Tháng 3-1986, sau một tuần ra viện, vết thương đã tương đối ổn định, tôi lại tiếp tục theo đơn vị hành quân
Đơn vị tôi là Tiểu đoàn Bộ binh số 2 được lệnh phối hợp với Tiểu đoàn 3 E55 đánh chiếm cứ điểm Prey Key của Pol Pot, cặp sông Mê Kông. 15 giờ 30 phút, các mũi tiến công của quân ta đã áp sát mục tiêu, hỏa lực bộ binh đã bắt đầu nổ để áp đảo đối phương. lúc này, các máy thông tin 2W của các cánh quân trên toàn tuyến đều lên mạng hoạt động khẩn trương, tiếng sóng điện sôi rè rè và các chiến sĩ thông tin được dịp vận dụng hết vốn liếng kỹ thuật mật ngữ để chuyển tải thông tin diễn biến chiến sự và nhận lệnh từ chỉ huy trung đoàn…
Trận đánh đang diễn ra, sở chỉ huy tiểu đoàn của tôi cách trận địa không quá 200 m. Đột nhiên chiến sĩ thông tin báo cáo với vị quyền tiểu đoàn trưởng (tiểu đoàn trưởng vừa hy sinh trong trận đánh hôm trước) lệnh của trung đoàn là tôi phải theo một thiết giáp về ngay chỉ huy sở E trong chiều, chỉ để chiếc M113 lại làm dự bị.
Đang làm nhiệm vụ nơi chiến tuyến, được tin mẹ đến thăm,
thật mừng vui nhưng không khỏi lo lắng. Ảnh minh hoạ: Internet
Ngồi trên xe, trên đường về sở chỉ huy, tôi thầm nghĩ không biết các sếp giao nhiệm vụ gì mà gấp vậy. Trước kia, tôi ở đơn vị trinh sát và chỉ mới được điều về đơn vị bộ binh hơn 3 tháng… Chiếc M113 ra đến Quốc lộ 6 và dừng lại trước cổng chỉ huy sở E. thật không thể tin vào mắt mình, đứng kế bên đại úy tham mưu phó là một phụ nữ đội nón lá, dáng người nhỏ nhắn trong chiếc áo bà ba có hoa văn màu ánh kim quen thuộc vốn chỉ được má tôi mặc mỗi khi lễ, Tết. Tôi chết lặng không biết bao lâu rồi nhào xuống ôm chầm lấy má. Còn má tôi, hai mắt rưng rưng, tay vừa xoa đầu, xoa khắp lưng tôi vừa hỏi bị thương chỗ nào…
- Trời đất! Má đi đâu vậy nè, ở đây súng đạn nguy hiểm lắm biết không?.
- Cái thằng “chó con”, mày bị thương có sao không? Mày làm má ăn ngủ không yên!.
Chiến tranh thương vong là chuyện thường tình, làm sao dám nói với gia đình để ba má lo âu, vậy mà bà vẫn có thông tin. Má không biết tiếng Campuchia, tôi không hiểu bằng cách nào má từ Sài Gòn qua được trạm biên phòng Xa Mát chỉ với cái chứng minh nhân dân, rồi lần mò hàng trăm cây số trên đất người để đến được nơi ác liệt. Đã là một chiến binh phong trần nhưng trong mắt má, tôi vẫn là cái thằng “chó con” của ngày nào.
Lòng mẹ thương con bao la, mãnh liệt, bất chấp hiểm nguy là vậy đó… Bây giờ, má không còn nữa, một bông hồng màu trắng tôi dành cho má đến hết đời này.
Theo NLĐ
0 nhận xét