Tập đoàn Đóng tàu Thống nhất của Nga (OSK) tiết lộ nước này sẽ khởi động dự án đóng mới hàng loạt tàu sân bay nguyên tử từ năm 2016. Dự kiến, những chiếc đầu tiên sẽ được hoàn thành vào năm 2023.
Tuy nhiên, hai câu hỏi lớn đặt ra là làm thế nào để có tiền thực hiện dự án và các tàu sân bay đóng mới sẽ được sử dụng theo học thuyết nào. Có nhiều hoài nghi về dự án này.
Các phát biểu mâu thuẫn
Ngày 29-6-2011, Chủ tịch OSK, ông Roman Trotsenko khẳng định nước Nga cần có các tàu sân bay. Một ngày sau đó, đích thân ông Trotsenko tuyên bố Nga sẽ bắt tay đóng mới một tàu sân bay vào năm 2018. Chiếc tàu này sẽ được hoàn thành vào năm 2023. Tuy nhiên, người đứng đầu OSK không tiết lộ cụ thể thời gian tiến hành thử nghiệm cũng như việc đưa chiếc tàu này vào biên chế cho Hải quân Nga.
Hiện tại, tàu sân bay có trong biên chế hải quân các nước Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Argentina, Brazil, Italy, Tây Ban Nha, Ấn Độ và Thái Lan. Nhiều khả năng, Trung Quốc cũng sẽ sớm gia nhập danh sách này. Ngoài ra, Nhật Bản cũng là quốc gia có khả năng chế tạo tàu sân bay.
Hồi tháng 6-2009, Tư lệnh Hải quân Nga Vladimir Vysotsky cho biết lực lượng này sẽ được biên chế các tàu sân bay hiện đại được trang bị công nghệ tiên tiến về hải quân, không quân và vũ trụ, cũng như các lĩnh vực khác để thay cho tàu sân bay thế hệ cũ. Ngày 30-6-2011, Chủ tịch OSK Trotsenko đã làm sáng tỏ thêm chương trình chế tạo tàu sân bay tương lai của Nga khi cho biết đây là con tàu chạy bằng năng lượng nguyên tử và có lượng choán nước 80.000 tấn. Trước đây, chiếc tàu sân bay lớn nhất do Liên Xô chế tạo chỉ có lượng choán nước 50.000 tấn.
Trước đó, đầu tháng 12-2010, truyền thông Nga đưa tin rằng đến năm 2020, Nga sẽ bắt đầu chế tạo một loạt 4 chiếc tàu sân bay mới. Công tác soạn thảo tài liệu thiết kế kỹ thuật đã được bắt đầu. Người ta đồn đoán rằng kinh phí chế tạo 4 chiếc tàu này sẽ được lấy từ ngân sách chương trình trang bị vũ khí giai đoạn 2011-2020 của Nga, có giá trị 20.000 tỷ rúp. Nhưng ngay sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov lại bác bỏ thông tin về việc Nga chế tạo tàu sân bay mới khi nói rằng quân đội không có kế hoạch mua những con tàu như vậy. Phó Thủ tướng Nga Sergei Ivanov cũng lên tiếng tán thành tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Serdyukov, đồng thời nhấn mạnh kinh phí chế tạo tàu sân bay không nằm trong chương trình mua sắm vũ khí quốc gia. Ông Ivanov còn cho biết thêm, chương trình trên không tính đến việc chế tạo các máy bay trang bị cho tàu sân bay mà Tổng Giám đốc Cơ quan Thiết kế Trung ương (SKB) từng tuyên bố. Thứ trưởng thứ nhất Bộ Quốc phòng Nga Vladimir Popovkin cũng không hề đả động tới việc chế tạo tàu sân bay dù ông này nói rất nhiều về chương trình mua sắm vũ khí quốc gia. Chính vì lẽ đó, việc ông Chủ tịch OSK Trotsenko nói rằng Nga sẽ chế tạo tàu sân bay là phát biểu hết sức bất ngờ.
Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov của Nga |
Nga sẽ đóng tàu sân bay loại nào?
Trên thế giới hiện có 3 loại tàu sân bay, gồm CATOBAR (Sử dụng máy phóng và hạ cánh bằng cáp hãm đà), STOBAR (Cất cánh bằng đường băng ngắn và hạ cánh bằng cáp hãm đà) và loại STOVL (Cất cánh bằng đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng).
Đối với loại CATOBAR, giống như tàu sân bay Abraham Lincoln của Mỹ, các máy bay cất cánh từ boong tàu nhờ một máy phóng và hạ cánh nhờ cáp hãm. Loại thứ hai là STOBAR được lắp đặt thêm thiết bị lấy đà. Máy bay cất cánh từ boong tàu chỉ nhờ lực phản lực từ động cơ đẩy vào thiết bị lấy đà và cũng hạ cánh nhờ cáp hãm. Tàu sân bay duy nhất của Nga hiện nay là tàu Đô đốc Kuznetsov thuộc loại này. Loại tàu sân bay thứ 3 thường sử dụng các máy bay tiêm kích cất cánh chạy đà ngắn và có khả năng hạ cánh thẳng đứng. Tàu sân bay Principe de Asturias của Tây Ban Nha thuộc loại này.
Đến nay vẫn chưa rõ, Nga sẽ chế tạo tàu sân bay mới thuộc loại nào trong số 3 loại kể trên. Lượng choán nước lớn của tàu sẽ cho phép lắp đặt các máy phóng và cáp hãm. Trong trường hợp này không loại trừ khả năng Nga sẽ đóng các tàu sân bay mới trên cơ sở dự án 1143.7 Ulyanovsk - Tàu sân bay nguyên tử loại CATOBAR được khởi công xây dựng từ năm 1984 nhưng bị dừng lại giữa chừng vào năm 1991 do thiếu kinh phí.
