Cơm hộp ăn nhanh, dẹp gọn nhưng khiến giềng mối gia đình tẻ nhạt, lỏng lẻo
Ngoài công việc ở một công ty xây dựng thuộc Nhà nước, T. Minh (ngụ quận 10 – TPHCM) còn mở công ty riêng nên bận tối mắt tối mũi. Còn Ng.Thanh, người yêu của Minh, là trưởng phòng kinh doanh của một công ty lớn nên cũng luôn bận bịu.
Chồng “quên” vợ
Những lần ra mắt gia đình chồng tương lai, Thanh tỏ ra rất đảm đang khi trổ tài nấu nướng khiến Minh phổng cả mũi và gia đình anh rất ưng ý. Thế nhưng, khi sắp cưới, cô đưa ra “tối hậu thư” rằng: “Em không đảm đương mãi việc nấu nướng đâu nhé!”. Lỡ phát thiệp cưới rồi nên Minh đành gật đầu, tính để từ từ thuyết phục. Giỏi giang, lại được bố mẹ giúp đỡ nên vợ chồng họ có một căn hộ khang trang. Tuy nhiên, bếp núc luôn lạnh tanh. Cưới nhau một thời gian thì Minh ngán ngẩm vì ngày nào cũng cơm hộp. Riết rồi mẹ chồng cũng biết và hỏi han, Thanh giãi bày: “Ngày nào con cũng đi làm về trễ, thời gian đâu mà nấu nướng nên phải cơm hộp thôi mẹ ơi!”.
Minh họa: NGUYỄN TÀI
Họ hầu như chẳng nấu nướng, dọn dẹp gì nên cả vợ chồng quen tính lười. Ăn mì gói thì chỉ chọn mì ly hay mì tô để dẹp gọn và nhanh. Khi công việc lu bù, vợ chồng phần ai nấy ăn, cuối tuần về nhà ba mẹ, họ mới có được bữa cơm gia đình. Vợ không phải lo đi chợ, lên thực đơn, dẹp dọn. Chồng cũng khỏe vì không phải đụng tay vào mấy chuyện vụn vặt. Một, hai tháng đầu ăn cơm hộp, cuộc sống của họ diễn ra suôn sẻ nhưng chẳng bao lâu thì Minh chỉ lo lao vào công việc hoặc đi lai rai với bạn bè, tiếp khách hàng… mà chẳng nghĩ tới việc ăn cơm cùng vợ.
Bếp lạnh, tình cảm nguội
Còn vợ chồng Hoa - Hòa (ngụ quận 6, làm việc ở quận 5 – TPHCM) ở gần khu ẩm thực của người Hoa nên 6 tháng sau khi cưới họ vẫn thấy cơm hộp ngon lành. Sáng sớm chia tay, tối mịt về nhà gặp nhau vì phải làm thêm ngoài giờ, họ không trách cứ hay cãi vã nhưng… việc ai nấy làm, chuyện ai nấy lo, tình cảm ngày càng lợt lạt. Gian bếp trong căn hộ tiện nghi của họ rất ít khi đỏ lửa. Hoa nói: “Xã hội càng hiện đại thì chúng ta phải bỏ những thủ tục rườm rà, những bạn trẻ bận rộn như tôi đều chọn ăn cơm hộp và có lẽ đó là giải pháp tốt nhất…”.
Có đêm, Hòa về tới nhà thấy vợ đã ngủ nên thôi ý định kể chuyện này chuyện nọ. Những lúc Hoa có việc quan trọng định bàn với chồng nhưng thấy anh căng thẳng bên những bản vẽ, cô đành lẳng lặng tìm cách giải quyết. Cuối tuần, họ mới gặp nhau trong bữa ăn tối nhưng cũng thường xuyên ăn… cơm hộp. Thấy tình cảm của vợ chồng Hoa có phần lạnh nhạt, bố mẹ cô gọi cả hai về nhà ăn cơm để nhắc nhở. Họ bảo vẫn đang rất hạnh phúc, chỉ có điều… ít có thời gian đi chơi, thư giãn, ít ăn cơm nhà hơn người ta. Sinh nhật Hoa, vì muốn tạo bất ngờ cho chồng nên Hoa nấu ăn, bài trí sẵn ở nhà để cả hai cùng có bữa tiệc nhỏ ấm áp, lãng mạn. Thế mà chờ mãi, đã quá 22 giờ mà chồng vẫn không về. Hoa cười méo xệch: “Bận quá, có lúc sinh nhật anh ấy mình cũng quên mà”.
Ở riêng, ăn cơm hộp thì có thể hiểu nhưng như H.Ngọc (nhân viên ngân hàng ở quận 1) thì hơi quá đáng. Dù ở chung với ba mẹ chồng nhưng vợ chồng Ngọc vẫn ăn riêng vì… ăn chung thì Ngọc phải phụ đi chợ, nấu nướng mà cô ấy chỉ muốn đi làm về là ngủ một giấc mới tính tới chuyện ăn! Hôm rồi, mẹ chồng Ngọc bực quá cũng có lên tiếng trách cứ, nếu Ngọc không sửa đổi chắc sẽ to chuyện hoặc phải ra riêng!
Đừng để bếp nhà nguội lạnh Cơm hộp có thể tiết kiệm thời gian cho người bận rộn nhưng cũng mang đến sự tẻ nhạt, lỏng lẻo trong quan hệ gia đình và đặc biệt là trong chuyện vợ chồng làm ảnh hưởng xấu đến hạnh phúc gia đình. Dù cuộc sống hiện đại và bận rộn đến mấy, phụ nữ vẫn luôn là người xây tổ ấm và giữ vai trò quan trọng trong mỗi gia đình. Người vợ khôn ngoan luôn để bếp nhà đỏ lửa, duy trì bữa cơm gia đình để không khí ấm áp, “kéo” chồng con về nhà cùng chia sẻ bao điều trong cuộc sống và luôn hướng về nhau. Thanh Mai (Công ty Tư vấn tâm lý A.V.S) |
Nguyễn Xuân Hương
Theo NLĐ
0 nhận xét