Tính đến trưa ngày thứ bảy 8-10, theo số liệu tạm tính của một đơn vị tham gia bán vàng can thiệp thị trường, có khoảng 8 tấn vàng đã được bán ra cho người dân, các nhà đầu tư cũng như các tiệm vàng.
Việc tung vàng ra bán để chống đầu cơ giá vàng do năm ngân hàng gồm Eximbank, ACB, Sacombank, Techcombank, Đông Á và Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) thực hiện.
Ngay trong ngày đầu tiên 6-10 đã bán được hơn 5 tấn vàng. Đó cũng ngày bán được nhiều nhất. Từ ngày 7-10 doanh số bán giảm dần. Tổng số vàng bán ra trong hai ngày 7 và 8 ước tính khoảng 50% so với ngày đầu tiên.
Nhà đầu cơ hết dám mua
Thống kê từ SJC cho thấy trong ngày 6-10 bán ra khoảng 20.000 lượng, ngày 7-10 còn khoảng 12.000 lượng, và sáng 8-10 chỉ chừng 3.000 lượng. Công ty PNJ (bán vàng miếng Đông Á – PNJ) ngày 6-10 bán ra gần 4.000 lượng, ngày 7-10 gần 2.000 lượng.
Giới kinh doanh và một số chuyên gia trong ngành cho rằng, các nhà đầu tư, đầu cơ vàng đang ngưng mua để quan sát vì cơ hội kiếm lãi trên giá vàng đang mất dần khi giá vàng trong nước liên tục giảm xuống và được kéo sát với giá vàng thế giới.
Chủ một cửa hàng vàng bạc tại Hà Trung (Hà Nội) nhận định, người dân một phần vẫn có tâm lý nghe ngóng, chờ đợi giá vàng có thể giảm thấp hơn sau khi các ngân hàng, doanh nghiệp đẩy mạnh bán vàng ra; phần khác vì số đông đã mua vàng vào thời điểm giá xấp xỉ 45 triệu đồng/lượng ở hai tuần trước. “Những trường hợp này sẽ phải đợi vàng tăng giá, bán ra mới có tiền mua lại được”.
Giá vàng trong nước từ mức cao hơn thế giới 3 – 4 triệu đồng/lượng, đã được kéo xuống. Giá vàng trong hai ngày 8 và 9 ở các tiệm vàng ổn định mua vào 43,3 và bán ra 43,45 triệu đồng/lượng. Đây là lần đầu tiên kể từ đầu năm, suốt hai ngày giá vàng gần như không thay đổi. Quy đổi theo tỉ giá thị trường tự do là 21.500 đồng/USD và giá vàng thế giới là 1.638,4 USD/ounce, giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới 980.000 đồng/lượng.
Ông Nguyễn Công Tường, Phó Phòng kinh doanh vàng SJC, nói: “Mục tiêu kéo giá vàng trong nước xuống được thực hiện theo từng chặng. Mục tiêu ban đầu đã thực hiện được”. Bước tiếp theo, các đơn vị tham gia bán vàng sẽ tiếp tục kéo giá trong nước xuống mức chênh lệch chỉ khoảng 500.000 đồng/lượng so giá thế giới, và đây là mức giá mà nếu tính đủ thuế, phí, các đơn vị kinh doanh lãi chừng 100.000 đồng/lượng.
Chênh lệch giá sẽ giảm nữa
Lý giải cho việc chênh lệch giá vàng trong nước – thế giới vẫn chưa lùi về mức tối đa 400.000 đồng/lượng như yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB Nguyễn Thanh Toại cho rằng, các biện pháp quản lý mới với thị trường vàng vừa được ban hành, mà thị trường cần có thời gian, không dễ một lúc kéo giá xuống ngay được. Giá vàng vừa qua tăng/giảm chưa hợp lý là do đầu cơ. Nhưng với quỹ bình ổn vàng dự kiến tới 20 tấn, ông Toại nhận định, không một nhà đầu cơ nào đủ sức mua được. Do vậy, với chính sách mới về vàng, thị trường sẽ vận hành hợp với quy luật cung – cầu và biên độ giá thế giới – trong nước sẽ lùi dần, về mức tối đa 400.000 đồng/lượng.
Theo ông Trương Văn Phước, Tổng Giám đốc Eximbank, việc điều tiết thị trường vàng, chống vàng hoá, đôla hóa trong nền kinh tế cần có một quá trình. Vai trò của vàng tài khoản cần được nhìn nhận lại và khai thác, để tạo sự liên thông với thị trường thế giới, cân bằng trạng thái nhằm bảo hiểm rủi ro biến động giá vàng.
Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng VN Đinh Nho Bảng lý giải thêm, NHNN mặc dù đã cho phép các ngân hàng, doanh nghiệp được mua vàng trên tài khoản, nhưng các đơn vị này nếu muốn nhập số vàng đã mua đó về VN thì vẫn phải xin giấy phép một lần nữa, do vậy, giá trong nước và thế giới thường có độ trễ.
Ông Bảng cũng nêu ý kiến, để quản lý thị trường vàng, định hướng nên là can thiệp bằng chính sách, như vậy mới đảm bảo lâu dài và không tốn kém. Còn nếu can thiệp bằng vật chất, kiểu tung vàng ra bán, thì chả nước nào đủ sức thực hiện. Cùng với cho phép các ngân hàng, doanh nghiệp được kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài, NHNN nên cấp quota cho họ cả hai chiều (cả xuất khẩu, nhập khẩu), trong một thời hạn nhất định, để họ được tự lựa chọn, quyết định thời điểm xuất hay nhập khẩu hợp lý nhất.
Ông Bảng nhận xét: “Như vừa qua, cứ khi nào giá vàng tăng bất thường, đột biến, thống đốc NHNN mới tuyên bố cho nhập vàng. Nói thật, dù được cấp phép đi nữa, nhưng ở thời điểm giá cao đó, doanh nghiệp cũng chả dám nhập”.
Theo Bích Thủy – Thảo Nguyễn (Sài Gòn Tiếp Thị)
0 nhận xét