Bộ Ngoại giao Nga nói: “Sự có mặt mang tính hình thức của Nga tại các vụ phóng tên lửa của Mỹ chỉ có thể được coi như một biện pháp thể hiện sự minh bạch”.
“Những biện pháp đó rất hữu ích nhưng nó không thể thỏa mãn được nhu cầu muốn có được sự đảm bảo rõ ràng và chặt chẽ mang tính pháp lý rằng hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ ở châu Âu sẽ không nhằm vào các lực lượng vũ khí chiến lược của Nga.
Trước đó tại Hội nghị thượng đỉnh Lisbon tháng 11/2010, Nga và NATO đã nhất trí sẽ hợp tác trong kế hoạch lá chắn tên lửa ở châu Âu. Theo đó, NATO muốn có 2 hệ thống trao đổi thông tin độc lập giữa hai bên, trong khi Nga lại ủng hộ một hệ thống hoạt động chung.
Washington cũng đã mời Nga sử dụng hệ thống ra-đa của mình để quan sát các vụ phóng thử tên lửa đánh chặn của Mỹ.
Trong khi đó, Nga cảnh báo rằng Moscow có thể sẽ phải phát triển các biện pháp an ninh riêng nếu Mỹ và NATO tiếp tục phớt lờ những quan ngại của Moscow về kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa ở Châu Âu.
Moscow từ lâu đã phản đối kế hoạch của Mỹ và NATO trong việc thiết lập các cơ sở phòng thủ tên lửa gần biên giới nước này vì cho rằng các hệ thống đó sẽ làm ảnh hưởng đến an ninh nước Nga. Washington và NATO liên tục khẳng định hệ thống lá chắn tên lửa của họ ở Châu Âu là nhằm để ngăn chặn những cuộc tấn công có thể xảy ra từ phía Iran và Triều Tiên. Tuy nhiên, Moscow vẫn muốn Mỹ và NATO phải đảm bảo cho họ về mặt pháp lý rằng, hệ thống của họ không nhằm vào Nga.
Theo VnMedia
0 nhận xét