Ông Phùng Đình Thực. |
- Đúng vậy, hiện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có nhiều thuận lợi. Với truyền thống 50 năm và hơn 36 năm xây dựng, phát triển, đến nay PVN đã trở thành tập đoàn mạnh của cả nước. Chúng tôi đã xây dựng được nền công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh từ khâu tìm kiếm, thăm dò và khai thác, chế biến, lọc hóa dầu - khí đến tàng trữ phân phối sản phẩm. PVN cũng khẳng định vai trò tiên phong, đầu tàu trong nền kinh tế với hằng năm đóng góp 30% cho ngân sách Nhà nước. Đặc biệt, những năm gần đây sản xuất kinh doanh của PVN liên tục tăng cao, tăng nhanh.
Năm 2011, kế hoạch doanh thu của tập đoàn là 500.000 tỷ đồng, song dự kiến đạt 640.000 tỷ đồng, nộp ngân sách 155.000 tỷ đồng, vượt 55.000 tỷ đồng (tương đương vượt 2,7 tỷ USD) so với kế hoạch. Tập đoàn tích cực đóng góp an sinh xã hội với đăng ký 600 tỷ, dự kiến thực hiện 715 tỷ đồng, chiếm 95% (715 tỷ đồng/750 tỷ đồng) của cả khối kinh tế. Bên cạnh thuận lợi, chúng tôi cũng có rất nhiều khó khăn, phức tạp.
- Đó là những khó khăn gì, thưa ông?
- Các dự án của ngành dầu khí nhiều, trong đó có nhiều dự án khó, phức tạp và lớn. Trong số này phải kể đến các dự án thăm dò khai thác dầu khí khu vực nước sâu, dự án lọc hóa dầu mới, dự án nhiệt điện than, dự án khai thác dầu khí tại Venezuela… Dự án nhiều trong khi cán bộ của ngành dầu khí, đặc biệt cán bộ trình độ cao đang mỏng, đang thiếu.
Trong bối cảnh suy thoái kinh tế thế giới chưa phục hồi tiếp tục ảnh hưởng đến Việt Nam, đến PVN, chắc chắn việc thu xếp vốn cho các dự án sẽ gặp nhiều khó khăn. Nguồn tài nguyên dầu khí, đặc biệt các mỏ lớn ngày càng khan hiếm. Chúng tôi phải tìm nơi xa hơn, nước sâu hơn, điều kiện địa chất phức tạp. Tình hình đó đòi hỏi PVN phải tổ chức nghiên cứu, triển khai chuyên nghiệp hơn, chi phí tốn kém hơn. Trong quá trình triển khai nhiệm vụ tại thềm lục địa Việt Nam, chúng tôi còn vấp phải sự cản phá của các lực lượng nuớc ngoài vi phạm chủ quyền Việt Nam. Bên cạnh đó việc đầu tư ra nước ngoài với quy mô lớn hơn trong điều kiện canh tranh quốc tế quyết liệt.
- Với những thuận lợi, khó khăn đó, PVN sẽ làm gì để thực hiện chiến lược tăng tốc?
- Chúng tôi nhận rõ nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt cả nhiệm kỳ là lãnh đạo và tổ chức thực hiện thắng lợi giai đoạn một (đến năm 2015) của Chiến lược tăng tốc phát triển. Trong chiến lược đó, chúng tôi đã xác định rõ 5 nhiệm vụ cốt lõi. Đó là: Tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí; Lọc hóa dầu; Công nghiệp khí; Công nghiệp điện; Dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao.
Trong đó công tác tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí là nhiệm vụ trọng tâm cốt lõi nhất. Phát hiện được một mỏ mới, đưa một mỏ mới vào khai thác là tạo được bước nhảy vọt mới của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, nhiều mỏ mới sẽ tạo ra nhiều bước nhảy vọt mới, kéo theo các lĩnh vực khác cùng phát triển.
