Để nghiên cứu, sửa đổi Hiến pháp năm 1992, về kỹ thuật lập hiến, về tư tưởng Nhà nước pháp quyền, có lẽ, chúng ta không cần phải học hỏi ở đâu xa, mà học ngay ở Hiến pháp năm 1946.
Hiến pháp 1946 là một bản hiến văn hết sức ngắn gọn, súc tích. Toàn bộ bản hiến văn chỉ gồm 70 điều. Sự ngắn gọn này đạt được là nhờ vào việc Hiến pháp chỉ tập trung quy định những vấn đề thuộc phạm vi điều chỉnh của luật hiến pháp, mà cụ thể là các quyền tự do, dân chủ; các nguyên tắc và cách thức tổ chức các cơ quan quyền lực Nhà nước. Đây thực sự là một bản kế ước xã hội về việc phân chia quyền: quyền của các công dân và quyền của Nhà nước; quyền giữa các cơ quan Nhà nước với nhau.
Nếu Nhà nước pháp quyền là Nhà nước được tổ chức trên những nguyên tắc và thủ tục sao cho lạm quyền không thể xảy ra và quyền tự do, dân chủ của nhân dân được bảo vệ, thì Hiến pháp 1946 đã phản ánh đúng tinh thần đó.
Trước hết, để lạm quyền không thể xảy ra thì Hiến pháp đã được đặt cao hơn Nhà nước. Về mặt thủ tục, điều này có thể đạt được bằng hai cách: 1. Hiến pháp phải do Quốc hội lập hiến thông qua; 2. hoặc Hiến pháp phải do toàn dân thông qua. Hiến pháp 1946 đã thực sự do một Quốc hội lập hiến thông qua. Theo quy định của Hiến pháp 1946, nước ta không có Quốc hội mà chỉ có Nghị viện nhân dân với nhiệm kỳ 3 năm. Như vậy, đáng ra nếu không có chiến tranh, sau khi thông qua Hiến pháp, Quốc hội sẽ tự giải tán để tổ chức bầu Nghị viện nhân dân. Nghị viện nhân dân không thể tự mình sửa đổi hiến pháp. Mọi sự sửa đổi, bổ sung đều phải đưa ra toàn dân phúc quyết (Điều 70).
Hai là, các quyền của người dân được Hiến pháp ghi nhận và bảo đảm. Ví dụ, Điều 10 quy định: “Công dân Việt Nam có quyền: - Tự do ngôn luận; - Tự do xuất bản; - Tự do tổ chức và hội họp; - Tự do tín ngưỡng; -Tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”; Điều 12 quy định: “Quyền tư hữu tài sản của công dân Việt Nam được bảo đảm”. Như chúng ta thấy, Hiến pháp không đặt vấn đề Nhà nước bảo đảm các quyền đó, mà ghi nhận các quyền đó như những quyền đương nhiên (do tạo hóa ban cho).
Ba là, việc phân cấp, phân quyền được thực hiện khá mạch lạc, và nhiều cơ chế kiểm tra và giám sát lẫn nhau đã được thiết kế. Ví dụ, quyền “kiểm soát và phê bình Chính phủ” của Ban thường vụ Nghị viện (Điều 36); quyền của “nghị viên không bị truy tố vì lời nói hay biểu quyết trong Nghị viện” (Điều 40); Thủ tướng có quyền nêu vấn đề tín nhiệm để Nghị viện biểu quyết (Điều 54)...
Việc phân cấp, phân quyền giữa chính quyền Trung ương và chính quyền địa phương cũng rất rõ. Ví dụ, Nghị viện nhân dân chỉ quyết định những vấn đề “chung cho toàn quốc” (Điều 23). Hội đồng nhân dân được quyền quyết định “những vấn đề thuộc địa phương mình” (Điều 59).
Cuối cùng, vai trò độc lập xét xử của tòa án được bảo đảm. Điều này đạt được nhờ hai cách: Một là, các tòa được thiết kế không theo cấp hành chính mà theo cấp xét xử (Điều 63); Hai là, xác lập quy phạm ở tầm hiến định là khi xét xử, thẩm phán “chỉ tuân theo pháp luật, các cơ quan khác không được can thiệp” (Điều 69).
Hiến pháp năm 1946 là di sản to lớn về tư tưởng và văn hóa lập hiến của dân tộc. Di sản này sẽ mãi soi sáng trí óc và con tim của chúng ta trong quá trình phấn đấu xây dựng Nhà nước pháp quyền và xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Nguyễn Sĩ Dũng
Nguồn: TC Tia Sáng
(*) Tựa bài gốc trên tạp chí Tia Sáng: "Học ở Hiến pháp năm 1946"
0 nhận xét