Ốc đảo lũ Tân Thành
Nhà dân ngập ngang mái ngày 18.10 tại Tân Thành. |
Đến ngày 18.10, ốc đảo lũ Tân Thành (Tân Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình) mới có đội cứu đói của chủ tịch UBND huyện tiếp cận vùng lũ dữ này. Ông Nguyễn Viết Ánh, chủ tịch huyện, nhìn người dân cầm hơi bằng gạo bốc mùi mà ứa nước mắt: “Lũ dữ quá, trẻ con cũng phải kiếm gạo ướt mà ăn, may có chút mì tôm qua kịp để cầm cự với lụt”.
Tân Thành gồm 161 hộ với 675 nhân khẩu, lũ dập hoàn toàn. Nhà nào cũng lũ lên hai mét, có nhà hơn. Làng nằm giữa đồng không mông quạnh, xã chưa lụt thì làng đã lụt. Đây là trận lụt thứ tư đối với làng nhỏ giữa ốc đảo này. Bà Lê Thị Tơ 87 tuổi, chạy lụt lên nhà con, nói: “Trận lụt này thiếu mười phân nữa là bằng trận năm ngoái, nhưng nó lên hỗn quá, không cất đồ đạc kịp với nước. Vụ tám được mùa, mà chẳng ăn được, lũ ngâm lúa lên mầm rồi”.
Chúng tôi vào rốn lũ Tân Thành, cảnh làng xiêu tán vì lũ, người làng mệt nhoài nước bạc, trẻ con phờ phạc vì thiếu ăn. Gặp cháu Nguyễn Văn Huynh (học lớp 8) hỏi đi đâu, cháu nói đi xin gạo ướt nhà bên về “luộc” ăn. Cháu nói là luộc, không phải nấu, bởi gạo đã mềm ra rồi, bốc mùi chua rồi, nhưng đành phải “luộc” mà ăn nhằm cầm cự với lũ.
Chiếc thuyền cứu trợ của huyện Quảng Ninh vào làng, nhiều người gọi í ới, “cho với, cho với”. Chỉ trong chốc lát, số mì tôm cùng nước uống mang theo đã hết veo. Thương nhất nhà anh Lê Đại Chủng, nhà thấp, lũ lên gần sát nóc, nghe tiếng thuyền loạt xoạt trên mái nhà, anh đục mái ngói chui ra, xin mì tôm, nước sạch. Nhà anh đã năm ngày bị lũ dìm gần lút nóc, hai vợ chồng cùng ba đứa con phải bó gối. Gặp cứu trợ, anh Chủng nói: “Sống trên nóc nhà cả năm ngày rồi, chừ có mì tôm là đỡ đói, phải năm ngày nữa, nhà tui mới được lũ tha”. Nhận gói mì tôm, Chủng bóc ra một gói, nhai ngấu nghiến vì đói.
Cái chết thương tâm ở Tân Hoá
Anh Tâm chết để lại con thơ dại. |
Với Tân Hoá (Minh Hoá, Quảng Bình), đây là trận lũ thứ ba vùi làng vùi bản. Trong lúc nước lên, anh Trương Thanh Tâm (SN 1983), phó thôn 4 đi giúp dân chống lũ bị điện giật chết. Nhà Tâm rất nghèo, năm ngoái, lũ lịch sử cuốn trôi nhà Tâm vào hốc núi, cách làng hơn mười cây số. Nhà bị cuốn trôi, đến hốc núi tìm chỉ còn hai cái mái không, mấy cái cột rơi tuột vào hang đá. Chính quyền, người dân ủng hộ Tâm làm lại mái nhà nhỏ để vợ cùng hai đứa con trai trú ẩn. Ngày trận lũ thứ ba đang lên, Tâm để con nhỏ cùng tài sản cho vợ dọn vén, chạy thuyền độc mộc đi khắp làng giúp dân bốc đồ đạc lên nơi cao ráo, dắt trâu bò bà con lên mái đá, rèm đá chạy lụt. Giúp người làng quần quật cả ngày, việc như đã gần xong, Tâm nói với bà con thôn 4 Yên Thọ về với vợ con, không ngờ, đường điện chưa cắt, vướng vào đó, điện giật. Làng thương tiếc người phó thôn chết trẻ, tận tâm với dân bản. Cả làng đưa Tâm về nơi an nghỉ trong lũ dầm mà thương.
Tân Hoá hiện kiệt sức vì ba trận lũ. Vào nhà chị Thái Thị Thanh ở Yên Thọ, nhìn vào chạn bếp chạm nóc nhà, thấy nồi cơm chẳng có hạt nào, bao gạo hết nhẵn, còn lại chút ngô cầm cự. Chị Thanh nói: “Trận lũ đầu tiên chuẩn bị kỹ, trận lũ thứ hai cũng còn ổn chút vì lo được, trận thứ ba chạy không kịp, gạo lúa, rồi ngô sắn dự trữ trong rương ướt hết, không ai ngờ ba trận lũ sát chắc nên chủ quan, cái ăn ướt sạch thì của gì cũng bị lũ nhận chìm”.
Huyện Lệ Thuỷ chiều 18.10 trắng mênh mông nước, mưa đã ngớt nhưng lũ vẫn trên báo động III đến 0,7m khiến hơn 19.000 hộ dân vật lộn nặng nề với nước bạc. Trong khi đó tại Quảng Ninh vẫn còn hơn 10.000 hộ dân lũ vây. Ngang qua vùng lũ Gia Ninh (Quảng Ninh), anh Hoàng Văn Cường ngồi trên chiếc giường cưới kê trên bốn chiếc ghế đẩu mệt mỏi nói: “Dầm lũ cả mấy ngày, sức không còn mà chọi lụt, nước bạc mệt người lắm”.
Vừa nói, Cường vừa nhìn đàn gà bay tứ tán ngoài nước bạc, mấy lần Cường cùng vợ lội nước bắt nhốt, nhưng chúng cứ toang chuồng chạy ra, nay vì quá mệt, Cường để mấy chục con gà tự do với lũ vì lả người.
Chiều 18.10, tại Quảng Bình còn hơn 29.000 hộ dân bị ngập lụt diện rộng. Đã có 4 người chết và 8 người bị thương. Quốc lộ 1A vẫn chưa thông tuyến đoạn Hồng Thuỷ (Lệ Thuỷ), Gia Ninh (Quảng Ninh), một số vùng đồng bào thiểu số như người Rục với 600 khẩu ở Thượng Hoá (Minh Hoá) vẫn bị lũ bủa vây. Người dân vùng lũ đang rất thiếu nước sạch, lương thực, và nguy cơ các bệnh ngoài da, đau mắt đỏ. |
Bài và ảnh: Quốc Nam
Theo SGTT
0 nhận xét