Gọi là "trường quốc tế” nhưng không ít nơi là cảnh tượng chật hẹp, trần thấp, hành lang rộng chưa đầy 1 m
Báo Người Lao Động ngày 9-9 đã có bài viết “Không mặn mà trường quốc tế”, phản ánh việc đang có xu hướng nhiều học sinh ở các trường có tên gọi gắn thêm hai chữ “quốc tế” xin chuyển về học trường công lập. Mở rộng vấn đề, chúng tôi ghi nhận thêm nhiều điều về loại trường này.
Quốc tế chỉ ở cái tên?
Ở Trường THPT Dân lập Quốc tế trên đường Nguyễn Trọng Tuyển, quận Phú Nhận - TPHCM, chương trình học của học sinh về cơ bản không khác gì các trường phổ thông bình thường khác. Học sinh ở đây học chương trình của Bộ GD-ĐT và học chương trình tiếng Anh tăng cường. trường có tổ chức dạy các môn tự nhiên theo chương trình nước ngoài nhưng chỉ dừng lại ở mức giới thiệu.
Những trường mang danh “quốc tế” hay có chương trình học na ná Trường THPT Dân lập Quốc tế không phải là ít và đang phát triển nhanh về số lượng. Điểm giống nhau của loại trường này là có phòng học máy lạnh, lớp học chỉ khoảng 20-25 học sinh, phương pháp giảng dạy nhẹ nhàng, luyện nhiều tiếng Anh, học sinh đi dã ngoại nhiều. So với trường công lập, hình thức hoạt động của loại trường này “nổi” hơn nên một thời thu hút được những phụ huynh có điều kiện tài chính. Tuy nhiên, xét về tính quốc tế cho đúng nghĩa thì phải xem lại.
Một tiết thảo luận nhóm của học sinh Trường Tiểu học Lương Định Của - TPHCM, một trong những
trường có tiếp nhận học sinh các trường “quốc tế” chuyển về học. Ảnh: TẤN THẠNH
Ban Văn hóa Xã hội HĐND TPHCM trong một lần làm việc với Sở GD-ĐT TP đã đề nghị lãnh đạo Sở GD-ĐT phải làm rõ tính chất quốc tế của các trường hiện nay. Trong lần làm việc đó, ông Nguyễn Văn Minh, Phó trưởng Ban Văn hóa Xã hội HĐND TP, nói rằng nhiều trường dùng chữ “quốc tế” chỉ để chiêu dụ phụ huynh.
Đó là chưa kể cơ sở vật chất của một vài trường chẳng “quốc tế” tí nào. Ban Văn hóa Xã hội HĐND TP từng khảo sát cơ sở của một trường dạng này và ghi nhận: ngoài lớp học khoảng 20 học sinh có gắn máy lạnh, tranh ảnh sinh động nhưng bên ngoài là không gian chật hẹp, hành lang rộng chưa đầy 1 m. Sự xuất hiện dễ dãi ngày càng nhiều các trường mang danh “quốc tế” khiến không ít phụ huynh nhầm lẫn.
Trường quốc tế thật không nhiều
Hiện ở TPHCM còn có một dạng trường quốc tế hoàn toàn sử dụng chương trình của nước ngoài như chương trình của Mỹ (tại Trường THPT Dân lập Quốc tế APU, Trường Quốc tế Nam Sài Gòn…), chương trình của Anh (tại Trường Quốc tế TPHCM, Trường Quốc tế dạy bằng tiếng Anh…) hay chương trình của Úc, Singapore…
Chương trình học của học sinh Trường THPT Dân lập Quốc tế trên đường Nguyễn Trọng Tuyển,
quận Phú Nhuận - TPHCM về cơ bản không khác gì các trường phổ thông bình thường khác Ảnh: TẤN THẠNH
Thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM cho biết dạng này hiện có khoảng 34 trường. Các trường quốc tế này thường có khoảng 16 đến 20 học sinh/lớp; thời khóa biểu được cấu trúc và sắp xếp khoa học giúp học sinh cân bằng giữa học và vui chơi, giữa việc tiếp thu lý thuyết với thực hành. Mức học phí vì vậy cũng cao. Ví dụ tại Trường Quốc tế dạy bằng tiếng Anh, học phí khoảng 15.000 USD/năm. Phụ huynh cho con học ở những trường này có mục tiêu chuẩn bị cho con du học bậc ĐH vì học sinh tốt nghiệp có bằng cấp được công nhận ở nước ngoài và đủ khả năng vào thẳng ĐH mà không phải qua khóa dự bị.
Nếu học ở các trường đúng nghĩa là quốc tế thì rất nhiều lợi thế như đã nêu ở trên, song chẳng may nếu đang học giữa chừng mà gia đình đột ngột mất nguồn tài chính thì việc chuyển tiếp về trường công lập sẽ rất khó khăn. Theo nhiều chuyên gia giáo dục, học sinh ở trường quốc tế không học chương trình của Bộ GD-ĐT (ví dụ như không học lịch sử, địa lý…) nên rất khó chuyển về học tiếp ở các trường dạy chương trình Việt Nam.
Ngành giáo dục phải sớm can thiệp nếu không sẽ đi đến hỗn loạn, thật giả không phân biệt được. Phải kiểm tra toàn diện chuyên môn, xem chất lượng đào tạo và cơ sở vật chất có tương xứng với mức học phí thu vào? Thả nổi quản lý trường quốc tế là không được. TS Mai Ngọc Luông (Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục TPHCM) |
Sẽ tăng cường kiểm tra Ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học - Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết sở quản lý các trường quốc tế, trường dạy chương trình của Bộ GD-ĐT, thì sở chỉ quản lý khối THPT còn THCS và tiểu học do các phòng GD-ĐT thì quận, huyện quản lý. Những trường dạy chương trình của Bộ GD-ĐT đều phải tuân thủ chương trình do Bộ GD-ĐT quy định. Thời gian qua, nhiều giáo viên trường công lập và dư luận phàn nàn về chất lượng học sinh các trường mang danh “quốc tế”. Để bảo đảm quyền lợi cho học sinh học ở trường ngoài công lập, đặc biệt là loại trường “quốc tế”, Sở GD-ĐT yêu cầu các phòng GD-ĐT tăng cường quản lý, thường xuyên kiểm tra để bảo đảm các trường thực hiện đúng chương trình một cách có chất lượng. |
HUY LÂN
Theo NLĐ
0 nhận xét