Trong tâm trạng lo lắng, không ít bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện (BV) than thở sẽ không đủ khả năng chi trả nếu viện phí và các dịch vụ y tế đồng loạt tăng giá. Trong khi đó, chính lãnh đạo các bệnh viện công lập cũng băn khoăn liệu có lộ trình để người bệnh dễ thở?
Tăng viện phí có giải quyết tình trạng quá tải ở các bệnh viện? Ảnh: MAI HẢI |
Khó cáng đáng
Ôm bịch quần áo ngồi co ro nơi góc hành lang BV Ung bướu TPHCM, chị N.T.P. (ngụ Kon Tum) đếm đi đếm lại những đồng tiền lẻ. Chị mắc ung thư vú từ một năm nay, sau khi được phẫu thuật đoạn nhũ (cắt vú trái do ung thư) và nạo các mô bị bệnh, chị được chỉ định điều trị nội trú thêm nhưng vì hết tiền nên chị xin điều trị ngoại trú, đến đợt xạ trị lại vô bệnh viện. Từ khi bị bệnh đến nay, ngoài tiền thuốc thang, các chi phí về phẫu thuật, khám, chị P. đã tiêu tốn gần 200 triệu đồng, mất đứt một mẫu cà phê ở quê nhà. Khi được hỏi có biết giá các dịch vụ y tế sẽ tăng, chị P. nói, có nghe các bệnh nhân xôn xao bàn tán nhưng nếu tăng thì chị cũng không biết lấy tiền đâu ra mà trả...
Ghé qua một số bệnh viện khác, chúng tôi đã bắt gặp rất nhiều những hoàn cảnh khó khăn như chị P. Thậm chí có trường hợp, bệnh nhân chủ động xin ra viện sớm mặc dù bác sĩ khuyến cáo nên tiếp tục điều trị nội trú. Điển hình là trường hợp của bệnh nhân N.T.Đ. (18 tuổi, ngụ Khánh Hòa) từng điều trị tại BV Nguyễn Tri Phương TPHCM. Chỉ trong vòng hơn 2 tháng điều trị hội chứng suy hô hấp do liệt dây thần kinh, các chi phí xét nghiệm, tiền thuốc đã lên tới 150 triệu đồng và gia đình bệnh nhân đã bán sạch trâu, bò, vay mượn bà con họ hàng. May là trường hợp này sau đó được Ban Giám đốc BV Nguyễn Tri Phương xét miễn giảm một phần viện phí. “Nếu không được miễn giảm viện phí, chắc con tôi chịu chết”, bà Phạm Thị Ẩn, mẹ bệnh nhân Đ. cho biết.
Thực tế cho thấy, một bộ phận người dân hiện gặp không ít khó khăn khi chi trả các dịch vụ y tế, nhất là những đối tượng không có bảo hiểm y tế (BHYT) phải chi trả 100% viện phí và nếu tăng giá dịch vụ y tế lên, họ sẽ khó cáng đáng nổi. Những bệnh nhân có BHYT nhưng vượt tuyến cũng gặp khó không kém. Chẳng hạn với bệnh nhân có BHYT đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu tại tuyến huyện, trong trường hợp nếu đến khám chữa bệnh đúng tuyến, người bệnh sẽ được Quỹ BHYT thanh toán từ 80%-100% chi phí điều trị. Nhưng nếu vượt tuyến, chỉ được thanh toán 30% đối với bệnh viện hạng một, 50% với bệnh viện hạng hai và 70% với bệnh viện hạng ba.
Phải căn cứ mức thu nhập trung bình
Nằm điều trị tại BV Nguyễn Tri Phương từ 2 tuần nay, chị L.N.Đ.P. không khỏi bức xúc vì dù mất nhiều tiền nhưng dịch vụ của bệnh viện không tương xứng.
Cụ thể, chị đăng ký phòng dịch vụ 2 giường với giá 340.000 đồng/ngày nhưng phòng ốc cũ kỹ, chật chội, máy điều hòa không lạnh, lại không có ti vi. “Dịch vụ không tương xứng với giá tiền bỏ ra thì thiệt thòi cho bệnh nhân quá”, chị P. nói. Quả không ngoa vì hiện nay hầu hết các bệnh viện công lập không còn giữ đúng giá theo khung giá mà Bộ Y tế ban hành từ năm 1995.
