Ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô vẫn được Chính phủ đặt lên hàng đầu tại mục tiêu tổng quát của kế hoạch 2012.
Từ mục tiêu này, các chỉ tiêu kinh tế sẽ là GDP tăng khoảng 6- 6,5%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 12 – 13,1%; nhập siêu khoảng 11,5 – 12% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước 740,5 nghìn tỷ đồng, tổng chi 903,1 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ bội chi bằng 4,8% GDP.
Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 33,5 – 34% GDP.
Như vậy, ngoại trừ chỉ số tăng giá tiêu dùng (CPI) vẫn giữ nguyên mức tăng dưới 10%, các chỉ tiêu khác hầu hết đã được “du di” khi chỉ còn một kịch bản tăng trưởng.
Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ, trong tổ chức thực hiện kế hoạch năm sau sẽ cân đối điều hành với mức tăng trưởng GDP khoảng 6%. Khi điều kiện thuận lợi hơn sẽ phấn đấu đạt mức tăng trưởng khoảng 6,5%.
Riêng các chỉ tiêu xã hội và bảo vệ môi trường dự kiến thống nhất theo hướng tích cực trên cơ sở quán triệt quan điểm phải bảo đảm mục tiêu an sinh xã hội và bảo vệ môi trường trong cả điều kiện khó khăn nhất, báo cáo viết.
Tại báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế thống nhất với các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế, xã hội và môi trường theo báo cáo của Chính phủ.
Cơ quan thẩm tra cho rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2012 khoảng từ 6% - 6,5% là tiền đề để phấn đấu đạt kết quả cao hơn trong 4 năm cuối của Kế hoạch 5 năm, nhằm đạt mức cận dưới (tốc độ tăng trưởng kinh tế 7%) của chỉ tiêu Kế hoạch 5 năm theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng 11.
"Chỉ tiêu này có thể đạt được và không mâu thuẫn với mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nếu phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế", báo cáo thẩm tra nhấn mạnh.
Kiên trì quan điểm tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng phải được kiểm soát ở mức một con số, theo Ủy ban Kinh tế, để đạt được chỉ số này Chính phủ phải kiên định với mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Phân tích tại báo cáo thẩm tra cho thấy, năm 2012 được dự báo sẽ ít có khả năng biến động lớn về giá hàng hóa thế giới. Vì vậy, tỷ giá sẽ đóng vai trò chủ yếu trong việc quyết định giá cả hàng hóa dịch vụ xuất, nhập khẩu. chính sách tỷ giá nếu được duy trì ổn định sẽ góp phần kiểm soát chỉ số tăng giá hàng tiêu dùng.
Đối với giá cả hàng hóa được sản xuất và tiêu thụ trong nước, khó tăng giá đột biến nếu các chính sách tác động vào tổng cung, tổng cầu được thực hiện phù hợp, không làm tăng thêm quy mô đầu tư từ ngân sách nhà nước và quản lý đầu tư công, chi tiêu công một cách chặt chẽ, nghiêm ngặt và tăng trưởng tín dụng dưới 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP dự kiến.
Với quan điểm xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 cần đặt trong tổng thể Kế hoạch 5 năm, cơ quan thẩm tra nêu rõ: 2012 phải là năm khởi động xây dựng hệ thống chính sách, giải pháp, nhằm tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô và cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.
Theo VnEconomy
0 nhận xét