Xét ở góc độ pháp luật, việc Bùi Xuân Phong ở đội 2, thôn Minh Kha, xã Đồng Thái, Hải Phòng dùng dây điện đánh, bắt con trai 11 tuổi của mình ăn phân người đủ yếu tố cấu thành 2 tội: Cố ý gây thương tích và làm nhục người khác.
Liên quan đến vụ cha ruột dùng dây điện đánh con và bắt con ăn phân người tại Hải Phòng, luật sư Trần Đình Triển, Trưởng văn phòng Luật sư Vì dân (Đoàn Luật sư Hà Nội) chia sẻ với VnMedia, hành động của Bùi Xuân Phong đủ yếu tố cấu thành 2 tội cố ý gây thương tích và làm nhục người khác. Luật sư Triển cũng nhấn mạnh, chắc chắn Bùi Xuân Phong phải bị truy tố trước pháp luật. Ông Triển cũng khẳng định, nếu sự việc được đem ra truy tố trước pháp luật, với tư cách Trưởng Văn phòng Luật Vì dân, ông sẵn sàng bảo vệ quyền và lợi ích miễn phí cho cháu bé.
Hành vi dã man, thiếu nhân tính
Theo phân tích của luật sư Triển, việc bố đối xử với đứa con như vậy kể cả về phương diện pháp luật xã hội và đạo đức không thể chấp nhận được.
Trước hết, hành vi đánh đập dã man đứa con đã vi phạm quy định trong Luật chống bạo lực gia đình. Ở góc độ hình sự cũng vi phạm vì Luật Hình sự cũng có quy định về đánh người gây thương tích, đặc biệt là gây thương tích cho trẻ em .
"Đồng thời đối với trẻ em còn được điều chỉnh bởi một số quy ước khác như Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Pháp luật Việt Nam cũng đã có quy định cụ thể về quyền và trách nhiệm của trẻ em. Trách nhiệm nuôi trẻ em không chỉ của gia đình mà còn của cộng đồng và xã hội. Vì đây là tương lai của đất nước nên cần chăm sóc và bảo vệ trẻ em", luật sư Triển nói.
Theo đánh giá của luật sư Triển, với tư cách là 1 người bố mà hành xử với con như vậy thì đầu tiên phải giám định về tâm lý, tinh thần của người bố xem bố có bị tâm thần hay không vì người bình thường không bao giờ có hành xử như vậy. Việc đánh con bình thường cũng có nhưng cách hành xử đánh đập con cái đến mức để bị thương như vậy cũng là hành động hiếm có trong xã hội.
"Ở góc độ luật sư, theo đánh giá của tôi, hành vi nguy hiểm nhất, đủ yếu tố để cấu thành tội Làm nhục người khác là việc bắt con ăn phân. Hành vi này đã cấu thành, việc cho con ăn phân là do nghe theo lời tác động của người khác chứ không phải do người bố tự làm. Về phương diện đạo đức và pháp luật không thể chấp nhận được hành vi coi con mình như con vật. Xã hội cần lên án và pháp luật cần xử lý nghiêm minh", luật sư Triển nói.
Dì ghẻ là đồng phạm
Việc dì ghẻ của bé Thuận không tố giác hay can thiệp hành vi đánh đập con của Bùi Xuân Phong, luật sư Triển cho biết không thể coi là hành vi không tố giác tội phạm nữa. Vì trách nhiệm bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội chứ không chỉ của gia đình. Việc bà dì ghẻ nhìn và không có bất cứ động thái ngăn chặn là hành vi đồng phạm, tiếp tay cho tội ác. Bà dì ghẻ đã tham gia với vai trò giúp sức cho người bố thực hiện hành vi tàn ác lên đứa con.
Trong vụ việc này, nếu bị truy tố trước pháp luật ngoài việc truy tố tội Làm nhục người khác, rất có thể Bùi Xuân Phong còn bị khép tội "Cố ý gây thương tích" nếu giám định thương tật cháu Thuận và có tỷ lệ thương tật 11 %. Có điều trong vụ việc này, người bị gây thương tích là trẻ em, cộng với việc có sự lên án mạnh mẽ của xã hội thì không cần có tỷ lệ thương tật lên đến 11%, kể cả dưới 10% vẫn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự bố của bé Thuận về tội cố ý gây thương tích.
Cộng đồng cũng đáng trách
Theo luật sư Triển, căn cứ vào nội dung sự việc phản ánh trên VnMedia, lỗi của người bố đã rõ nhưng cũng cần phải xem xét trách nhiệm của xã hội, đoàn thể, nhà trường. Vì khi phát hiện cháu bé bị đánh đập như vậy thì các đoàn thể tại địa phương và chính quyền địa phương phải có hành động ngăn chặn ngay chứ không thể chờ đến khi bà nội và cô giáo tố giác thì mới vào xem xét.
"Hiện mới chỉ có công an xã lấy lời khai mà CQĐT chưa thấy xuất hiện lên tiếng bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho 1 đứa bé. Điều này là vô lý thể hiện trách nhiệm xã hội non kém vì các tổ chức, đoàn thể thanh niên, thiếu niên, Hội phụ nữ, MTTQ không lên tiếng. Từ sự việc xảy ra với bé Thuận chúng ta nhìn thấy những việc buồn lòng trong xã hội, các cơ quan có thẩm quyền cần ra tay ngay", luật sư Triển nói.
Tội Cố ý gây thương tích và Làm nhục người khác Điều 104 Bộ luật Hình sự quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác như sau: 1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm: a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người; d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình e) Có tổ chức g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm; k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân 2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. 3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm. 4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân. Điều 121: Tội làm nhục người khác 1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hainăm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm: a) Phạm tội nhiều lần; b) Đối với nhiều người; c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; d) Đối với người thi hành công vụ; đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình. 3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. |
Theo VnMedia
0 nhận xét