Muốn hưởng thụ vật chất nhưng không muốn lao động, các bị cáo đã đánh mất lương tâm khi ra tay hạ độc với cả những người nghèo khổ, khuyết tật, để cuối cùng nhận sự trừng phạt nghiêm khắc của luật pháp
“Có biết bao người mù, tàn tật thậm chí bệnh nặng vẫn bươn chải đi bán vé số để mưu sinh, không ngửa tay xin tiền người khác. To khỏe như bả lại đi đầu độc những người nghèo, già yếu hơn mình, lấy tiền mua sắm quần áo, trang sức… Quá độc ác. Tòa có phán tử hình mấy lần cũng chưa xứng với tội lỗi của bả”. “Làm người mà sao lòng dạ tàn ác quá vậy? Không thể lấy nghèo, bệnh ra để biện minh được. Chỉ có thể nói bà ta không còn tính người nữa”.
Đó là những lời nói đầy phẫn uất của những người dự khán dành cho bị cáo Phạm Thị Trung (SN 1971) trong giờ nghị án.
Ra tay với bất cứ ai
Mới bắt đầu phần thẩm vấn, Trung đã tỏ ra mệt nhọc, luôn yêu cầu được ngồi rồi uống nước và uống thuốc. Tuy nhiên, “chiêu thức” này của Trung không qua mắt được chủ tọa, vị thẩm phán vẫn quyết định tiếp tục phiên tòa.
Bị cáo Phạm Thị Trung và Nguyễn Thị Gái
Người bị hại đầu tiên được mời lên là ông P.Q.L. Do trước đó ông L. nhờ Trung cầm giùm sổ đỏ nên khi nghe Trung điện thoại kêu đến Bến xe Củ Chi, ông đã vội vàng đến điểm hẹn. Làm ra vẻ quan tâm, Trung nói ông L. đi đường xa mệt, rủ vô quán uống bia. “Trong túi tôi chỉ có mấy chục ngàn đồng nên tôi từ chối. Trung nói không sao, kéo tôi vô quán, kêu một chai bia.
Tôi từ nhà vệ sinh ra, uống ngụm bia nghe mùi tanh nên tôi nhổ ra. Nhưng chỉ một lát, tôi thấy khó thở, mồ hôi ra nhiều, Trung đưa đi bệnh viện. Sau khi tỉnh dậy, tôi thấy biên nhận cầm giấy chủ quyền xe và 200.000 đồng trong bóp. Vài ngày sau xuất viện, tôi điện thoại, Trung than khổ quá nên lỡ cầm xe rồi. Tôi lần theo địa chỉ cầm đồ tìm đến, người ta nói Trung đã chuộc ra bán” - ông L. trình bày. Tòa hỏi Trung về sự việc này, Trung đáp tỉnh rụi: “Dạ, bị cáo nói với ông L. chuyện cầm xe, ổng nói “anh không có tiền chuộc, thôi em bán đi”. Giật nảy người như chạm phải điện trước lời nói dối trắng trợn của Trung, ông L. chỉ còn biết lắc đầu quầy quậy.
Nạn nhân thứ hai là bà T.T.C (SN 1937). Theo lời khai của Trung tại tòa, Trung và con trai bà T.T.C có với nhau một đứa con trai nhưng gia đình bà C. không chấp nhận Trung. Dù vậy, Trung vẫn thường qua lại gia đình bà C. Trưa 18-4-2010, biết bà C. ở nhà một mình, Trung bỏ thuốc độc vào chai nước ngọt cho bà C. uống nhằm mục đích lấy tài sản nhưng các con và chồng bà C. về kịp. Không chịu mất công cốc, lợi dụng mọi người lo lắng đưa bà C. đi bệnh viện, Trung lén lấy chiếc điện thoại di động của chồng bà C. và đem bán được 850.000 đồng.