Quy định mỗi lần khám bệnh được tính giá 3.000 đồng nhưng thực tế các bệnh viện đã thu cao hơn rất nhiều. Có chăng khoản 3.000 đồng này là BHYT chi trả, phần còn lại thuộc về bệnh viện. Đó là chưa kể, các bệnh viện công đã mở rộng các dịch vụ tăng thêm từ nhiều năm qua. Chẳng hạn, bảng giá dịch vụ khám, điều trị ở BV Ung bướu TPHCM áp dụng từ năm 2008, mổ vú phì đại tạo hình tuyến vú là 15,5 triệu đồng, cắt giáp toàn phần và nạo hạch cổ hai bên có giá 7,5 triệu đồng, xét nghiệm huyết đồ 60.000 đồng, siêu âm thường 150.000 đồng, nhũ ảnh 240.000 đồng…
Tăng viện phí, người bệnh có thoát khỏi cảnh 2 người nằm một giường như hiện nay? |
Tương tự, BV Nhân dân 115 đã áp dụng giá khám và điều trị dịch vụ từ năm 2007 với giá khám dịch vụ 70.000 đồng/lần, khám theo yêu cầu 100.000 đồng/lần cho người trong nước; 200.000 đồng/lần cho người nước ngoài, siêu âm tổng quát 80.000 đồng… Tại BV Bình Dân, giá khám dịch vụ vẫn 50.000 đồng, nội soi dạ dày 125.000 đồng, nội soi đại tràng 250.000 đồng…
BS Trần Thanh Mỹ, Giám đốc BV Chấn thương chỉnh hình TPHCM, một trong những BV quá tải và cơ sở vật chất xuống cấp, cho rằng chắc chắn chất lượng khám chữa bệnh sẽ cải thiện sau khi tăng giá viện phí và dịch vụ. “Nếu hiện nay phải mua bông, gạc có chất lượng khá với giá phải chăng, sau khi có thêm nguồn thu, sẽ mua các loại bông gạc chất lượng tốt hơn; có điều kiện đầu tư thêm máy móc, thiết bị”, bác sĩ Mỹ nói.
Theo BS Mỹ, việc tăng viện phí, dịch vụ y tế rất quan trọng đối với bệnh viện tuyến quận, huyện hiện nay vì nếu không, tuyến y tế này sẽ “chết”. Bệnh viện quận huyện “sống” sẽ hạn chế bớt chuyển viện, giảm tải cho tuyến trên.
Tuy nhiên, BS Mỹ lo ngại, nếu tăng đồng loạt viện phí, dịch vụ y tế sẽ ảnh hưởng lớn đến đối tượng chưa có BHYT. Bác sĩ Nguyễn Thy Hùng, Giám đốc BV Nguyễn Tri Phương TPHCM cũng cho rằng, việc nâng chất lượng khám chữa bệnh là do nhiều yếu tố. “Trang thiết bị có thể cải thiện được nhưng con người là then chốt. Nếu đời sống y bác sĩ được cải thiện, chuyên môn, trách nhiệm chắc chắn tốt hơn”, BS Hùng nói. Để không ảnh hưởng đến người nghèo và người có thu nhập thấp, trung bình, theo BS Hùng, nên có lộ trình tăng giá viện phí, dịch vụ y tế và phải căn cứ vào mức thu nhập trung bình của người dân hiện nay.
Tường Lâm
Trong lúc giá viện phí tăng mà mức thu BHYT chưa tăng, Bộ Y tế cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ chi phí tại các cơ sở y tế, tránh lạm dụng thuốc, sử dụng kỹ thuật không cần thiết trong điều trị. Đồng thời, Bộ Y tế nên nghiên cứu đưa ra danh mục thuốc, xét nghiệm cho phù hợp hơn, như hiện nay là thanh toán quá rộng.
Đối với người đã đóng BHYT nhưng vẫn không có tiền đồng chi trả, phải có những quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo mắc bệnh mãn tính, có chi phí điều trị lớn. Bởi thực tế là BV có thể miễn phí tiền điều trị, tiền phẫu thuật nhưng không thể miễn được tiền sử dụng các kỹ thuật cao, chi phí tốn kém…
Cần phải xem xét lại việc tăng viện phí và phải dựa trên góc độ kinh tế, cũng như sức chịu đựng thực tế của người dân. Hơn nữa, cũng cần phải thấy rằng, chi phí cho y tế là hết sức nhạy cảm, hiện nay, mỗi năm trung bình mỗi người dân phải chi tới 50% thu nhập cho các chi phí liên quan tới sức khỏe. Một trong những lý do để tăng giá viện phí là thu nhập của người dân đã tăng so với 15 năm trước đây. Điều này là đúng, nhưng cần phải xem xét khách quan vì đây là thu nhập bình quân đầu người trong cả nước, chứ tính chi li ra ở nhiều khu vực, nhiều vùng, người dân ở đó thu nhập vẫn rất thấp.
Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh sẽ mất thời gian dài và chưa thể song hành với việc điều chỉnh viện phí, nhất là khi tình trạng quá tải bệnh viện vẫn còn phổ biến và thái độ của một số nhân viên y tế đối với người bệnh vẫn còn bị phàn nàn. Nguyễn Quốc (ghi) Sổ tay: Đừng gây sốc Những ngày qua, ghé vô bệnh viện nào cũng thấy bệnh nhân xôn xao bàn tán sắp tăng viện phí, giá dịch vụ khám chữa bệnh. Quả thực, một bộ phận gia đình bệnh nhân đang phải cáng đáng từng ngày để chống chọi với bệnh tật. Thế nên, việc Bộ Y tế tiếp tục đề xuất Chính phủ xem xét nâng khung giá viện phí và 350 dịch vụ y tế lên cho “kịp thời giá lạm phát” trở thành chuyện thời sự không chỉ của các cơ quan truyền thông mà còn là chuyện trọng đại của nhiều gia đình có người bệnh. Dẫu biết rằng việc điều chỉnh giá viện phí và dịch vụ y tế là chẳng đặng đừng sau 16 năm (từ năm 1995) gồng gánh của chính các bệnh viện công lập và Nhà nước. Tuy nhiên, xét dưới góc độ tình hình kinh tế, an sinh xã hội hiện nay, khi đời sống của nhiều người dân vẫn còn khó khăn trước thời bão giá tứ bề thì giá viện phí, dịch vụ y tế không thể gây sốc ngay được. Chính Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại cuộc họp với các bộ ngành, đơn vị liên quan về việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế mới đây cũng nhìn nhận, tăng giá viện phí sẽ khiến một bộ phận người dân ảnh hưởng. Vậy bộ phận này là ai ngoài người nghèo, gia đình chính sách? Tuy rằng Nhà nước đã có hỗ trợ cho những đối tượng này thông qua việc mua thẻ BHYT nhưng việc làm này vẫn chưa phủ hết được mọi đối tượng. Theo Bộ Y tế, chỉ hơn 60% trong số những người nghèo và diện chính sách ấy được hỗ trợ mua thẻ BHYT, vậy 40% còn lại liệu có kham nổi giá dịch vụ y tế mới? Do vậy, trước khi áp dụng khung giá mới, phải hoàn tất ngay việc hỗ trợ cho các đối tượng trên. Bằng không, cần có cơ chế cụ thể để họ được hưởng các dịch vụ y tế một cách hợp lý, hợp tình. Tiếp theo người nghèo, diện chính sách, những hộ cận nghèo và có mức sống trung bình cũng khó đáp ứng ngay được chi phí dịch vụ y tế mới nếu không may phải vào bệnh viện điều trị. Vì nếu lỡ cùng lúc phải cần tới 5-7 dịch vụ y tế trong số 350 dịch vụ tăng giá thì càng khốn đốn hơn. Do vậy, việc tăng giá có lộ trình, có chọn lọc cũng đáng quan tâm. Thay vì cùng lúc tăng giá của 350 dịch vụ y tế, liệu có nên chia làm nhiều đợt, mỗi đợt tăng vài ba chục dịch vụ và cách nhau 6 tháng? Có thể việc “cắt khúc” này đỡ gây sốc cho người dân hơn. Bộ Y tế cũng khuyến cáo tiến tới BHYT toàn dân, để lấy đông bù ít. Nhưng hiện nay, ngoài đối tượng mua BHYT bắt buộc như cán bộ - công chức, số đông công nhân, nông dân tự do vẫn chưa hưởng ứng mua BHYT tự nguyện. Phải chăng những đối tượng này chưa ý thức hết lợi ích của việc mua BHYT hay vì không có khả năng chi trả, hoặc họ nghĩ rằng mua BHYT mà quyền lợi được hưởng không xứng với đồng tiền bỏ ra? Để tiến tới BHYT toàn dân, Bộ Y tế phải hiểu được nguyên nhân do đâu người dân chưa mặn mà với BHYT. Thống kê cho thấy, cũng chỉ mới khoảng 65% trong số 87 triệu dân của nước ta có thẻ BHYT. Vậy con số còn lại có phải chưa tiếp cận được với BHYT hay không muốn có BHYT? Thực tế, không ít người phàn nàn là diện BHYT vẫn bị phân biệt đối xử nên cứ “tiền tươi” đi dịch vụ cho nhanh, lại chu đáo hơn. Sự chờ đợi mỏi mòn, nằm ghép 3-4 người/giường, khám bệnh qua quýt… đang khiến người dân mất niềm tin vào BHYT. Vậy nên, với tâm lý đè nặng, chất lượng khám chữa bệnh chưa nâng cao, việc tiến tới BHYT toàn dân còn quá xa vời. Chính vì vậy, khi điều chỉnh khung giá viện phí, dịch vụ y tế mà chất lượng khám chữa bệnh không điều chỉnh thì quả là thiệt thòi cho người dân. Chưa kể mức đóng BHYT dự trù sẽ tăng lên rất nhiều lần so với hiện nay, chí ít từ 4,5% lên 5% lương cơ bản. Đây là khoản tiền không nhỏ đối với nhiều hộ gia đình. Xem ra, việc điều chỉnh giá viện phí, dịch vụ y tế cần có lộ trình và không tăng đồng loạt cùng lúc hàng trăm loại dịch vụ sẽ thích hợp hơn trong điều kiện hiện nay. Quỳnh Chi |
Theo SGGP
Tags: binh luan ve viec tang vien phi va dich vu y te, dich vu y te tang phi, tang vien phi va anh huong den nguoi dan?
0 nhận xét