Việc tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí thực hiện ở cả trong và nước ngoài. Trong nước, bên cạnh khu vực truyền thống, tập đoàn sẽ phát triển ra khu vực mới: nước sâu xa bờ. Ở nước ngoài, chúng tôi xác định địa bàn hoạt động: LB Nga, các nước SNG Uzbekistan, Azerbaizan, Kazakhstan; Khu vực Châu Mỹ La tinh: với trung tâm Venezuela; Khu vực Châu Phi, Đông Nam Á. Trong đó địa bàn chính là LB Nga và các nước SNG. Thành công vừa qua tại khu vực Nhenhetxky, LB Nga chỉ trong vòng hai năm đã đưa hai mỏ vào khai thác với sản lượng năm 2011 đạt 1,5 triệu tấn đã khẳng định điều đó.
Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất ở nhiều lĩnh vực chính, chúng tôi tiếp tục rà soát công tác đầu tư, thực hiện tốt NQ 11 của Chính phủ; Tiếp tục tái cơ cấu doanh nghiệp tập trung vào lĩnh vực cốt lõi, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh. Ngoài ra, chúng tôi dành một phần nguồn lực nghiên cứu đầu tư năng lượng tái tạo, năng lượng mới, nhập khẩu năng lượng thay thế LNG, CNG, chuẩn bị tiền đề cho những bước xa hơn.
PVN đã đặt ra những giải pháp đột phá để thực hiện mục tiêu chiến lược. |
- Để thực hiện thắng lợi Chiến lược tăng tốc trên, chắc chắn phải có các giải pháp đột phá. Đó là những giải pháp gì, thưa ông?
- Đúng vậy, chúng tôi đã đề ra 3 giải pháp đột phá: Đó là giải pháp đột phá về con người; về khoa học công nghệ và giải pháp về quản lý. Trong đó, tập đoàn sẽ dành nhiều thời gian, công sức cho giải pháp xây dựng lực lượng cán bộ (bao gồm cả phát hiện, đào tạo và sử dụng). Chúng tôi nhận thức, PVN phát triển mạnh, bền vững nhờ yếu tố quyết định là cán bộ. Vì vậy phải giải đồng thời hai bài toán: vừa đáp ứng nhu cầu cán bộ cho giai đoạn trước mắt, đồng thời chuẩn bị xây dựng lực lượng lâu dài. Trong chương trình đào tạo, chúng tôi sẽ đào tạo đồng bộ cả ba loại cán bộ: cán bộ lãnh đạo, cán bộ khoa học công nghệ đầu ngành và cán bộ quản lý sản xuất kinh doanh. Đào tạo để đáp ứng ba mục tiêu: Hướng tới hiện đại, chuyên nghiệp; hướng ra thế giới; hướng tới tương lai.
- Người ta nhắc nhiều đến Văn hóa Dầu khí. Ông có thể giải thích rõ hơn?
- Đồng thời đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, chúng tôi tiếp tục và kiên trì xây dựng nền tảng Văn hóa Dầu khí vừa đậm đà bản sắc dân tộc vừa mang màu sắc dầu khí. Văn hóa Dầu khí mà chúng tôi xây dựng là: Đoàn kết - Kỷ cương; Chất lượng - Hiệu quả; An toàn - Chắc chắn; Nhân ái - Trách nhiệm; Vì PVN phát triển bền vững; Vì Tổ quốc Việt Nam phồn vinh.
Chúng tôi xây dựng nền Văn hóa Dầu khí để cán bộ, công nhân viên trong ngành hiểu rằng, ngành Dầu khí không phải của riêng ai mà của cả tập đoàn và của cả nước. Vì cả nước nên chúng tôi có trách nhiệm tạo điều kiện, hỗ trợ, hợp tác với các ngành, các địa phương vì sự nghiệp chung. Xây dựng Văn hóa Dầu khí trên cơ sở phát huy nét đẹp truyền thống, tiếp thu văn minh hiện đại, đồng thời loại bỏ thói văn hóa xấu, đạo đức xấu trong đời sống, trong kinh doanh, xây dựng đạo đức lối sống, đạo đức kinh doanh của một xã hội tiên tiến, văn minh.
Phương châm hành động của chúng tôi là: Đồng tâm hiệp lực – Đổi mới hội nhập – Phát triển bền vững. Trong đó Đồng tâm hiệp lực là tiền đề, Đổi mới hội nhập là phương tiện, Phát triển bền vững là mục tiêu. Mục tiêu và trách nhiệm của thế hệ này phải làm là xây dựng Tập đoàn Dầu khí ổn định và phát triển bền vững.- Xin cảm ơn ông!
0 nhận xét