Nhiều câu hỏi đang đặt ra: Sau mỗi năm, lãnh đạo cục phải biết tiền ở trong tài khoản còn nhiều hay ít hoặc tiền đã chi như thế nào? Nếu bị lừa thì sao đến 3 năm mới phát hiện?
Theo ông Tô Văn Động, Chánh Văn phòng, người phát ngôn của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), vụ thất thoát 42 tỉ đồng ở Cục Điện ảnh bước đầu xác định là một vụ lừa đảo và vụ việc vẫn đang được điều tra. Trước thông tin này, nhiều người đã đặt câu hỏi: Ai lừa được Cục Điện ảnh?
Ba năm liền bị rút ruột không hề biết (!?)
Đạo diễn Việt Nga băn khoăn không hiểu Cục Điện ảnh đã bị lừa như thế nào? Phạm Thanh Hải, người đang bị phát lệnh truy nã về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chỉ là một nhân viên phòng kế toán - tài chính của Cục Điện ảnh. Trên Phạm Thanh Hải có trưởng Phòng Kế toán - Tài chính, phó cục trưởng phụ trách kinh tế, phó cục trưởng phụ trách nghệ thuật (ông Lê Ngọc Minh) và cục trưởng, phụ trách chung (ông Lại Văn Sinh). Bà Nga cho biết theo tìm hiểu của bà, tất cả các lệnh chuyển tiền đều có chữ ký của ông Lại Văn Sinh và ông Lê Ngọc Minh, còn chữ ký ấy có giả hay thật thì phải chờ giám định của cơ quan điều tra.
Ông Lại Văn Sinh và diễn viên Hiền Mai tại lễ trao giải Cánh diều 2010. Ảnh: C.T.V
Trước việc kế toán Phạm Thanh Hải rút tiền quá dễ dàng, đạo diễn Việt Nga phân tích thêm, theo quy định, hằng tháng, hằng quý, ngân hàng hay kho bạc thường thông báo cho đơn vị chủ tài khoản biết dòng tiền chuyển đi, chuyển về, tiền tiêu như thế nào, tiền còn bao nhiêu.
Theo thông lệ, hằng năm, cứ đến hết ngày 31-12 là mọi cơ quan, đơn vị trong hệ thống quản trị Nhà nước phải báo cáo quyết toán, xuất toán với cơ quan quản lý tài chính cấp trên. Nếu tiền không tiêu hết, phải báo cáo để trả lại hoặc chuyển sang kế hoạch năm sau, sau khi đã có quyết định duyệt phân bổ ngân sách. Sau mỗi năm, lãnh đạo cục phải biết tiền ở trong tài khoản còn nhiều hay ít hoặc tiền đã chi như thế nào?
Vì vậy, việc ông Phạm Thanh Hải rút tiền được thực hiện kéo dài từ cuối năm 2009 đến hết quý I/2011 mới bị phát hiện là một điều không bình thường. Nếu Cục Điện ảnh bị lừa thì chỉ bị lừa một vài vụ và chỉ sau 1, 2 tháng phải phát hiện ngay để kịp khắc phục hậu quả nhưng ở đây vụ việc kéo dài liên tục tới 3 năm.
Lừa sao nổi?
Giới chuyên môn phân tích: Hệ thống kinh tế, kế toán ở Việt Nam được sắp xếp, tổ chức hết sức chặt chẽ. Tiền rót về Cục Điện ảnh là tiền từ ngân sách Nhà nước, phải nằm ở kho bạc, không phải nằm ở ngân hàng thương mại, muốn chuyển tiền từ kho bạc sang ngân hàng thương mại để rút không phải dễ. Ông Lại Văn Sinh, là chủ tài khoản, phải đăng ký chữ ký ở kho bạc, muốn rút phải có quyết định phân bổ ngân sách hay hợp đồng kinh tế, rồi mới có lệnh chuyển tiền, trong đó có nhiều chữ ký của các thành viên liên quan.
Một cán bộ kho bạc cho biết theo bộ thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước mà Bộ Tài chính ban hành ngày 10-8-2009, nếu chỉ có ủy nhiệm chi thôi thì chưa đủ thủ tục để rút tiền ở kho bạc. Phân tích trường hợp cụ thể ở Cục Điện ảnh, vị này cho biết muốn rút được tiền ở kho bạc phải có hợp đồng kinh tế, trong đó có đầy đủ chữ ký của đại diện bên A, đại diện bên B và đóng dấu đỏ của cơ quan hai bên A và B, cũng như tên người đại diện. Còn rút tiền theo hạn ngạch phân bổ ngân sách hằng năm của Nhà nước cấp cho đơn vị thì phải có danh mục chỉ rõ khoản tiền đó cấp cho lĩnh vực nào, sản xuất phim hay nâng cấp sửa chữa nhà xưởng, đầu tư thiết bị máy móc, mua sắm ô tô công, xây mới rạp chiếu bóng…
Trong tất cả mọi hợp đồng kinh tế đều ghi rõ phải quyết toán chứng từ sau khi công việc đã hoàn thành. Thông thường hằng năm, kiểm toán đều đến làm việc với tất cả mọi đơn vị trong hệ thống quản trị Nhà nước, cơ quan tài chính cấp trên cũng phải xuống kiểm toán sơ bộ các đơn vị, cơ quan trực thuộc sử dụng ngân sách Nhà nước. Nếu kế toán tự làm ủy nhiệm chi giả để rút được 42 tỉ đồng thì phải có hợp đồng kinh tế, trong đó có một bên B không có thực nào đó ký tên và đóng dấu, từ đây tiền mới chuyển đến ngân hàng thương mại vì không bao giờ kho bạc cho các đơn vị rút tiền mặt.
Sau ông Lê Ngọc Minh, Cục phó Cục Điện ảnh, nộp đơn xin từ chức, ông Lại Văn Sinh, Cục trưởng Cục Điện ảnh, cũng đã có đơn xin từ chức gửi lên lãnh đạo Bộ VH-TT-DL. Ông Tô Văn Động, Chánh Văn phòng Bộ VH-TT-DL, cho biết sáng 12-9. |
Thanh tra Cục Điện ảnh Ông Tô Văn Động cho hay Bộ VH-TT-DL chưa có quyết định về nhân sự thay ông Lại Văn Sinh, sau khi ông Sinh nộp đơn từ chức. “Khi có quyết định cho ông Lại Văn Sinh thôi giữ chức Cục trưởng Cục Điện ảnh, bộ sẽ công bố nhân sự mới. Hiện nay, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái vẫn phụ trách Cục Điện ảnh” - ông Tô Văn Động cho biết. Về thông tin cho rằng bà Ngô Phương Lan, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, sẽ đảm nhận chức Cục trưởng Cục Điện ảnh thay ông Lại Văn Sinh sau khi kết thúc Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 17 sẽ được tổ chức tại Phú Yên vào giữa tháng 12 tới, ông Tô Văn Động khẳng định đó là thông tin chưa chính xác. Liên quan đến vụ thất thoát 42 tỉ đồng ở Cục Điện ảnh, ông Tô Văn Động cũng cho biết bộ đã thành lập một ban thanh tra làm việc với Cục Điện ảnh từ ngày 12-9 kéo dài đến hết 22-9. Sau ngày này, ban thanh tra sẽ có báo cáo kết quả với Bộ VH-TT-DL. Trên cơ sở này, bộ sẽ xem xét và có chấp nhận việc từ chức của hai lãnh đạo của Cục Điện ảnh hay không. |
Nhóm Phóng viên VHVN
Theo NLĐ
0 nhận xét