Theo thiết kế, tàu sân bay Ulyanovsk có lượng choán nước 74.000 tấn và được trang bị 4 lò phản ứng hạt nhân KN-3. Tàu dài 323,7 m, rộng 78 m và có mớn nước 10,7 m.Ulyanovsk có khả năng mang theo 70 máy bay, gồm trực thăng Ka-27, Ka-31, máy bay tiêm kích MiG-29K, Su-33 và máy bay chỉ huy và phát hiện sớm từ xa Yak-44. Ulyanovsk dự kiến được trang bị 2 máy phóng, một thiết bị lấy đà và cáp hãm.
Máy bay Su-33 hạ cánh trên tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov |
Cần tàu sân bay để làm gì?
Cho đến nay, thông tin về việc Nga thực hiện dự án đóng mới các tàu sân bay nguyên tử rất hạn chế. Ngay cả Chủ tịch OSK Trotsenko cũng không tiết lộ về ngân sách, chiến lược sử dụng các tàu sân bay mới này khi được đưa vào trang bị cho Hải quân Nga. Việc chế tạo tàu sân bay đòi hỏi kinh phí rất lớn. Như các tàu sân bay lớp Nimiz của Mỹ có giá thành trung bình khoảng 5 tỷ USD. Còn Ấn Độ phải chi tới 2 tỷ USD chỉ để tu sửa, hiện đại hóa và sắm 16 máy bay MiG-29 cho chiếc Đô đốc Gorshkov mua lại của Nga năm 2000. Trong khi đó, một chiếc tàu sân bay có lượng choán nước khoảng 80.000 tấn cần trang bị tối thiểu 60 máy bay chiến đấu.
Ngoài ra, một chiếc tàu sân bay sẽ không thể hoạt động độc lập. Nó cần có các tàu hộ vệ đi cùng. Chúng giúp tàu sân bay bảo đảm phòng không và chống ngầm, dù tàu sân bay cũng có các vũ khí này. Không những thế, một chiếc tàu sân bay khổng lồ đòi hỏi phải có cơ sở hạ tầng tốt, không chỉ bảo đảm nơi đồn trú mà còn cung cấp các dịch vụ sửa chữa và bảo trì.
Nga hiện còn một tàu sân bay là chiếc Đô đốc Kuznetsov thuộc biên chế Hạm đội Biển Bắc. Chiếc tàu sân bay này được đưa vào trang bị cho Hải quân Nga từ ngày 20-1-1991. Như vậy, nó đã có "thâm niên" 20 năm, trong khi thời hạn phục vụ của một tàu sân bay trung bình là 50 năm. Chưa kể khoảng thời gian lên tới 10 năm để hoàn thiện, trang bị vũ khí đầy đủ cho Kuznetsov trước đó, kể từ khi khởi công vào ngày 2-9-1982.
Tàu sân bay USS Enterprise của Mỹ |
Các chuyên gia cũng đặt ra câu hỏi Hải quân Nga sẽ sử dụng các tàu sân bay mới như thế nào. Trên thực tế, chỉ với chiếc Kuznetsov duy nhất, người ta đã lúng túng với việc tìm "việc làm" cụ thể cho nó. Bên cạnh đó, việc sở hữu nhiều tàu sân bay sẽ khiến Nga bị liệt vào danh sách các cường quốc "hiếu chiến" thường tiến hành các chiến dịch quân sự ở nước ngoài. Mỹ là một ví dụ điển hình. Hải quân nước này hiện có tới 11 chiếc tàu sân bay (có tài liệu cho rằng Mỹ có 13 chiếc). Một trong số đó là chiếc USS Enterprise đang tham gia liên quân chống Libya. Trong khi đó, Nga đang theo đuổi chiến lược phòng thủ và không tiến hành các chiến dịch quân sự ở nước ngoài. Như vậy, về mặt lý thuyết, tàu sân bay chỉ có thể sử dụng để phòng thủ quần đảo Kuril trong trường hợp tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản trở nên căng thẳng.
Tuy nhiên, giới quân sự lại có quan điểm khác. Tướng lĩnh Hải quân Nga cho rằng nước Nga cần phải có các tàu sân bay để tiêu diệt các chiến hạm của đối phương, để chống ngầm và tiêu diệt các mục tiêu ven bờ cũng như ở sâu trong lãnh thổ của kẻ thù, để chiếm ưu thế trên không tại các khu vực tác chiến, phong tỏa các khu vực biển và eo biển.
Trước đây, Tư lệnh Hải quân Nga Vysotsky cho rằng Nga cần có tàu sân bay để thực hiện nhiệm vụ yểm trợ cho các tàu ngầm nguyên tử chiến lược. Theo Tư lệnh Vysotsky, nếu Nga không có tàu sân bay ở khu vực phía Bắc thì khả năng chiến đấu của các tàu ngầm được trang bị của Hạm đội Biển Bắc gần như bằng không bởi đối thủ chính của chúng là không quân. Các tàu sân bay sẽ đảm trách tốt nhiệm vụ phòng không.
Chính vì các lý do trên, Nga cần phải suy xét kỹ khi quyết định chế tạo tàu sân bay, cũng như bất kỳ loại tàu nào khác. Việc xây dựng hải quân đòi hỏi phải mất hàng thập kỷ. Trong thời gian đó, tình hình kinh tế, chính trị của Nga cũng như trên thế giới có thể có nhiều biển đổi đáng kể. Quyết định hôm nay sẽ ảnh hưởng lớn tới số phận đất nước trong tương lai.
(theo PL&XH)
0 nhận xét