Lũ lụt ở ĐBSCL năm nay lớn chưa bằng năm 2000 nhưng đang làm cho nhiều người lo vì gây thiệt hại nhiều. Chúng tôi đã phỏng vấn TS LÊ ANH TUẤN - Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu, Đại học Cần Thơ - xoay quanh vấn đề này.
Thưa ông, có phải vì năm nay mưa bão và triều cường nhiều nên lũ lụt ở ĐBSCL lớn như vậy?
TS Lê Anh Tuấn: Năm nay, số lượng các cơn bão không nhiều hơn so với trung bình nhiều năm trước, nhưng đặc điểm của các trận bão năm nay đều là bão lớn và đến với vùng biển và đất liền nước ta rất dồn dập trong một khoảng thời gian ngắn. Cụ thể từ cuối tháng 7 đầu tháng 8, trận bão số 3 (bão Nock-ten) với cường độ gió và gây mưa rất lớn ở vùng phía Tây dãy Trường Sơn và nước lũ lớn đổ vào sông Mekong, đoạn hạ Lào. Sau đó, 3 trận bão lớn gần như lần lượt xếp hàng vào nước ta là cơn bão số 4 (bão Haitang), bão số 5 (bão Nesat), bão số 6 (bão Nalgea) trong thời gian chưa đến một tuần. Mưa lớn, nước tập trung nhanh và đổ xuống đồng bằng trùng với thời kỳ triều cường nên gây lũ lớn.
Nhưng mực nước thực tế không cao hơn lũ năm 2000, vậy sao lại bị thiệt hại nặng về lúa và đê bao như vậy?
Đúng vậy, nếu so sánh với năm 2000 thì lượng nước lũ năm 2011 chỉ tương đương khoảng 75 – 85% tổng lượng nước. Đến nay, chúng tôi chưa có đủ dữ liệu để so sánh mức độ thiệt hại giữa 2 năm lũ này vì tính chất và diễn biến của 2 trận lũ là khác nhau xa, nhưng cũng dễ thấy là diện tích lúa bị ngập và số đoạn đê bao bị vỡ năm nay là đáng kể.
Lý do dễ hiểu nhất là năm nay diện tích lúa vụ 3 và chiều dài các đê bao tăng lên rất nhiều so với năm 2000 khiến dòng chảy bị thu hẹp do diện tích thoát lũ ít hơn năm 2000. Nhiều nơi, qua quan sát thực địa và trao đổi trực tiếp với nông dân địa phương, nhiều người đều có nhận định là dòng nước lũ năm nay chảy mạnh hơn và dâng cao nhanh hơn. Ngoài ra, chúng tôi thấy hệ thống đê bao chống lũ nhiều nơi là không vững chắc, một phần vật liệu làm đê rất đơn giản, chủ yếu là đất đắp tại chỗ, thiếu đầm chặt và một phần các địa phương chủ quan qua nhiều năm không có lũ lớn nên việc gia cố bờ bao không được chú trọng lắm.
Trong đợt khảo sát lũ lụt tại Đồng Tháp và An Giang vừa rồi, ông có nói chỉ nên làm lúa vụ 3 ở vùng đất không trũng, có phải do tác hại của đê bao hay không?
Bản thân đê bao là một trong những cách ngăn lũ để tăng vụ, nhưng theo tôi, khi quyết định gia tăng diện tích canh tác vụ 3, chúng ta nên xem xét những vùng nào nên làm lúa vụ 3 như các vùng có địa hình tương đối cao, vùng gò. Còn những vùng trũng sâu trong vùng Đồng Tháp Mười và vùng tứ giác Long Xuyên – Hà Tiên nên được lưu ý, cần giới hạn việc mở rộng diện tích lúa vụ 3 lại vì thực chất đây là những vũng trũng tự nhiên của ĐBSCL có chức năng chứa và điều tiết lũ cho cả vùng châu thổ.
Nhưng nếu như ta chủ động lịch thời vụ, làm lúa sớm và thu hoạch xong rồi xả lũ như Cần Thơ đã làm với gần 53.000 ha lúa vụ 3 năm nay thì nông dân vẫn được lợi cả lúa và phù sa chứ?
Cần Thơ và các tỉnh lân cận không phải là vùng đầu nguồn ĐBSCL. Ở đây đất cao hơn và lũ đến trễ hơn nên việc làm lúa sớm khá phù hợp. Tuy nhiên cũng không thể đẩy thời vụ canh tác lúa (vụ hè thu) sớm hơn nhiều nữa vì sẽ đụng vào đầu mùa mưa, thường có rủi ro do hạn đầu vụ. Nông dân Cần Thơ không làm nhiều vụ 3 vì ở thời điểm tháng 9 lũ đã tràn về nhiều vùng này, tháng 9 cũng là tháng có triều cường lớn nhất trong năm. Kinh nghiệm những năm trước đây, các vùng giữa có mức ngập lụt gia tăng, mặc dầu các năm đó không phải là năm lũ lớn.
Cách giải thích được nhiều người chấp nhận nhất là do các tỉnh đầu nguồn làm đê bao khép kín quá nhiều khiến nước dồn cho các vùng giữa và vùng dưới nhiều hơn. Nông dân Cần Thơ rất có lý khi để đất nghỉ cho vụ 3 để tích lũy phù sa cho vụ đông xuân tới.
Như vậy, theo ông là nếu tính đủ chi phí cả về kinh tế và môi trường thì trong phát triển bền vững vẫn không nên bao đê triệt để làm lúa vụ 3 trong mùa lũ ở ĐBSCL?
Bấy lâu nay nhiều người tính lời – lãi trong canh tác lúa thường rất đơn giản là lấy số tiền mà nông dân bỏ ra cho canh tác lúa và sau đó so sánh với số tiền họ bán được lúa để tính lời lỗ. Cách tính này đã không xem xét đầy đủ các chi phí khác mà xã hội phải bỏ ra để làm đê bao, số người phải huy động để chống lũ, các xói lở, phá hoại công trình do dòng chảy lũ tự nhiên bị cưỡng bức thu hẹp và các gián đoạn hoạt động khác.
Người dân vùng ĐBSCL từ xưa đã nổi tiếng với khẩu hiệu “sống chung với lũ”, họ rất bình thản với “mùa nước nổi” như một nhịp sống đặc thù hằng năm. Nay, một khi bị chuyển sang trạng thái “sống với tâm trạng chống lũ” thì khi đó, quan hệ giữa con người và thiên nhiên là từ sự hòa hợp chuyển sang đối đầu. Không nên lấy chiến lược “chống lũ” như là một biện pháp công trình chính yếu vì tổn thương về kinh tế - xã hội và môi trường ở quy mô tổng thể có thể sẽ phải nặng hơn, nhất là trong tình hình biến đổi khí hậu với những bất thường khó lường được đang diễn ra.
Thưa ông, Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu Đại học Cần Thơ đang làm gì với vấn đề này?
Chúng tôi cùng những nhà khoa học khác tiếp tục nghiên cứu các diễn biến khí tượng và thủy văn khu vực để có những cơ sở khoa học trong định hướng các giải pháp thích ứng tốt nhất cả về mặt sản xuất, đời sống, sinh kế và bảo vệ môi trường thiên nhiên cho người dân vùng ĐBSCL, không chỉ cho điều kiện hiện tại mà còn hướng đến tương lai xa hơn.1
Xin cảm ơn ông.
HUỲNH KIM thực hiện
Theo Tiasang.com.vn
0 nhận xét