Nguyên nhân vẫn được cho là mất cân đối cung cầu, nên Ngân hàng Nhà nước đang tính tới khả năng cho 3 đầu mối được mở tài khoản vàng để cân đối trạng thái.
Vì sao cung cầu mất cân đối?
Trước tháng 8/2011, khi giá vàng trong nước ở mức 40 triệu đồng/lượng, những người mua vàng với giá thấp hơn trước đó đã bán vàng để thu hồi vốn thật nhanh. Lúc đó, lãi suất tiền gửi chưa bị cấm ngặt 14%/năm như bây giờ, nhiều ngân hàng vẫn huy động từ 18 - 19%/năm nên đồng vốn của họ không những được bảo toàn mà còn tiếp tục sinh lời.
Nhưng đến tháng 8/2011, nước Mỹ đứng trước nguy cơ vỡ nợ, khiến Quốc hội và chính phủ nước này buộc phải thỏa hiệp nâng trần nợ công; cùng đó, S&P đánh tụt mức độ tín nhiệm trái phiếu Chính phủ dài hạn từ AAA xuống AA+; tình hình nợ công lan rộng khắp châu Âu, đã đẩy giá vàng thế giới vọt lên mức 1.720 USD/oz.
Ông Trần Trọng Quốc Khanh, Giám đốc Trung tâm Vàng ACB phân tích: tại thời điểm đó, những người đầu cơ vàng đang muốn xả hơi sau khi đã cân đối được lợi nhuận từ chu kỳ trước nhưng đợt sốt vàng thế giới vào giữa tháng 8/2011 đã kích thích một chu kỳ mới, khiến những nhà đầu cơ quay trở lại thị trường sớm hơn mong muốn.
Trên thực tế, khi mốc 40 triệu đồng/lượng bị đứt và sau đó là 41, rồi 42 triệu… những nhà đầu cơ vàng cho rằng đây là đợt sóng lớn phải nhảy vào, khiến cho giá vàng trong nước có thời điểm tới 49 triệu đồng/lượng, cao hơn giá thế giới đến 4 triệu đồng/lượng.
“Cầu vàng trong nước quay trở lại quá sớm và do cung cầu trong nước không liên thông với thế giới là yếu tố thứ nhất tạo nên cơn sốt vàng vừa qua”, ông Khanh nói.
Thứ hai, khi giá vàng sốt dai dẳng và cao hơn giá thế giới một cách vô lý như vậy, tính từ ngày ông Nguyễn Văn Bình đảm nhiệm chức vụ Thống đốc, ít nhất Ngân hàng Nhà nước đã hai lần cấp quota cho nhập khẩu vàng. Trong đợt 1, cơn sốt vàng bị dập tắt ngay.
Nhưng chỉ hơn một tuần sau, giá vàng lại tái diễn sốt và cao hơn giá thế giới, Ngân hàng Nhà nước lại cấp quota nhưng tình hình vẫn không được cải thiện, khiến nhiều người nghĩ, liệu pháp “sốt - cấp quota” đã bị nhờn thuốc.
Tại sao đã cấp quota nhưng giá vẫn sốt? Lý giải tình trạng này, người đứng đầu tổng công ty vàng thuộc một ngân hàng thương mại nhà nước cho rằng, mặc dù vàng đã nhập khẩu nhưng do năng lực chế tác vàng miếng của SJC (vốn chiếm gần 90% thị phần) có hạn, không đáp ứng đủ cho cầu thị trường nên góp phần tạo nên cơn sốt!
Rất khó để quy kết nhà chế tác và hệ thống phân phối xung quanh nhãn hàng vàng nói trên găm vàng làm giá vì bề ngoài, mọi chuyện đang diễn ra như giải thích của nhiều người trong cuộc: “Ai cũng xuống đường trong cùng một thời điểm, tất kẹt xe”!
