Người dân vùng lũ miền Trung phải đối mặt với nhiều khó khăn như ách tắc giao thông, vỡ hồ thủy lợi
Do đường bộ bị ách tắc, học sinh Quảng Bình phải đến trường trên đường sắt. Ảnh: Hồng Ngọc
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, đến sáng 18-10, lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi đang xuống và dự báo tiếp tục xuống trong những ngày tới. Tình trạng ngập úng ở vùng trũng và đồng bằng các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi sẽ giảm dần.
Quảng Bình: Lũ dùng dằng chưa rút
Đến chiều tối 18-10, tại nhiều địa phương trong tỉnh Quảng Bình, lũ xuống rất chậm. Tại huyện Lệ Thủy, mực nước trên sông Kiến Giang vẫn trên mức báo động III, hàng ngàn ngôi nhà vẫn còn bị ngập. Mọi tuyến đường giao thông vẫn bị chia cắt. Thuyền, bè các loại vẫn là phương tiện đi lại chủ yếu của người dân.
Nước lũ ở Lệ Thủy lên nhanh, rút chậm. Tỉnh lộ 16 vào trung tâm huyện lỵ, lũ vẫn chia cắt. Nhiều tuyến đường nội thị vẫn là con sông nhỏ. Anh Nguyễn Văn Thanh, ở thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy, kéo chiếc thuyền gỗ để vận chuyển đồ đạc, than thở: “Lũ chưa xuống đã thốc ngược trở lại. May mà mực nước thấp hơn cơn lũ trước một chút, nếu không thì nguy hiểm lắm. Đồ đạc chưa khô đã ướt lại...”.
Ông Phạm Hữu Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, cho biết đến chiều 18-10, vẫn còn khoảng 19.000 nhà dân bị ngập (trong đó có nhiều nhà dân bị ngập sâu hơn 2 m); 23 trạm y tế và 71 trường học tại các xã, thị trấn đang bị ngập khá sâu. Mức độ thiệt hại vẫn chưa thống kê được vì nước chưa rút hết.
Quảng Nam: Giao thông vùng cao bị ách tắc
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Nam, lúc 9 giờ ngày 18-10, thi thể của bà Trần Thị Chín (47 tuổi) trú xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên đã được tìm thấy trên sông Thu Bồn. Trước đó, vào sáng 17-10, khi băng qua suối để đi làm, bà Chín bị nước lũ cuốn trôi. Ngoài ra, mưa lớn đã làm 726 hộ dân của 2 xã Tam Mỹ Tây và Tam Mỹ Đông, huyện Núi Thành ngập sâu trong nước, nhiều gia đình phải di chuyển đồ đạc lên sống trên thuyền. Huyện Nông Sơn cũng đã di dời khẩn cấp 25 hộ với 80 nhân khẩu đến nơi khô ráo.
Mưa lũ trong 3 ngày qua đã làm nhiều tuyến đường lên các huyện vùng cao biên giới của tỉnh Quảng Nam như Tây Giang, Nam Giang bị sạt lở, gây ách tắc giao thông.
Quảng Ngãi: Nước hồ thủy lợi mấp mé bờ đập
Mưa lớn liên tiếp trong nhiều ngày qua đã làm hàng ngàn ngôi nhà ở 2 xã Đức Phú và Đức Hòa, huyện Mộ Đức - Quảng Ngãi bị nước lũ nhấn chìm. Tuy nhiên, khi nước lũ rút, người dân lại lo ngại về sự an toàn của 4 hồ thủy lợi có tổng sức chứa lên hơn 30 triệu m3 nước, nằm phía trên của 2 xã. Hầu hết các hồ này đều nằm trên độ cao từ 16-20 m. Hiện nay, nước ở các hồ này đang ở mức mấp mé bờ đập, dễ dẫn đến vỡ đập.
Phó Chủ tịch UBND xã Đức Phú, ông Nguyễn Giáp Thìn, cho biết: “Trong mùa mưa bão, xung quanh lại có đến 4 hồ thủy lợi thì lo lắm. Lỡ có chuyện gì thì khu vực này sẽ thành biển nước”.
Thiệt hại do mưa lũ tăng lên Theo Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, đến ngày 18-10, mưa lũ tại miền Trung đã làm 7 người chết (Quảng Bình 3, Quảng Trị 3, Thừa Thiên - Huế 1), tăng 5 người so với trước đó; 14 người bị thương và 4 người mất tích; 92.154 căn nhà bị ngập; 2.170 ha lúa bị ngập; 3.556 ha hoa màu bị ngập, hư hại; 6.517 hộ dân phải di dời. Lũ tại ĐBSCL đã làm chết 48 người, 80.730 nhà bị ngập nước; 21.451 ha lúa bị ngập úng; đê bao, 1.455,7 km bờ bao bị sạt lở và 1.294 km đường giao thông nông thôn bị ngập. B.Trân |
Nhóm phóng viên
NLĐ
0 nhận xét