm chế”, chưa tính đúng, tính đủ chi phí giá thành sản xuất điện nhằm bảo đảm nền kinh tế không bị sốc. Mức tăng và thời điểm tăng giá sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Trả lời câu hỏi của báo giới về việc tăng giá điện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Vượng cho biết: “Từ năm 2012, Chính phủ cố gắng điều hành giá điện theo cơ chế thị trường, thể hiện ở Quyết định 24 cho phép điều chỉnh giá điện theo thông số đầu vào. Tuy nhiên, hiện nay Chính phủ vẫn đang cân nhắc thời điểm và mức độ điều chỉnh giá điện, chưa có quyết định cụ thể”.
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam bổ sung không phải từ năm 2012, giá điện mới được điều hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước mà lộ trình này đã được thực hiện từ vài năm trước. Như vậy, sẽ tránh được khả năng tăng giá sốc trong năm 2012.
Liên quan đến giá xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai khẳng định giá xăng dầu thế giới gần đây có dấu hiệu giảm nhưng tính bình quân 30 ngày nhập khẩu thì chỉ mặt hàng xăng A92 có lãi 288 đồng/lít, các mặt hàng xăng dầu khác đều lỗ. Nếu có giảm giá xăng, mức giảm cũng rất thấp nên liên bộ Tài chính – Công Thương đã thống nhất quyết định tăng mức trích quỹ bình ổn đối với xăng A92 thêm 250 đồng/lít để có nguồn lực bình ổn giá khi thị trường có biến động vì tồn quỹ bình ổn hiện nay không còn nhiều. Các mặt hàng khác vẫn giữ nguyên giá bán và được phép xả quỹ bình ổn từ 900-1.000 đồng/lít tùy loại để bù đắp một phần chi phí.
Đổi mới, sắp xếp, cổ phần hóa 573 DNNN
Đáng lưu ý là tại cuộc họp thường kỳ tháng 11-2011, Chính phủ đã thảo luận và cho ý kiến về 3 đề án quan trọng, gồm đề án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng (NH) thương mại, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và tái cơ cấu đầu tư.
Mục đích của việc tái cơ cấu hệ thống NH là nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, quản trị tốt hơn để không còn NH yếu kém kéo dài, ảnh hưởng đến nền kinh tế. Quá trình cổ phần hóa, sáp nhập NH được thực hiện trên cơ sở tự nguyện theo đúng luật pháp và bảo đảm quyền lợi người gửi tiền.
Trình bày đề án trước Thường trực Chính phủ, Thống đốc NH Nhà nước đã nhận định có 5% NH thuộc diện yếu kém. Con số này cũng đã được báo cáo tại diễn đàn Quốc hội vừa qua nhưng tại cuộc họp báo này, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết việc công bố danh sách các NH yếu kém là không nên vì đó chưa hẳn là biện pháp tốt. “Nếu dư luận xã hội đồn đoán NH A, NH B nằm trong số 5% thì người dân cứ yên tâm vì cơ quan quản lý Nhà nước đã nắm rõ “sức khỏe” của các NH và đang có biện pháp can thiệp tích cực để những NH này mạnh lên, bảo đảm không đổ vỡ và không ảnh hưởng đến quyền lợi của người gửi tiền cũng như của nền kinh tế” - Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định.
Đối với đề án sắp xếp DNNN, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Viết Muôn cho biết từ nay đến năm 2015, sẽ tiến hành đổi mới, sắp xếp, cổ phần hóa 573 DNNN, trong đó có 1 tập đoàn, vài chục tổng công ty 90-91 và các DN trực thuộc bộ, địa phương. Quá trình này không chỉ phụ thuộc vào cơ chế, chính sách mà còn phụ thuộc vào tình hình phục hồi kinh tế.
Cũng tại cuộc họp báo, Phó Thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến không khẳng định chủ trương lãi suất sẽ được đưa về mức 12% như tin đồn nhưng cũng không bác bỏ. “Lạm phát đang giảm dần nhưng vẫn ở mức cao cùng với mục tiêu giảm lạm phát ở mức một con số vào năm 2012 là cơ sở để điều hành giảm lãi suất dần nhưng giảm mức độ nào cần đánh giá thận trọng theo tính bền vững của tốc độ giảm CPI, bảo đảm lợi ích người gửi tiền và khả năng huy động được vốn của NH” - ông Nguyễn Đồng Tiến nói.
Có thể Jetstar Pacific lại thuộc Vietnam Airlines Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết Công ty CP Hàng không Jetstar Pacific Airlines (JPA) nằm trong danh sách DN liên tục thua lỗ nhiều năm, cần có phương án sắp xếp lại trong giai đoạn tới. Các cơ quan chức năng đã đề xuất Chính phủ phương án chuyển đại diện sở hữu vốn Nhà nước tại JPA từ tổng công ty đầu tư, kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC - thuộc Bộ Tài chính) sang Vietnam Airlines (VNA). Theo đó, VNA sẽ nhận quyền quản lý gần 70% cổ phần trong hãng hàng không JPA. Tiền thân của JPA là Công ty Hàng không Pacific Airlines (PA) do Saigontourist sáng lập và VNA tham gia làm chủ sở hữu, nắm 86% vốn điều lệ. Do hoạt động thua lỗ, đứng bên bờ vực phá sản, PA đã được tái cơ cấu, tách khỏi VNA và bán hơn 20% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài Qantas (Úc) năm 2007. P.Anh |
Tô Hà
Theo NLĐ
0 nhận xét