Chính trường Nhật Bản đã có bước ngoặt quan trọng sau khi có nội các mới do cựu bộ trưởng tài chính Yoshihiko Noda được bầu làm Thủ tướng thay người tiền nhiệm Naoto Kan.
Hiếm có nước nào trên thế giới liên tục thay đổi thủ tướng “như thay áo” giống Nhật Bản. Ông Noda là vị thủ tướng thứ 6 trong 5 năm qua và là thủ tướng thứ 95 của Nhật Bản kể từ sau thế chiến 2.
Không chỉ chính giới Nhật Bản mà cả người dân xứ sở hoa anh đào hy vọng tân Thủ tướng Noda bảo vệ được uy tín của Đảng Dân chủ (DPJ) cầm quyền từ tháng 9-2009, kết thúc hơn nửa thế kỷ trị vì của Đảng Dân chủ tự do (LDP) mà 2 cựu thủ tướng Naoto Kan và Yukio Hatoyama không thực hiện được vì phải từ chức quá sớm. Ông Kan chỉ cầm quyền chưa được 15 tháng và người tiền nhiệm Hatoyama giữ chức được 9 tháng.
Báo Pháp Le Monde ví von trong 2 năm qua, DPJ như người lái thuyền chèo chống “con thuyền kinh tế” Nhật Bản giữa cơn sóng gió chưa từng có mà không thành công! Trong những năm qua, kinh tế Nhật Bản không thoát khỏi ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, phải gánh chịu nhiều hậu quả chưa từng có. Từ vị trí thứ 2 thế giới sau Mỹ, năm 2010 kinh tế Nhật Bản đã để mất vị thế này cho Trung Quốc, tụt xuống vị trí thứ 3.
Tân Thủ tướng Noda đã phải tiếp quản toàn bộ gánh nặng kinh tế - xã hội do người tiền nhiệm để lại. Hãng Reuters nhận định: Ông Noda đang phải đối mặt với một danh sách dài những thách thức từ việc tái xây dựng đất nước bị tàn phá bởi thảm họa kép động đất – sóng thần hồi tháng 3 kéo theo cuộc khủng hoảng điện hạt nhân, tới việc kiểm soát khoản nợ công của đất nước. Giới truyền thông Nhật Bản nêu ra 5 thách thức lớn nhất không dễ vượt qua đối với Thủ tướng Noda. Thứ nhất: Khoản nợ công khổng lồ 10.000 tỉ USD, gấp đôi giá trị GDP của nước này, đạt mức nợ cao nhất trong các nền kinh tế phát triển. Thứ hai: Đồng nội tệ yen tăng giá quá mức, ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu. Thứ ba: Phải có chính sách năng lượng mới, bác bỏ quan điểm của cựu thủ tướng Kan về một xã hội phi điện hạt nhân sau thảm họa Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima. Thứ tư: Hàn gắn những rạn nứt trong nội bộ DPJ cầm quyền. Thứ năm: Chấn chỉnh chính sách ngoại giao với trọng tâm là thắt chặt trở lại quan hệ đồng minh với Mỹ có nhiều trục trặc sau khi DPJ cầm quyền năm 2009 và sớm cải thiện quan hệ ngày càng xấu với Trung Quốc do tranh chấp lãnh thổ đảo Điếu Ngư (Nhật gọi là Senkaku).
Báo Yomiuri của Nhật Bản viết: “Nhiệm vụ bức thiết của ông Noda hiện nay là xây dựng sự đoàn kết trong DPJ. Đây là bước đi nhằm cụ thể hóa lời cam kết của ông “không có bè phái” trong đảng. Ông Noda cần thực hiện lời hứa tranh thủ sự hợp tác của LDP đối lập để khắc phục tình trạng chia rẽ trong quốc hội khi LDP nắm đa số tại thượng viện, nhằm thông qua các dự luật tăng ngân sách chi tiêu”.
Hãng AP viết: “Khác xa thời kỳ làm bộ trưởng tài chính, giờ đây giữ chức thủ tướng, ông Noda phải gánh vác vai trò lớn hơn với nhiều thách thức trước mắt và lâu dài. Liệu ông có đủ sự ủng hộ cần thiết của người dân hơn hai vị tiền nhiệm hay không? Liệu “tuần trăng mật” của ông có ngắn ngủi không? Câu hỏi này sẽ được thời gian trả lời!”.
Đỗ Chuyên
Theo NLĐ
0 nhận xét