Hướng ra cho xuất khẩu trái cây là ĐBSCL cần có vùng nguyên liệu trái cây đủ lớn, ổn định và sản xuất sạch theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP
Dù là trái cây xuất khẩu chủ lực nhưng lượng thanh long không đạt chuẩn xuất khẩu vẫn còn rất nhiều nên phải đưa ra lề đường để bán
Diện tích cây ăn trái toàn vùng ĐBSCL khoảng 285.800 ha, chiếm 36% diện tích cây ăn trái của cả nước, đứng vị trí số 1 về sản lượng (sản lượng năm 2010 đạt 2,93 triệu tấn). Trong đó có nhiều loại trái ngon xuất khẩu như xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn, bưởi Năm Roi… Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu thấp, chưa tương xứng với tiềm năng của vùng.
Thiếu sản lượng xuất khẩu
Việt Nam có nhiều loại trái cây ngon, có tiếng như: thanh long Chợ Gạo (Tiền Giang), dứa Tân Phước (Tiền Giang), chôm chôm (Bến Tre, Vĩnh Long), cam sành (huyện Tam Bình, Vĩnh Long), bưởi Năm Roi Mỹ Hòa (Vĩnh Long)… Bưởi ở ĐBSCL cho trái quanh năm. Điều này đã tạo nên lợi thế cho trái cây Việt Nam. Thế nhưng, do diện tích trồng trái cây ở ĐBSCL manh mún, nhỏ lẻ nên không đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu.
Xoài cát Hòa Lộc là loại trái nổi tiếng ở thị trường nội địa, chủ yếu được xuất sang Nhật Bản. Ở HTX Xoài cát Hòa Lộc (xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) chỉ có 19 hộ sản xuất với diện tích 22 ha. Thạc sĩ Đoàn Hữu Tiến, bộ môn nghiên cứu thị trường - Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam, cho biết: “Xoài cát Hòa Lộc mỗi năm xuất khẩu chưa tới 100 tấn. Còn vú sữa Lò Rèn năm 2010 chỉ xuất được khoảng 30 tấn. Đây là những loại trái ngon nhưng diện tích trồng quá khiêm tốn”. Theo ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch UBND xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, phía đối tác Nhật có đề nghị ký hợp đồng với HTX Xoài cát Hòa Lộc để nhập khẩu loại trái cây này với số lượng lớn nhưng sản lượng xoài ngon quá ít, không đủ cung cấp.
Còn theo số liệu của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu rau quả 8 tháng đầu năm 2011 đạt kim ngạch 405 triệu USD nhưng không phân chia có bao nhiêu rau, bao nhiêu quả; trong đó cũng không thống kê cụ thể sản lượng xuất khẩu của các loại trái thanh long, chuối, dứa...
TS Nguyễn Văn Hòa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam, bày tỏ: “Trái cây xuất qua đường chính ngạch ít nhưng đi theo đường tiểu ngạch thì nhiều song cũng chỉ được thống kê chung chung nên việc kịp thời điều chỉnh tăng hoặc giảm diện tích trồng cây ăn trái nếu xuất khẩu tăng hoặc sụt giảm là điều rất khó”.
Cần “nhạc trưởng” và liên kết vùng
Ở ĐBSCL, chuối già được trồng xen canh với nhiều loại cây ăn trái khác và ít ai ngờ rằng loại trái này được xuất khẩu nhiều sang Trung Quốc. Khoảng giữa năm 2011, chuối già bỗng dưng “có giá”, từ 7.000 đến 10.000 đồng/kg, làm nhiều nhà vườn tại huyện Cầu Kè (Trà Vinh), Tam Bình, Trà Ôn (Vĩnh Long)… đổ xô trồng chuối. Những năm trước, tại tỉnh Tiền Giang, khi thấy sầu riêng có giá thì nhà vườn đốn nhãn trồng sầu riêng, sang năm thấy nhãn có lợi nhuận cao thì trồng lại... Việc trồng cây theo phong trào làm nông dân thường xuyên gặp cảnh hàng dội chợ, ế ẩm.
Thạc sĩ Đoàn Hữu Tiến nhận xét: “Nông dân không biết lượng cung trên thị trường nên cứ thấy loại nào có giá là ồ ạt trồng, khi đem bán chỉ biết trông vào may rủi...”. Để giải quyết điều này, theo ông Tiến, cần có quy hoạch từng vùng, từng mùa vụ trong năm, đồng thời tổ chức nông dân theo hệ thống tổ, nhóm, liên kết chặt chẽ và ký hợp đồng với doanh nghiệp.
Còn theo TS Nguyễn Văn Hòa: “Hướng ra cho việc này là cần tổ chức sản xuất lớn, mỗi HTX phải có từ vài trăm hoặc vài ngàn hecta, phải có người đứng đầu nắm các đầu mối và am hiểu thị trường…”. Ông Hòa cũng cho biết thêm Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam đang phối hợp với Trường ĐH Cần Thơ làm đề án liên kết vùng cho trái cây ĐBSCL. Mỗi tỉnh, chọn từ 1-2 loại trái cây chủ lực và theo dõi từ khâu trồng đến thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm, đồng thời sẽ liên kết với các tỉnh khác trồng cây đó, như thế mới bảo đảm có số lượng lớn trái cây đạt chuẩn xuất khẩu.
Nhiều nhà chuyên môn còn cho rằng nhất thiết phải có “nhạc trưởng” chỉ huy để hỗ trợ phát triển vùng chuyên canh, phân bổ tỉnh nào trồng cây gì, phân tích nhu cầu nội địa bao nhiêu, xuất khẩu bao nhiêu và các địa phương sẽ sản xuất theo nhu cầu đó…
Nên trồng theo tiêu chuẩn GAP Ông Nguyễn Văn Ngã, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch Thực vật Vùng II, cho biết: “Nhu cầu nhập khẩu trái cây trên thế giới hiện rất lớn nhưng gần đây, nhiều nước nhập khẩu đòi hỏi cao về tiêu chuẩn, chất lượng, kể cả phải chứng minh cho được vùng trồng, phương thức canh tác, sản xuất phải đạt được tiêu chuẩn an toàn”. Ngoài ra, cũng theo ông Ngã, phía Nhật, Mỹ, Hàn Quốc còn đòi hỏi trái cây xuất sang họ phải được xử lý chiếu xạ… Thị trường EU có nhu cầu lớn, trong khi nguồn cung từ Thái Lan bị thu hẹp. Đây là cơ hội lớn cho trái cây Việt Nam, song khả năng đáp ứng của trái cây Việt Nam còn rất khiêm tốn, giá thành sản xuất trong nước quá cao, khâu lưu thông qua quá nhiều công đoạn nên khó cạnh tranh với trái cây các nước khác... Theo khuyến cáo của Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam, ĐBSCL cần có vùng nguyên liệu trái cây ổn định, chất lượng và sản xuất sạch theo tiêu chuẩn GAP (Good Agriculture Practices - những nguyên tắc về bảo đảm sản xuất, an toàn, sạch sẽ), như GlobalGAP, VietGAP thì mới xuất khẩu được số lượng lớn và xâm nhập những thị trường khó tính. Hiện mới có một số vùng trồng trái cây đạt chuẩn GlobalGAP, như: vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang); xoài cát Hòa Lộc (Nông trường Sông Hậu, Cần Thơ); bưởi Năm Roi Mỹ Hòa (huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long); chôm chôm (xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre). |
Bài và ảnh: Ca Linh
Theo NLĐ
0 nhận xét