Trong khi hàng loạt vụ cháy xe liên tiếp xảy ra thì các cơ quan chức năng vẫn im lặng khiến người dân càng thêm lo lắng, hoang mang
Theo thống kê chưa đầy đủ từ năm 2006 đến nay, đã có ít nhất 28 vụ cháy, nổ xe máy. Riêng năm 2011 đã xảy ra 15 trường hợp. Trong đó, nghiêm trọng nhất là vụ nổ xe Honda Super Dream hôm 1-12 khiến thai phụ Nguyễn Thị Quỳnh và con gái 4 tuổi tử vong.
Cháy xe: Chuyện thường (?!)
Trong số 28 vụ cháy, nổ xe máy nói trên, có đến 22 vụ xe đang lưu thông bỗng dưng phát cháy, nổ. Đáng chú ý là 60% xe cháy, nổ thuộc dòng xe tay ga và 65% vụ cháy xe xảy ra ở khu vực phía Bắc. Cũng theo thống kê, khoảng 14 xe cháy thuộc các dòng xe của hãng Honda, 6 xe của hãng SYM.
Các xe thuộc hãng Suzuki, Yamaha và xe có nguồn gốc Trung Quốc cũng đã từng có sản phẩm… bỗng dưng cháy. Nhiều xe máy bốc cháy khi vẫn còn trong thời gian bảo hành. Điển hình như vụ xe Super Dream phát nổ hôm 1-12 ở Bắc Ninh, mới sử dụng vài tháng và lưu thông được 4.000 km (thời gian bảo hành tương ứng 20.000 km); chiếc Air Blade cháy rụi trên đường Nguyễn Trãi (Hà Nội) hôm 9-12 mới mua được một năm.
Xe Air Blade bị cháy ở Hà Nội ngày 9-12 đang được công an thu giữ để điều tra nguyên nhân. Ảnh: ĐỖ DU
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 19-12, ông Đỗ Hữu Đức, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT), cho biết việc cháy xe máy, ô tô là hết sức bình thường trên thế giới. Ông nói: “Chỉ riêng trong năm 2011 ở Berlin (Đức) đã ghi nhận 300 vụ cháy ô tô. Hôm trước, trên chuyến bay từ Malaysia về Việt Nam, tôi có đọc một tờ báo nước này đăng 3 vụ cháy ô tô, có cả chết người, bị thương”.
Tuy vậy, ông Đức cũng nhìn nhận ở các nước, hầu hết các vụ xe bị cháy cơ quan chức năng đều tìm ra nguyên nhân và công bố kết luận điều tra để khuyến cáo người tiêu dùng. Còn ở Việt Nam, việc tìm ra nguyên nhân các vụ cháy xe có vẻ còn thờ ơ.
Chậm đưa ra lời giải đáp
Vụ cháy xe mới nhất xảy ra vào lúc 13 giờ ngày 18-12, tại kho bia An Sương - Hiệp Thành (quận 12 – TPHCM). Chiếc xe tay ga nhãn hiệu Lead của hãng Honda của anh Lê Huy Cư (phường Phước Long B, quận Thủ Đức) trong lúc đang dựng ở kho bia trên thì bất ngờ bị cháy. Anh Cư cho biết chiếc xe trên được anh mua vào ngày 17-4-2011.
Vụ cháy xe này càng khiến hàng triệu người Việt Nam đi xe máy thêm hoang mang. Thế nhưng, cho đến nay, các cơ quan chức năng vẫn im hơi lặng tiếng. Thiếu tướng Nguyễn Danh Cộng, Chánh Văn phòng Bộ Công an, vẫn chỉ nói chung chung: Nguyên nhân các vụ cháy, nổ xe sẽ được làm rõ.
Đại tá Nguyễn Văn Quyền, Trưởng Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an TP Hà Nội, lập luận rằng: Người dân luôn mong muốn tìm ra nguyên nhân các vụ cháy, nổ xe máy. Nhưng ông giải thích: Việc giám định rất khó khăn vì các xe đều bị cháy thành than. Bên cạnh đó, trong quá trình xác định nguyên nhân, lực lượng công an không nhận được sự hợp tác từ phía “khổ chủ” bởi suy nghĩ “của đi thay người”. “Họ thường bỏ đi hoặc không trình báo, phối hợp điều tra”- ông Quyền nói.
Trong khi đó, các nhà sản xuất cũng đang đứng ngoài cuộc. Ngay cả vụ cháy xe Lead nói trên, dù có cử nhân viên đến ghi nhận hiện trường nhưng hãng Honda vẫn chưa đả động gì về nguyên nhân cháy, cũng như đền bù cho khách hàng.
“Nghi phạm” là… chuột?
Dù chưa tìm ra nguyên nhân gây cháy xe nhưng theo đại tá Quyền, “thủ phạm” gây cháy nhìn chung chỉ do hai nguyên nhân chính: từ bình ắc-quy hoặc từ xăng nhớt. Trong khi đó, theo ông Đỗ Hữu Đức, nguyên nhân cháy còn có thể xuất phát từ việc không giám sát được chất lượng xe sau khi được bán cho người tiêu dùng. Khi chưa có quy định kiểm định định kỳ đối với xe gắn máy thì có rất nhiều lý do khiến thiết bị kỹ thuật trên xe gắn máy thay đổi, tiềm ẩn những nguy cơ khi vận hành.
Về việc này, theo ông Trần Tiến Sỹ, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật xe máy Việt - Nhật (Hà Nội), phải làm rõ các yếu tố kỹ thuật. Theo ông, một trong những nguyên nhân có thể do giắc sạc của một số dòng xe tay ga lâu ngày không sử dụng sẽ bị hiện tượng mô - ve (điện trở tiếp xúc tăng cao giữa các cực của phích cắm và ổ cắm bị lỏng) gây phát nhiệt, chập điện và gây cháy. Hiện tượng này hay xảy ra ở dòng xe tay ga cao cấp.
Ngoài ra, một số xe khi lắp thêm các thiết bị điện như còi, đèn, thiết bị chống trộm, nếu không đúng quy cách hoặc các thiết bị lắp đặt là hàng không bảo đảm chất lượng cũng có thể dẫn đến chập điện và phát cháy khi sử dụng.
Ngoài ra, dây điện sử dụng trong xe máy, do quá cũ kỹ, không thay thế định kỳ hoặc do các yếu tố khách quan như bị chuột cắn khiến dây bị hở điện, cũng có thể gây chập cháy. “Đây là một trong những nguyên nhân gây cháy phổ biến mà chúng tôi thường xuyên tiếp nhận”- ông Sỹ khẳng định.
Chiều 19-12, đại diện Công ty Honda Việt Nam cho biết sẽ phải làm báo cáo về các vụ việc cháy, nổ xe máy gần đây liên quan đến các sản phẩm của hãng theo yêu cầu của 2 cơ quan là Cục Đăng kiểm Việt Nam và Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương trước ngày 24-12. |
Nhóm phóng viên
NLĐ
0 nhận xét