Trong số 11 nạn nhân, có 2 người đã chết sau khi uống phải thuốc độc của Trung (người phụ nữ mới chân ướt chân ráo từ Quảng Ngãi vào TPHCM bán vé số và người đàn ông chạy xe ôm). Đáng lên án nhất ngay cả người đàn bà mù, điếc, tuổi đã cao vẫn phải mò mẫm bán từng tờ vé số tự nuôi thân cũng bị Trung nhẫn tâm ra tay hạ độc, chỉ để lấy 25 tờ vé số (loại 10.000 đồng) và 60.000 đồng.
Trả lời câu hỏi: “Bị cáo nghĩ sao mà ra tay với người nghèo khổ, thậm chí cả người thân quen, người tàn tật?”, Trung đáp: “Bị cáo không nghĩ gì hết, đi đường cứ thấy ai là “làm” thôi”. Câu trả lời khiến nhiều người dự khán phẫn nộ.
Không thể biện minh
Trong phần tranh luận, Trung cho rằng sau khi hạ độc nạn nhân, Trung đã đưa nhiều người trong số họ đi cấp cứu, thậm chí lấy tiền túi để đóng viện phí (nhưng phải mở ngoặc nói thêm, những trường hợp được Trung đưa đi bệnh viện đều bị Trung “mượn lại” xe máy đem bán). Những người khác “bị cáo không bỏ mặc, bị cáo kêu đưa đi bệnh viện, họ không chịu. Bị cáo không thể một tay chạy xe, một tay ôm nạn nhân mà họ lại vùng vẫy”. Lời biện minh này bị bác bỏ. “Bị cáo vẫn có thể nhờ những người xung quanh giúp. Chẳng qua vì đã lấy được tài sản rồi, bị cáo bất chấp tính mạng của nạn nhân. Đó là hành vi vô lương tâm” - vị thẩm phán bất bình.
Nói về động cơ phạm tội, Trung khai bản thân bị bệnh ung thư, chồng chết, không có tiền để đóng học phí cho con… Tuy nhiên, thực tế chứng minh, số tiền chiếm đoạt được Trung dùng vào việc mua sắm trang sức cho mình, bồ nhí và một phần chia cho Gái, cùng Gái mua sắm quần áo, ăn uống. Vả lại tại tòa, Trung không xuất trình được giấy tờ chứng minh bị bệnh, suốt thời gian tạm giam cũng không thể hiện bệnh tật.
Trung ngã lăn ra đất khi tòa vẫn đang đọc bản án. Tiếng một cô gái trẻ thét thất thanh: “Mẹ ơi!”. Mọi ánh mắt đổ dồn về phía cô nhưng rồi ngay lập tức, mọi người lại hướng lên trên lắng nghe bản án, bỏ mặc ánh mắt như dại đi vì đau đớn của cô gái. Hành vi phạm tội một cách vô lương tâm của mẹ cô đã làm cho nỗi tức giận dâng cao trong lòng người dự khán. Thế nên, dù biết cô vô tội, họ vẫn không thể cảm thông và chia sẻ với nỗi đau sắp mất mẹ của cô. Để rồi khi chiếc xe tù vừa vụt đi cũng là lúc cô ngã quỵ...
Bản án đích đáng Đồng phạm với Trung còn có Nguyễn Thị Gái (SN 1969). Đanh đá, quanh co, Gái phủ nhận việc có tham gia cùng Trung 4 vụ đầu độc nạn nhân, cho rằng “bị cáo chỉ là người bị hại, Trung lừa bị cáo chở đi, bị cáo không biết gì về việc làm của Trung”. Nhưng rồi, Gái đành im bặt và cuối cùng thừa nhận hành vi khi đại diện VKSND phân tích: “Bị hại mà được Trung cho dây chuyền, mua sắm quần áo, chia tiền, thậm chí xe máy cướp được đưa con trai bị cáo đi cầm, chiếc điện thoại cướp được đưa cho con gái bị cáo sử dụng”. TAND TPHCM đã tuyên phạt bị cáo Trung tử hình, Gái chung thân cùng về hai tội giết người, cướp tài sản. |
Bài và ảnh: Tố Trâm
Theo NLĐ
0 nhận xét