Có bệnh nhân mức độ nhẹ nhưng được chuyển lên tuyến trên dẫn đến quá tải bệnh viện; có trường hợp chẩn đoán thấp hơn về mức độ nặng khiến việc điều trị không kịp thời, dẫn đến tử vong
Điều trị cho trẻ mắc bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM). Ảnh: Anh Thư
Dịch bệnh tay chân miệng đang bùng phát ở mức báo động với gần 71.500 trường hợp mắc phủ khắp các tỉnh, TP; 130 trường hợp tử vong. Ngày 18-10, tại buổi tập huấn điều trị bệnh tay chân miệng cho bệnh viện các tỉnh phía Bắc, giới chuyên môn đã giải mã nguyên nhân tử vong.
Không có biểu hiện lâm sàng đặc trưng
Một số bác sĩ cho rằng không chỉ người dân lúng túng mà nhân viên y tế cũng gặp khó khăn khi tiếp nhận và điều trị cho một số lượng lớn bệnh nhân. Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc của Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM), cho biết những năm trước bệnh chỉ xuất hiện lẻ tẻ nhưng thời gian qua, lượng bệnh nhân tăng đột ngột khiến nhân viên y tế, nhất là tuyến cơ sở, lúng túng trong phân loại và điều trị. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ tử vong tăng nhanh.
Theo bác sĩ Tiến, bệnh tay chân miệng tương đối giống với nhiều bệnh lý khác nên đã có những trường hợp chẩn đoán nhầm do không có biểu hiện lâm sàng đặc trưng. “Trẻ mắc tay chân miệng đôi khi biểu hiện lâm sàng là sốt cao liên tục, khò khè, thở rít, suy hô hấp… Đây cũng là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác như hen, viêm phế quản, viêm phổi, sốt xuất huyết, sốt phát ban. Thực tế đã có những bệnh nhân không có sốt, không nổi ban nên dễ gây tâm lý chủ quan cho gia đình và bác sĩ điều trị thiếu kinh nghiệm, nhưng đây lại là trường hợp rất cần lưu ý” - bác sĩ Tiến nói.
Phân loại bệnh không chính xác
Một lỗi khá thường gặp khác được bác sĩ Tiến nêu ra là ngay cả khi bác sĩ đã chỉ đích danh bệnh nhân mắc tay chân miệng thì lại xuất hiện tình trạng phân loại bệnh sai. Có bệnh nhân mức độ nhẹ nhưng vẫn được chuyển lên tuyến trên dẫn đến quá tải bệnh viện; có trường hợp chẩn đoán thấp hơn về mức độ nặng khiến việc điều trị không kịp thời, dẫn đến tử vong. “Ngay tại một bệnh viện tuyến cuối, lúc khám, bác sĩ chẩn đoán, phân độ lâm sàng bệnh nhân là độ 2a vì bệnh nhân có giật mình dưới 1 lần/30 phút, sốt trên 39oC, quấy khóc. Thế nhưng chỉ 5 phút sau khi được chuyển vào khoa điều trị, bệnh nhi đã ở độ 4 là mức nặng nhất của phân độ lâm sàng. Lúc ấy, bệnh nhi đã bị sốc, phù phổi cấp, tím tái…”- bác sĩ Tiến dẫn chứng.
Không được chủ quan
Chia sẻ những kinh nghiệm trong điều trị, đại diện Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho rằng dấu hiệu sốc của bệnh này không giống sốt xuất huyết, sốc nhiễm trùng… vì diễn tiến nhanh khó ngờ. Có thể chỉ trong vòng 15 phút, bệnh nhân đã rơi vào tình trạng phù phổi cấp. Đặc biệt, khi bệnh nhân đã bị sốc thì việc truyền dịch quá nhanh là nguyên dân gây phù phổi, phù não khiến bệnh nhân tử vong nhanh chóng.
TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho rằng với bệnh nhân ở thể nặng thì biến chứng viêm cơ tim và phù phổi cấp là dấu hiệu khá thường gặp. Trường hợp bệnh nhân bị viêm cơ tim cần điều trị tại chỗ thì không được vận chuyển vì thay đổi tư thế có thể gây ngừng tim và tử vong.
TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), lo ngại những năm qua, Việt Nam phải đối mặt với nhiều dịch bệnh nguy hiểm như H5N1, SARS, sốt xuất huyết… nhưng chưa khi nào số ca mắc và tử vong tăng cao như với bệnh tay chân miệng. Thách thức cho ngành y tế là đến nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vắc-xin phòng bệnh nên các bác sĩ không được chủ quan, cần cập nhật phác đồ điều trị vì dịch sẽ còn diễn biến phức tạp.
Số ca mắc thực tế có thể cao hơn nhiều Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến khuyến cáo tại TPHCM, thời điểm này đã ghi nhận gần 10.000 trường hợp tay chân miệng nhập viện. Tuy nhiên, số mắc bệnh nhưng không vào bệnh viện có thể gấp 10 lần con số trên. Đó là chưa kể người lành mang trùng là trẻ con, người lớn. Theo thống kê, chỉ 1/3 số ca mắc bệnh là ở nhà trẻ, số còn lại là trẻ rất nhỏ, chỉ vài tháng tuổi đến hơn 1 tuổi. Như vậy, có thể trẻ bị lây bệnh từ cộng đồng hoặc từ chính những người thân. Do vậy, với trẻ mắc tay chân miệng cần được tái khám hằng ngày trong 7-8 ngày; cần đưa đến viện ngay khi sốt cao liên tục, li bì, giật mình, vã mồ hôi, run giật tay, yếu chi, da nổi ban… |
Ngọc Dung
NLĐ
0 nhận xét