Thứ ba, một thực tế hiện nay, tại khu vực Tp.HCM, các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp kinh doanh vàng đang nắm giữ một khối lượng vàng lớn nhưng không được bán ra với lý do cơ chế. Nếu như ngày xưa, cho bán số vàng này, cầu được đáp ứng, giá sẽ giảm và tình trạng giá trong nước đắt hơn giá thế giới sẽ thuyên giảm, nhưng vì cứ găm trong kho cho nên số vàng này chỉ để…ngắm!
Một lý do nữa, ai cũng biết giá vàng thế giới rẻ hơn trong nước là vô lý nhưng không phải ai muốn mua cũng được, nếu Ngân hàng Nhà nước không cấp quota.
Toan tính
Tất nhiên, Ngân hàng Nhà nước không thể để mãi tình trạng này, và như VnEconomy đã thông tin hôm 4/10, Ngân hàng Nhà nước đang chuẩn bị đưa ra gói giải pháp để ổn định thị trường vàng.
Trước mắt, sẽ cho phép khoảng 3 đầu mối được mở tài khoản vàng giao dịch với các trung tâm vàng thế giới để cân đối trạng thái vàng trên tài khoản. Có nghĩa: các ngân hàng trong nước đang có vàng thì cứ bán ra để đè giá xuống; sau đó có thể cân đối trạng thái vàng qua tài khoản khi giao dịch với các chợ vàng thế giới.
Một chuyên gia bình luận: “Giải pháp này không những bảo đảm cân đối trạng thái vàng cho các ngân hàng, ổn định cung cầu thị trường mà còn tránh được rủi ro do biến động giá nhờ được bảo hiểm bởi hình thức mua bán nhanh, công cụ bảo hiểm đi kèm”.
Tuy vậy, một chuyên gia khác lại đưa ra quan điểm: vàng không phải ngoại tệ nên việc mở ra tài khoản như vậy cần phải cân nhắc một số vấn đề. Trước hết, các ngân hàng thương mại mở tài khoản ngoại tệ là để gửi ngoại tệ ra nước ngoài và phục vụ thanh toán quốc tế; còn vàng lại không có chức năng thanh toán quốc tế mà chỉ là cân đối cung cầu vàng trong nước. Vì vậy, chỉ nên mở một cửa ra vào nơi Ngân hàng Nhà nước.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước là trung gian xuất nhập khẩu vàng vật chất; đồng thời, chủ tài khoản vàng quốc tế để cân đối trạng thái vàng, nhằm ổn định cung cầu, giá cả trong nước, tránh chênh lệch giá so với thế giới như hiện nay.
Ngược lại, nếu mở ra cho nhiều đầu mối và họ mua bán quá mức sẽ khó tránh rủi ro và đe dọa lên thanh khoản của chính ngân hàng đó như trước đây. Hơn nữa, theo cách thức trên, ngân hàng thương mại vẫn có thể mua bán vàng trong nước nhưng nguồn cung lại vẫn là Ngân hàng Nhà nước, nhờ đó, việc kiểm soát ra vào của dòng vàng và ngoại tệ tốt hơn.
Một diễn biến đáng chú ý trên thị trường vàng mấy ngày qua là các ngân hàng dâng lãi suất huy động vàng. Cụ thể, SCB trở thành ngân hàng có mức lãi suất huy động vàng cao nhất trên thị trường: 2 tháng: 1,8%/năm: 2 tháng: 2,2%/năm; 6 - 9 tháng: 2,5%/năm; HDBank: 3 tháng: 2%/năm; Eximbank: 1,5%/năm cho mọi kỳ hạn.
Có vẻ như các ngân hàng thương mại đã đoán biết Ngân hàng Nhà nước sẽ đưa giá vàng trong nước sát với giá thế giới và cho phép họ có thể bán vàng, nên tranh thủ huy động vàng để bán ra. Và sắp tới, khi giá vàng hạ, họ lại mua vào để trả cho khách hàng, ngoại trừ phải trả lãi suất vàng nhưng được lợi hơn do biến động giá.
Theo VnEconomy
0 nhận xét