Diễn biến thị trường đang có dấu hiệu trở lại quy luật cũ: Cuối năm, tỉ giá và cung - cầu ngoại tệ đều căng
Ngân hàng (NH) Nhà nước vừa phát đi thông điệp điều hành tỉ giá theo hướng ổn định: Đến cuối năm, tỉ giá chỉ biến động tối đa 1%. Định hướng này được dựa trên cơ sở diễn biến cán cân thanh toán quốc tế có khả năng thặng dư từ 2,5-4,5 tỉ USD và dự trữ ngoại hối đã tăng đáng kể trong thời gian qua. Mặt khác, NH Nhà nước cũng đã có biện pháp ghìm đà tăng của tín dụng ngoại tệ song chưa đủ bởi chênh lệch giữa lãi suất cho vay bằng ngoại tệ với VNĐ vẫn còn quá lớn.
Chặn tín dụng USD: Chưa đủ liều
Theo quy định, từ ngày 1-9, tỉ lệ dự trữ bắt buộc ngoại tệ của các NH tăng thêm 1%. Đây là lần thứ 3 kể từ đầu năm 2011 đến nay, tỉ lệ dự trữ bắt buộc ngoại tệ tăng từ 4% lên 6% rồi 7% và hiện là 8%. Như vậy, NH thương mại huy động được 100 USD chỉ được phép cho vay 92 USD nhưng phải trả lãi suất cho 100 USD, làm chi phí kinh doanh của NH tăng thêm, đẩy lãi suất cho vay bằng ngoại tệ lên cao, có thể làm chùn tay người vay USD.
NH Nhà nước đã ban hành Thông tư 22 có hiệu lực từ tháng 9-2011, trong đó tăng hệ số rủi ro đối với một số tài sản bằng ngoại tệ từ 20% lên 50%. Với biện pháp này, các NH sẽ phải hạn chế cho vay bằng ngoại tệ, tích cực thu hồi nợ, nếu không sẽ ảnh hưởng đến quy định tỉ lệ an toàn vốn ở mức 9%. Từ đó, dư nợ cho vay bằng ngoại tệ sẽ giảm xuống…
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng biện pháp tăng tỉ lệ dự trữ bắt buộc và hệ số rủi ro tài sản ngoại tệ vẫn chưa đủ “liều” làm hạ nhiệt tín dụng ngoại tệ. Thực tế, lãi suất cho vay VNĐ bình quân 18,64%/năm, lãi suất cho vay USD phổ biến 7%-8%/năm.
Giao dịch USD tại Ngân hàng Việt Á. Ảnh: Hồng Thúy
Như vậy, chênh lệch lãi suất cho vay VNĐ với USD là trên 10%, doanh nghiệp vẫn tập trung vay USD. Điều này được thể hiện khi lãi suất huy động vốn bằng ngoại tệ được quy định không quá 2%/năm nhưng không ít NH vẫn lách luật huy động USD với lãi suất từ 4%-4,3%/năm cho thấy nhu cầu vay ngoại tệ vẫn rất lớn...
Để hạn chế tăng trưởng tín dụng ngoại tệ, nhiều ý kiến cho rằng NH Nhà nước cần từng bước tăng thêm dự trữ bắt buộc ngoại tệ, có giải pháp kéo lãi suất VNĐ xuống sâu hơn nữa, thu hẹp chênh lệch lãi suất cho vay ngoại tệ và VNĐ mới kích thích doanh nghiệp vay VNĐ.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng NH Nhà nước có thể cho các NH thương mại vay VNĐ với giá rẻ để NH thương mại cho vay với lãi suất thấp mà không phải huy động vốn từ người dân. Việc này các NH trung ương trên toàn thế giới đều thường làm.
Áp lực tỉ giá cuối năm
Về tỉ giá, diễn biến trên thị trường tài chính tiền tệ đang có những yếu tố không thuận chiều. Khoảng một tuần nay, trùng với thời điểm NH Nhà nước phát đi thông điệp chính sách tiền tệ, hiện tượng hai giá ngoại tệ trong NH đã tái diễn.
Nếu như trong những lần trước, doanh nghiệp chỉ phải trả vài chục đồng cho mỗi USD mua từ NH thì nay đã phải mua với giá 21.000 đồng/USD, thậm chí phải chờ mới được đáp ứng. Diễn biến thị trường cũng đang trở lại quy luật cũ: Cuối năm, tỉ giá và cung - cầu ngoại tệ đều căng.
Mặc dù xu hướng yếu đi của USD so với các đồng tiền khác đang diễn ra ngày càng rõ nét nhưng dường như VNĐ là đồng tiền duy nhất mất giá so với USD. Chính sách tỉ giá đang được giới chuyên gia nhìn nhận theo nhiều quan điểm khác nhau. Ông Trương Đình Tuyển, nguyên bộ trưởng Bộ Thương mại, trưởng nhóm thực hiện dự án nghiên cứu “Tác động của hội nhập đối với kinh tế, thương mại Việt Nam và khuyến nghị chính sách”, cho biết ngay trong nhóm nghiên cứu dự án này cũng không thống nhất quan điểm với nhau về tỉ giá.
Ông Trương Đình Tuyển cho rằng việc hạ giá danh nghĩa VNĐ 9,3% hồi tháng 2-2011 đã gây phản ứng khác nhau giữa các nhà kinh tế. “Trong bối cảnh Việt Nam nhập khẩu hơn 80% GDP thì hạ giá nội tệ sẽ đẩy lạm phát lên, làm giảm sức cạnh tranh của hàng Việt Nam”- ông Trương Đình Tuyển nói. Theo ông, phải ổn định kinh tế vĩ mô, đưa lạm phát về 5% thì hạ giá VNĐ mới có tác dụng và không ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu.
Kiểm soát chặt đối tượng vay Theo TS Lê Thẩm Dương, Trưởng Khoa Quản trị kinh doanh Trường Đại học NH TPHCM, hiện tăng trưởng tín dụng ngoại tệ đã trên 24%, trong khi tăng trưởng VNĐ chỉ hơn 7%. Do đó, trong thời gian tới, NH Nhà nước cần thận trọng tăng thêm tỉ lệ dự trữ bắt buộc ngoại tệ để lãi suất cho vay USD tăng lên. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là kiểm soát chặt chẽ việc cho vay bằng ngoại tệ, bảo đảm các NH cho vay đúng đối tượng; đồng thời tăng thêm cung tiền sao cho không ảnh hưởng đến lạm phát, tạo điều kiện để lãi suất cho vay VNĐ giảm thêm. Khi đó, vấn đề tăng trưởng tín dụng ngoại tệ thường tạo áp lực làm tăng tỉ giá sẽ từng bước được giải quyết. |
Thy Thơ - Tô Hà
NLĐ
0 nhận xét