Theo tờ báo, tham vọng này của nước thực dân cũ là Pháp được nhìn thấy rõ trong cuộc thảo luận giữa Ngoại trưởng Nga và Pháp tại Moscow, liên quan đến tình hình tại Syria, một trong những nước chịu ảnh hưởng của cuộc cách mạng Mùa Xuân Arab.
Cả Ngoại trưởng Sergey Lavrov và người đồng nhiệm Alain Juppe đều nhấn mạnh đến nhu cầu đối thoại giữa Chính phủ Syria và phe đối lập. Tuy nhiên, cuộc gặp cho thấy giữa hai bên có những cách tiếp cận rất khác nhau.
Pháp muốn áp đặt lệnh trừng phạt nghiêm khắc với chính quyền Syria trong khi Nga lại muốn có một giải pháp hòa bình dù cả hai cùng nhất trí về việc đưa tất cả những giải pháp có thể ra thảo luận tại cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào cuối tháng này.
Ngoại trưởng Nga một mực nhấn mạnh rằng không nên lặp lại kịch bản của Libya tại Syria. “Chúng ta hiểu rõ đàm phán là điều cần thiết lúc này và đây cũng là những gì lãnh đạo Syria mong muốn. Sẽ rất nguy hiểm nếu kích động bất cứ lực lượng nào tại Syria tẩy chay các cuộc đàm phán. Cả Nga và Pháp đều không muốn điều đó xảy ra”, ông Lavrov khẳng định.
Ngoại trưởng Lavrov cũng bày tỏ hy vọng Chính phủ Syria sẽ sớm tiến hành cải cách, đồng thời cảnh báo phe đối lập tại Syria không nên quá khích và tẩy chay đàm phán.
Russia Today nhận định, chủ nghĩa đế quốc thực dân đang hồi sinh thông qua cuộc cách mạng Mùa Xuân Arab. Ảnh minh họa. |
Trái lại, Ngoại trưởng Pháp cương quyết cho rằng, chính quyền Syria phải chịu các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, Jacob Hornberger, Chủ tịch Liên đoàn Tương lai của tự do khẳng định, những lệnh trừng phạt đó không chỉ gây ảnh hưởng đến chính quyền mà cả nhân dân Syria.
Bên cạnh đó, thực tế cho thấy các lệnh trừng phạt nhằm vào Iraq trước đây cũng không thể đem lại hiệu quả trong việc lật đổ chính quyền.
“Chính nhân dân Syria mới là người quyết định về khả năng lật đổ chính quyền của mình. Việc có hay không việc thực hiện một cuộc cách mạng cũng là quyền của họ, chứ không phải thông qua các lệnh trừng phạt của chính quyền Mỹ hay đồng minh”, ông Hornberger nhận định.
Ông Hornberger quả quyết rằng, tình hình tại Syria chắc chắn sẽ diễn biến tồi tệ hơn rất nhiều một khi các biện pháp trừng phạt cứng rắn được siết chặt song cũng không thể lật đổ chế độ của nhà lãnh đạo Bashar Assad. “Đến khi đó, kịch bản của Libya sẽ lặp lại”, quan chức trên nhấn mạnh.
Trong khi đó, tiến sĩ Hisham Ghassib tại ĐH Công nghệ Sumaya ở Jordan nhận định: “Nếu để ý sẽ thấy dù Bahrain, Yemen và một số nước Arab khác cũng để xảy ra tình trạng tương tự Syria nhưng Syria lại được báo giới chú ý hơn cả bởi quốc gia này đang trở thành con mồi tiếp theo trong công cuộc hồi sinh của các nước đế quốc thực dân cũ”.
0 nhận xét